Thâm hụt ngân sách của Mỹ lên tới 1.700 tỷ USD


Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) thông báo thâm hụt ngân sách của nước này trong năm tài chính 2023 (kết thúc vào ngày 30/9 vừa qua) đã lên tới 1.700 tỷ USD trong bối cảnh lãi suất tăng cao.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) thông báo thâm hụt ngân sách của nước này trong năm tài chính 2023 (kết thúc vào ngày 30/9 vừa qua) đã lên tới 1.700 tỷ USD trong bối cảnh lãi suất tăng cao.

Thâm hụt ngân sách của Mỹ  tăng cao do doanh thu giảm và chi tiêu tăng - Nguồn: Reuters
Thâm hụt ngân sách của Mỹ  tăng cao do doanh thu giảm và chi tiêu tăng - Nguồn: Reuters

Thâm hụt ngân sách "phình to" 

Trong báo cáo ngân sách hằng tháng, được CBO công bố ngày 10/10, con số 1.700 tỷ USD này đã cao hơn 300 tỷ USD so với mức thâm hụt của năm tài chính 2022.

CBO nêu rõ nguyên nhân khiến thâm hụt ngân sách của Mỹ "phình to" là do doanh thu giảm và chi tiêu tăng, "chủ yếu cho các chương trình trọng điểm và trả lãi các khoản nợ công."

Cụ thể, trong tài khóa 2023, chi tiêu bắt buộc cho các chương trình có quy mô lớn nhất của Mỹ, trong đó có an sinh xã hội, Medicare và Medicaid, đã tăng tới 285 tỷ USD, tương đương 11%.

Trong khi đó, các khoản chi trả lãi ròng của nợ công tăng thêm 177 tỷ USD, tương đương 33%, do lãi suất tăng đáng kể so với tài khóa 2022. Tuần trước, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lên tới hơn 4,7% - mức kỷ lục kể từ năm 2007.

Trong một tuyên bố, bà Maya MacGuineas - Chủ tịch Ủy ban về Ngân sách Liên bang có trách nhiệm (CRFB - một tổ chức giám sát tài chính độc lập và phi lợi nhuận), nhấn mạnh thâm hụt ngân sách liên bang của Mỹ đang trên đà tăng trở lại.

Theo bà, khi kinh tế đang tăng trưởng và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở gần mức thấp kỷ lục, lẽ ra đây là thời điểm giảm thâm hụt ngân sách nhằm giúp Chính phủ Mỹ ứng phó tốt hơn nguy cơ suy thoái kinh tế hoặc các cuộc khủng hoảng bên ngoài trong tương lai.

Bà MacGuineas nêu rõ trong bối cảnh thâm hụt ngân sách tăng và lãi suất cũng tiếp tục tăng, các quỹ tín thác lớn có thể cạn kiệt nguồn vốn trong một thập niên tới và các mối đe dọa mới về an ninh đang nổi lên.

Làn sóng phá sản doanh nghiệp vì lãi suất cao

Nhà bán lẻ lừng lẫy một thời Bed Bath & Beyond đã trở thành một trong số những “nạn nhân” mới nhất - Nguồn: Reuters
Nhà bán lẻ lừng lẫy một thời Bed Bath & Beyond đã trở thành một trong số những “nạn nhân” mới nhất - Nguồn: Reuters

Bên cạnh đó, các công ty Mỹ đang cảm nhận rõ sức nóng của mức lãi suất cao nhất trong hàng thập kỷ và tình trạng lạm phát dai dẳng, với số đơn xin bảo hộ phá sản tăng mạnh khi kỷ nguyên “tiền rẻ” sắp kết thúc.

Theo các chuyên gia dự báo, tình hình lãi suất cao có thể khơi mào một làn sóng vỡ nợ và phá sản doanh nghiệp tại Mỹ, từ đó làm gia tăng khả năng suy thoái kinh tế.

