Tham gia TPP: Doanh nghiệp tăng đầu tư chiều sâu

Theo baocongthuong.com.vn

(Tài chính) Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được xem là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp (DN) thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu, nhất là trong lĩnh vực dệt may, da giày, thép, gỗ, nông sản.

Tham gia TPP: Doanh nghiệp tăng đầu tư chiều sâu
Tham gia TPP, cơ hội thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu của DN rất lớn. Nguồn: internet
TPP sẽ giúp tăng tỷ lệ nội địa hóa của ngành dệt may

Ngành hàng dệt may Việt Nam được xem là lĩnh vực hưởng lợi nhiều nhất khi sân chơi TPP mở cửa, bởi có chi phí nhân công thấp và được hưởng ưu đãi thuế quan bằng 0%. Các chuyên gia kinh tế đã ước tính, khi tham gia TPP, thị phần mặt hàng dệt may tại nhiều thị trường lớn như Mỹ có thể tăng mức 10% hiện nay lên 35%.

Kế hoạch mở rộng sản xuất để hội nhập sâu vào TPP của ngành dệt may được hướng tới việc gia tăng phát triển lĩnh vực phụ trợ, Vinatex đã đề xuất với UBND tỉnh Bình Định tìm kiếm cơ hội đầu tư Khu liên hiệp sản xuất may mặc xuất khẩu. Khu liên hiệp này được thực hiện theo quy trình khép kín từ nguyên liệu - công nghệ dệt - sản xuất đồ dùng may mặc - xuất khẩu hàng hóa - cung ứng đến các hệ thống siêu thị trong và ngoài nước.

Gói tài trợ tín dụng 600 triệu USD trong giai đoạn 2014-2016 cho Vinatex bao gồm hai cấu phần, trong đó vốn vay trung dài hạn là 350 triệu USD tài trợ các dự án đầu tư của Tập đoàn Dệt may và các đơn vị thành viên; đặc biệt ưu tiên cho chương trình đầu tư cụm công nghiệp Sợi – dệt – nhuộm – may – xuất khẩu và Trung tâm siêu thị thương mại tại Bình Định. Ông Trần Quang Nghị - Tổng giám đốc Vinatex- chia sẻ, nếu TPP góp phần thúc đẩy tốt vào đầu tư nguyên liệu thì các chỉ tiêu về xuất siêu, giá trị gia tăng, tỷ lệ nội địa hóa của ngành dệt may đều được nâng cao. Dự kiến ngành sẽ sớm đạt mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hóa 60% vào năm 2015 và 70% vào năm 2020.

Ông Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương:

Hiệp định TPP với nguyên tắc tự do trong hoạt động đầu tư tạo cơ hội thu hút vốn đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế tạo, các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao; tạo cơ hội cho thu hút vốn đầu tư từ các dự án tái đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh…

Da giày tăng lợi thế

Không chỉ riêng dệt may mà nhiều ngành hàng khác như thép, gỗ cũng đang kỳ vọng vào hiệp định kinh tế này. Với việc mở rộng thị trường xuất khẩu tới gần 30 quốc gia trên thế giới như hiện nay, nhiều DN của ngành thép đang kỳ vọng sẽ có cơ hội gia tăng xuất khẩu, góp phần giảm bớt áp lực tăng cung tại thị trường nội địa.

Ông Phạm Chí Cường- Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam - nhận định, ngành thép trong nước sẽ có nhiều thuận lợi khi tham gia TPP, không chỉ có cơ hội gia tăng xuất khẩu các mặt hàng ở phân khúc trung bình mà còn nhập khẩu được sản phẩm tốt hơn.

Trong lĩnh vực da giày, lợi thế cạnh tranh của các DN Việt Nam so với Trung Quốc được đánh giá cao hơn hẳn khi tham gia TPP, bởi thuế xuất khẩu da giày Việt Nam vào Mỹ sẽ chỉ còn 0% nên các nhà nhập khẩu muốn chuyển dần đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam để được hưởng ưu đãi thuế.

Ông Diệp Thành Kiệt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày-túi xách Việt Nam (Lefaso) - cho rằng, để tận dụng được các ưu đãi thuế quan khi tham gia TPP, các DN phải định vị lại chiến lược thị trường, xác định rõ các cơ hội và thách thức. Từ đó, cải tiến sản xuất, cắt giảm chi phí cũng như phải thay đổi phương thức kinh doanh chuyển từ gia công sang FOB nhằm gia tăng lợi thế.