Than củi, viên nén mùn cưa tạo cơn sốt xuất khẩu

Theo Lê Vân/kinhtevadubao.vn

Trong thời buổi kinh tế khó khăn, thị trường xuất khẩu của nhiều sản phẩm bị bó hẹp dẫn đến tồn kho số lượng lớn thì than củi, viên nén mùn cưa lại là một trường hợp đặc biệt. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong những năm tới.

Cơ hội cho Việt Nam từ mặt hàng xuất khẩu nhỏ, hiệu quả cao

Viên nén mùn cưa và than củilà sản phẩm được các nước có khí hậu lạnh rất ưa chuộng để dùng cho lò sưởi và nướng đồ ăn. Nhiều nước hiện nay đang khuyến khích các doanh nghiệp sử dụngviên nén mùn cưathay cho các nhiên liệu đốt khác vì chúng có giá thành, nhiệt năng tương đương than đá, nhưng lại không gây ô nhiễm môi trường. Thậm chí, Hàn Quốc còn miễn thuế nhập khẩu và tài trợ vốn cho các nhà nhập khẩu mặt hàng này.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc Công ty Cổ phần VIETGO - một công ty chuyên tư vấn, xúc tiến xuất, nhập khẩucho biết: “Nhật Bản, Hàn Quốc là 2 nước có đường bờ biển nhiều, hải sản là món ăn thường xuyên và họ đa phần nướng nên cần than củi nhiều. Các nước Trung Đông như: Iraq, Iran, Ô man, Thổ Nhĩ Kỳ…, nhu cầu dùng than cũng luôn cao. Các nước châu Âu là xứ lạnh, họ cũng có nhu cầu than…”.

“Gần đây, do thiếu nguồn cung, nên các nước này chuyển qua nhập khẩu từ châu Á, trong đó, Việt Nam là nguồn cung tốt nên mặt hàng này đang trở nên rất “nóng” trên thị trường”, ông Việt nói.

Cũng theo Giám đốc VIETGO, trước đây, các nước Trung Đông, châu Âu đa số nhập than củi từ các nước châu Phi, nơi có nhiều than củi từ gỗ rừng tự nhiên với chất lượng tốt, giá rẻ, khoảng cách vận chuyển gần. Nhưng kể từ cuối năm 2014, khi dịch Ebola bùng lên ở một số nước châu Phi, việc nhập khẩu nhiều loại hàng hóa từ các quốc gia này, trong đó có than củi bị cấm nghiêm ngặt nên các nước Trung Đông thiếu than củi.

“Chính vì vậy, nhà nhập khẩu ở các thị trường này đã xoay sang châu Á, trong đó có Việt Nam do có nguồn than đốt khá tốt ở một số vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bắc bộ..., nhất là có than củi nhập quá cảnh từ Lào - quốc gia có nhiều rừng tự nhiên.

Trên các trang web xúc tiến thương mại, mỗi ngày cóhàng trăm đối tác nước ngoàihỏi mua viên nén mùn cưa sản xuất tạiViệt Nam. Mỗi đơn hàng hỏi mua từ vài nghìn đến vài trục nghìn tấn viên nén mùn cưa 1 tháng.

Đối với viên nén mùn cưa, theo ông Nguyễn Tuấn Việt, thực tế mặt hàng này đã được xuất khẩu mạnh từ năm 2007, có thời điểm đạt lợi nhuận rất cao (khoảng 30%-40%), 1.000 tấn đã lãi khoảng 600 triệu đồng do ngày càng nhiều nước tăng cường sử dụng năng lượng sạch, như: dùng nhiên liệu viên nén mùn cưa thay cho đốt dầu, chạy than...

“Ở Hàn Quốc, có thời điểm hàng loạt nhà máy nhiệt điện, công nghiệp chuyển sang dùng viên nén mùn cưa, trong khi ở Việt Nam đây là dạng phụ phẩm, giá rất rẻ nên những năm trước, các doanh nghiệp Hàn Quốc sang thu mua rất nhiều, họ tìm đến tận các xưởng gỗ lớn trực tiếp thu mua, nhất là ở các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Ninh Bình, Thái Nguyên, Hà Tây (cũ)...”, ông Việt cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Việt, đến thời điểm này, giá viên nén mùn cưa đã giảm, chỉ còn khoảng 100 USD/tấn FOB do giá dầu thô thấp, tuy nhiên, nhu cầu nhập vẫn khá lớn.

 Than củi, viên nén mùn cưa tạo cơn sốt xuất khẩu - Ảnh 1

Cần khuyến khích phát triển

Tiềm năng xuất khẩu lớn như vậy, nhưng nguồn cung hàng của Việt Nam lại quá ít. Với một khách hàng bình thường yêu cầu từ 3 – 5 nghìn tấn/tháng, thì 1 nhà máy công suất trung bình ở Việt Nam chỉ sản xuất được 300 – 500 tấn/tháng (nghĩa là chỉ đáp ứng được 1/10 nhu cầu của khách hàng), trong khi đó lại có rất nhiều khách hàng từ nhiều quốc gia khác nhau.

Nguyên nhân của tình trạng cung không đủ cầu là dohạn chế nguồn nguyên liệu. Trước những năm 2010, 2011 nguồn nguyên liệu đầu vào sản xuất viên nén mùn cưa rất nhiều, thậm chí là xin được chỉ mất công vận chuyển. Từ năm 2012 trở về đây bắt đầu khan hiếm dần do các cơ sản sản xuất đồ gỗ cũng giảm sản lượng vì kinh tế khó khăn. Còn một nguyên nhân khác làm cho sản lượngviên nén mùn cưanhỏ là do các doanh nghiệp đang sản xuất nhỏ lẻ, nên chỉ có thể phát triển theo hướng từ nhỏ đến vừa, nên khó có thể xuất khẩu.

Theo TS. Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin thương mại - công nghiệp, Bộ Công Thương, nhu cầu nhập khẩu những mặt hàng trên từ Việt Nam của các nước Trung Đông khá lớn. Nhưng do đây là mặt hàng mới, nên Bộ Công Thương chưa có thống kê đầy đủ số lượng, giá trị kim ngạch xuất khẩu than củi từ trước đến nay.

“Thông thường, chúng tôi chỉ thống kê những mặt hàng chủ lực, có giá trị lớn, ảnh hưởng đến cán cân xuất nhập khẩu, đến nhập siêu. Tuy nhiên, với những mặt hàng tiềm năng như vậy, quả thực cũng nên được khuyến khích, thúc đẩy, do hiệu quả đem lại cao, nhất là khi nó đi được vào những thị trường ngách, không gặp phải nhiều khó khăn, cạnh tranh thì có khả năng phát triển mạnh”, TS. Phương nói.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy được xuất khẩu và đáp ứng được nhu cầu khách hàng đối với mặt hàng này, cần có quy hoạch cụ thể từ các cơ quan quản lý vào việc quy hoạch nguồn nguyên liệu và bố trí các cơ sở sản xuất hỗ trợ./.