Thái Lan lỗ hàng trăm tỷ bath vì trợ giá gạo
Kể từ khi Thái Lan áp dụng chính sách mua gạo giá cao của nông dân, gạo xuất khẩu nước này đã sụt giảm mạnh và không cạnh tranh được với gạo Việt Nam, Ấn Độ. Chính phủ Thái Lan ước tính lỗ hàng trăm tỷ bath với chính sách này.
Từ trước đến nay, việc kinh doanh của ông Charoen Laothamatas, Chủ tịch công ty xuất khẩu gạo Thái Uthai Produce vẫn rất thuận lợi. Thái Lan là nhà xuất khẩu lớn nhất trên thị trường gạo thế giới, vì thế Uthai có nhiều lợi thế, làm không hết việc.
Tuy nhiên, từ năm 2012, Charoen đã phải cắt giảm 40% nhân công. Nguyên nhân là do một chính sách của chính phủ yêu cầu mua gạo của nông dân với giá rất cao. Mặc dù chính phủ cho rằng kế hoạch này làm tăng thu nhập của người nông dân, nhưng nó lại làm gạo Thái Lan trở nên kém cạnh tranh so với gạo Việt Nam và Ấn Độ. Trước khi chính sách mới có hiệu lực, Uthai xuất khẩu 200.000 tấn gạo mỗi năm đến Mỹ, Trung Quốc, Hồng Kong. Tuy nhiên năm nay ông chỉ hy vọng xuất được 80.000 tấn.
Khó khăn của Charoen bắt nguồn từ những bất ổn chính trị ở Thái Lan sau khi cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra bị lật đổ năm 2006. Thủ tướng hiện nay, bà Yingluck Shinawatra đã chọn cách củng cố vị trí của mình bằng việc giành tình cảm của nông dân, vốn chiếm đa số dân Thái Lan. Groon To Chai, một nông dân 67 tuổi ở miền Trung Thái Lan cho biết, thu nhập của ông tăng thêm 50%, lên 30.000 bath/tháng (1.000 USD) nhờ chương trình này. Với mức giá 571 USD/tấn, hiện gạo Thái đắt hơn nhiều so với gạo Việt Nam và Ấn Độ.
Theo Bộ Thương mại Thái Lan, xuất khẩu gạo của Thái năm 2012 đã giảm 37%, do mức giá bị đẩy lên cao. Xuất khẩu trong 14 tuần đầu năm 2013 đã giảm 13,3% so với cùng kỳ năm 2012, theo Hiệp hội xuất khẩu gạo Thái.
Theo cơ quan Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc, do nhu cầu xuất khẩu giảm, chính phủ đang có hơn 18 triệu tấn gạo tồn kho. Thông thường gạo có thể cất giữ trong một năm, sau đó chất lượng sẽ giảm dần. Sau hai năm, chất lượng giảm tới 50%, gạo sẽ bị ngả vàng và sâu mọt.
Bộ trưởng Thương mại Boonsong Teriyapirom hôm 5/4 cho biết, chính phủ dự định bán 7 triệu tấn gạo tồn kho trong năm nay.
Thay vì bán gạo trên thị trường mở và sẽ khó khăn khi thỏa thuận giá với các nhà xuất khẩu tư nhân, Thái Lan dự định bán gạo theo hợp đồng thỏa thuận giữa các chính phủ, qua đó có thể giữ bí mật về giá. Hôm 15/4, Bộ Thương mại Bờ biển Ngà cho biết đã mua khối lượng lớn gạo Thái với giá cạnh tranh. Tuy nhiên sau khi nhận 38.500 tấn gạo, Bờ biển Ngà đã trả lại 7.600 tấn do vấn đề chất lượng.
Gạo Thái đang phải bán trên một thị trường mềm. “Không có nhu cầu, do vậy gạo Thái đang ế ẩm”, Jac Luyendijk, CEO của công ty Thương mại Nông nghiệp Thụy Sĩ cho biết. Công ty này năm nay chỉ mua 30.000 tấn gạo Thái, so với mức 200.000 tấn năm 2011.
Khi bà Yingluck lần đầu công bố kế hoạch tăng giá, Thái Lan đã không phải cạnh tranh với Ấn Độ, nhà sản xuất gạo lớn thứ hai thế giới. Ấn Độ khi đó cấm xuất khẩu gạo sau đợt thiếu hụt năm 2008. Tuy nhiên, sau khi lệnh cấm này được dỡ bỏ năm 2011, gạo Ấn Độ đã tràn ngập thị trường. Năm 2012, gạo xuất khẩu Ấn Độ tăng mức kỷ lục và dự kiến còn tăng nữa trong năm nay, theo Bloomberg.
Một chuyên gia của Viện nghiên cứu Gạo thế giới cho rằng, gạo Thái Lan cần phải giảm giá ít nhất 100 USD/tấn thì mới có thể cạnh tranh được.
Nếu Thái Lan không giảm giá xuất khẩu gạo, họ sẽ không có người mua. Tuy nhiên nếu giảm giá, Mỹ và các nước khác có thể sẽ yêu cầu WTO phạt nước này bán phá giá. Mới đây, chính phủ Mỹ đã cảnh báo với WTO về quan ngại Thái Lan sẽ hạ giá gạo. Điều này khiến họ ở tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Nội các của bà Yingluck tháng trước đã thông qua kế hoạch chi thêm 100 tỷ bath (3,5 tỷ USD) nữa để mua gạo của nông dân. Theo ước tính của chính phủ, khoản thua lỗ từ toàn bộ kế hoạch này là 80 tỷ bath (2,8 tỷ USD). Tuy nhiên, Korn Chatikavanij, một thủ lĩnh của đảng đối lập và là cựu bộ trưởng tài chính Thái Lan cho rằng, riêng khoản lỗ của năm 2012 đã là 200 tỷ bath (7 tỷ USD). “Đây là một thảm họa, chúng ta đã tự bắn vào chân mình”, ông Korn Chatikavanij nói.
Sẽ khó có cách giải quyết ngay lập tức cho vấn đề hiện nay của Thái Lan. Một thương gia Thụy Sĩ cho biết, chưa bao giờ có một lượng gạo tồn kho lớn như vậy ở một quốc gia. Ông dự đoán giá gạo thế giới bị ảnh hưởng (giảm giá) trong 3 năm tới. Trong khi đó, ông Charoen lo lắng về triển vọng dài hạn hơn. "Chúng tôi phải mất nhiều năm mới xây dựng được ngành công nghiệp xuất khẩu gạo thành công. Nếu không có biện pháp ngăn chặn, những thành quả trước đây sẽ tiêu tan".