Theo Cơ quan Xếp hạng Tín nhiệm S&P Global, 459 công ty đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ tính đến cuối tháng Tám, con số này đã vượt doanh nghiệp phá sản trong năm 2021 và 2022.

Theo S&P Global, các công ty tiêu dùng không thiết yếu ghi nhận số vụ phá sản cao hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác trong năm 2023, trong đó nhà bán lẻ từng lừng lẫy một thời Bed Bath & Beyond đã trở thành một trong số những “nạn nhân” mới nhất.

Trong số các vụ phá sản lớn nhất năm 2023, với khoản nợ hơn 1 tỷ USD, phải kể đến nhà cung cấp bột talc Whittaker, Clark & Daniels Inc, đã nộp đơn phá sản hôm 26/4, sau các vụ kiện cáo buộc các sản phẩm của doanh nghiệp có nguy cơ gây ung thư.

Tiếp đến là nhà bán lẻ đồ gia dụng Bed Bath & Beyond Inc nộp đơn xin bảo hộ phá sản hôm 23/4 sau khi không đảm bảo được nguồn vốn để duy trì hoạt động.

Tập đoàn tài chính SVB Financial Group đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản ngày 17/3 vài ngày sau khi các cơ quan quản lý của Mỹ tiếp quản ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB). Cùng tháng Ba, tập đoàn Diamond Sports Group, cung cấp các chương trình phát sóng truyền hình địa phương cho gần một nửa các trận đấu NBA, NHL và MLB, đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản hôm 14/3,

Ông Collin Martin- một lãnh đạo cấp cao của Công ty Dịch vụ Tài chính Charles Schwab, ước tính chi phí đi vay của nhiều công ty đã tăng gấp đôi hoặc gần gấp ba trong năm 2023 so với những năm trước đó, ảnh hưởng nặng nề đến tình hình tài chính doanh nghiệp.

Theo Chỉ số ICE BofA US High Yield Index, lợi suất trái phiếu của các doanh nghiệp được đánh giá có chất lượng tín dụng thấp đã tăng mạnh lên 9% trong tháng này. Giải thích cho diễn biến này, ông Martin cho hay khi các doanh nghiệp này muốn trả nợ cũ, họ phải phát hành nợ mới với mức lợi suất cao hơn đáng kể so với nhiều năm qua, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp này sẽ phải trả lãi nhiều hơn, từ đó ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của họ trong bối cảnh doanh thu đang tăng chậm lại.

Ông Martin cho biết tình hình này đặc biệt khó khăn với các công ty zombie (công ty không có sẵn tiền mặt để trả nợ). Nhiều công ty zombie đã sống sót trong môi trường lãi suất cực thấp, khi chi phí đi vay gần bằng không và các công ty này có thể vay nợ mới để trả nợ cũ tương đối dễ dàng.

Nhưng mọi thứ đã thay đổi trong môi trường lãi suất cao. Theo Fitch Ratings, tỷ lệ vỡ nợ của các trái phiếu có lợi suất cao được dự đoán sẽ lên đến 4,5-5% vào cuối năm nay, gấp hơn sáu lần con số tương ứng của năm 2021.

Ông Martin dự đoán tổng số vụ vỡ nợ và phá sản doanh nghiệp của Mỹ sẽ tăng mạnh sang cả năm 2024. Theo ước tính của Charles Schwab, tình hình vỡ nợ và phá sản tại Mỹ có thể đạt đỉnh vào khoảng cuối quý 1/2024.

Làn sóng vỡ nợ và phá sản doanh nghiệp này là một trong những “cơn gió ngược” có thể đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái. Các công ty cố gắng xoay xở để vượt qua nguy cơ phá sản hoặc đang gánh một khối nợ lớn có thể sẽ phải cắt giảm nhân sự để phục hồi sức khỏe tài chính. Điều này cũng tác động tiêu cực đến giá tài sản, nhất là đối với các khoản nợ ngân hàng và trái phiếu lợi suất cao, từ đó có thể ảnh hưởng đến cả giá cổ phiếu.

Theo Báo Kiểm toán