Thách thức lớn nhất trong đàm phán TPP
(Tài chính) Thách thức lớn nhất hiện nay là tìm tiếng nói chung trong việc tiếp cận thị trường nông nghiệp, dịch vụ.
GS. Jeffrey Schott, chuyên gia hàng đầu về Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), thành viên cao cấp của Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Hoa Kỳ) dự báo các nước có thể kết thúc đàm phán và ký kết TPP vào nửa đầu năm 2015.
Tuy nhiên, để đi đến kết quả này, thách thức lớn nhất đòi hỏi các bên phải vượt qua là tìm tiếng nói chung trong tiếp cận thị trường nông nghiệp, dịch vụ. Trong đó, vấn đề nông nghiệp sẽ nổi lên vào cuối đàm phán giữa Mỹ - Nhật Bản.
Bên cạnh đó, theo ông Schott, còn một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực đầu tư, môi trường và doanh nghiệp nhà nước. Hiện các nước đang tích cực đàm phán và sẽ có những điều chỉnh về lập trường trong những tháng tới trước khi các nhà lãnh đạo chính trị có quyết định cuối cùng.
Về phía Hoa Kỳ, Giáo sư Schott cho rằng một trong các vấn đề gây trở ngại hiện nay là quyền đàm phán nhanh Hiệp định Thương mại (TPA).
Hiện Quốc hội Mỹ vẫn chưa thông qua dự luật về TPA cho phép Tổng thống Obama thực hiện quyền đàm phán nhanh. Điều này sẽ ảnh hưởng tới tiến trình đàm phán TPP bởi các quốc gia tham gia đàm phán đều muốn đảm bảo rằng Mỹ sẽ nhanh chóng phê chuẩn và thực hiện hiệp định.
Giáo sư Schott mong muốn Tổng thống Obama và đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman phối hợp chặt chẽ với Quốc hội nhằm đảm bảo rằng TPA có thể được thông qua vào đầu năm 2015. GS Schott dự đoán kịch bản này nhiều khả năng xảy ra.
Trước đó, trả lời phóng viên ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập Hiệp định TPP cho biết, sau phiên đàm phán ở Hà Nội (diễn ra đầu tháng) các nước đã thống nhất được với nhau về các gói để kết thúc đàm phán trong nhiều lĩnh vực; đồng thời xác định các vấn đề còn lại để xây dựng các gói đánh đổi cuối cùng để hướng tới kết thúc việc đàm phán Hiệp định.
Ông Khánh nhận định, nếu với nỗ lực đã đưa ra tại Hà Nội, nếu các nước tiếp tục dành cho nhau sự linh hoạt như tại Hà Nội thì vẫn còn khả năng có thể sẽ đi đến một sự kết thúc thành công TPP trong thời gian tới. Các nhà đàm phán lạc quan hơn sau phiên đàm phán TPP ở HN vừa qua.
Liên quan đến Hoa Kỳ, ông Khánh cho biết, trong cuộc gặp của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh với hai lãnh đạo Ủy ban Tài chính của Thượng viện và Hạ viện Hoa Kỳ vừa qua, hai vị này cho biết sẽ nỗ lực cùng chính quyền Tổng thống Obama thông qua dự luật về thẩm quyền đàm phán nhanh để ký TPP trong thời gian tới.
Nhận định về cơ hội và thách thức của Việt Nam khi tham gia TPP, Giáo sư Schott cho rằng Việt Nam là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ TPP vì nó mang lại cơ hội lớn cho tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cũng như xuất khẩu tới các quốc gia đối tác của TPP.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với các thách thức lớn, đòi hỏi theo thời gian phải thực hiện các cải cách quan trọng về chính sách. Hiện các nhà đàm phán đang tìm cách đạt tới một "sự cân bằng chuẩn xác" giữa độ sâu của tự do hóa mà Việt Nam cam kết thực hiện với tốc độ thực hiện các cam kết này.
Điều quan trọng là Việt Nam cần có một chiến lược cải cách kinh tế trong giai đoạn 10 - 15 năm tới, đồng thời đảm bảo tiến trình thực hiện để TPP mang lại lợi ích và hiệu quả lớn nhất. Để làm được việc này, Việt Nam cần có một chiến lược cải cách rõ ràng trong đó có lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ. Và với một chiến lược như vậy, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ mở rộng và gia tăng đầu tư vào Việt Nam.