Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, giảm lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc
(Tài chính) Trước diễn biến phức tạp trên Biển Đông trong các ngày gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, đây cũng là một cơ hội để tái cơ cấu theo hướng phát huy nội lực, tăng tính tự chủ của nền kinh tế, giảm lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.
Số liệu thống kê từ năm 2001 đến nay cho thấy, nước ta nhập siêu từ Trung Quốc với quy mô không ngừng tăng qua các năm. Năm 2001 nhập siêu khoảng 200 triệu USD thì năm 2013 đã lên khoảng 24 tỷ USD. Thậm chí, ngay cả khi mức nhập siêu của nước ta đã giảm dần từ năm 2008 đến nay, và hai năm vừa qua đã xuất siêu, thì mức nhập siêu từ Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng, từ 11 tỷ USD trong năm 2009 lên 24 tỷ USD trong năm 2013.
Vì sao nhập siêu từ Trung Quốc lại tăng mạnh đến vậy? Theo các chuyên gia, nguyên nhân trước hết là do hàng Trung Quốc (từ máy móc thiết bị đến nguyên phụ liệu hay hàng tiêu dùng) đa số đều có giá rất rẻ nhờ nhân công thấp, công nghệ đơn giản và chính sách hỗ trợ xuất khẩu. Với lợi thế giá bán thấp, hàng tiêu dùng Trung Quốc được nhiều người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt người thu nhập thấp chấp nhận. Một nguyên nhân khác là do nước ta chủ yếu xuất khẩu thô khoáng sản, nông, lâm, thủy sản nên giá trị gia tăng thấp, trong khi lại nhập khẩu từ Trung Quốc hóa chất, sản phẩm chế tác cơ bản, máy móc thiết bị... Đồng thời, hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu chưa được xây dựng đầy đủ nên hàng hóa Trung Quốc bất kể chất lượng, phẩm cấp thế nào vẫn được nhập khẩu vào nước ta.
Trung Quốc cũng đang là nhà thầu lớn nhất của nước ta. Các doanh nghiệp nước này đã trúng thầu EPC (Thiết kế - Cung cấp vật tư thiết bị - Xây dựng lắp đặt) phần lớn các công trình khai khoáng, luyện kim, năng lượng. Tình trạng này được cho là do nguồn cung tín dụng, vật tư nguyên liệu hàng hóa từ Trung Quốc dồi dào, có giá tương đối rẻ so với các đối thủ cạnh tranh khác. Trong khi đó, giá rẻ đang là một tiêu chuẩn chọn nhà thầu đã được quy định tại Luật Đầu tư hiện hành. Thực tế, với lợi thế giá bỏ thầu thấp và nguồn cung tín dụng dồi dào nên hiện nay 90% hợp đồng EPC trong các dự án nhiệt điện ở nước ta do nhà thầu Trung Quốc thi công.
Ngoài ra, Trung Quốc tuy không phải là thị trường xuất khẩu lớn nhất, nhưng lại là quốc gia nhập khẩu rau quả lớn nhất, đang tiêu thụ một lượng lớn gạo và một số nông sản khác của nước ta. Do đó, mỗi diễn biến của thị trường này sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của một bộ phận đáng kể nông dân và người sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, hiện khoảng 70% dân số nước ta sống ở nông thôn và 50% lao động làm nông nghiệp. Vẫn biết giá bán các mặt hàng sang thị trường này thấp, chỉ bằng 1/10 giá bán sang các thị trường khác, có nhiều rủi ro, nhưng do hàng rào kỹ thuật với nông, lâm, thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc không cao như các thị trường khác, nên đây vẫn là thị trường lớn của nông sản Việt Nam.
Những diễn biến phức tạp trên Biển Đông trong các ngày qua được dự báo nếu không được cải thiện sẽ tác động đáng kể đến quan hệ thương mại giữa hai nước.
Thực tế hiện nay đòi hỏi, một mặt phải duy trì quan hệ thương mại ổn định với Trung Quốc, một mặt phải tăng cường các biện pháp hạn chế sự phụ thuộc quá lớn vào một quốc gia, hay nói cách khác là tránh bỏ trứng vào một rọ. Bởi nếu phụ thuộc vào một quốc gia sẽ có nhiều rủi ro hơn, nhất là phụ thuộc nguồn nguyên, nhiên liệu cho sản xuất sẽ dẫn đến sự phát triển không bền vững.
Với mô hình sản xuất hiện đại theo chuỗi cung ứng toàn cầu, mỗi quốc gia đều sẽ phải lệ thuộc vào quốc gia khác. Nhiều nước trên thế giới tìm cách giao thương với Trung Quốc và nước ta không phải là một ngoại lệ. Và dù nước ta có mở rộng nguồn cung đến đâu, đa dạng thị trường xuất khẩu như thế nào thì cũng khó có thể bỏ qua nguồn nguyên liệu phong phú nhất thế giới hiện nay ở Trung Quốc, cũng như không xuất khẩu sang một thị trường đông dân nhất thế giới, ở cận kề nước ta. Vì vậy, sự lệ thuộc của kinh tế vào Trung Quốc không phải là một hiện tượng đặc biệt, duy trì quan hệ thương mại bình thường ổn định giữa hai nước là cần thiết vì lợi ích lâu dài của cả Việt Nam và Trung Quốc.
Vậy lựa chọn nào là phù hợp với điều kiện hiện nay của nước ta? Theo các chuyên gia, lựa chọn phù hợp nhất với nước ta là nhanh chóng hòa mình vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, hoàn thành mục tiêu này không phải bằng việc đưa ra sản phẩm giá rẻ bằng giá nhân công thấp, công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường mà cần phải có giải pháp tiến tới nền sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Tất nhiên, lựa chọn này dường như khó phù hợp với điều kiện hiện nay của nước ta, khi đa số doanh nghiệp vẫn có quy mô nhỏ và vừa, sản xuất nông nghiệp còn manh mún. Song, hãy chịu đau một lần để có thể hình thành nền sản xuất lành mạnh, có sức cạnh tranh cao.