Thị trường xuất khẩu gạo năm 2016: Mở rộng và nâng cao chất lượng

Hải Ngọc

Thị trường chính đẩy mạnh xuất khẩu gạo của Việt Nam là Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ. Trong đó, thị trường Châu Á chiếm tỷ lệ lớn nhất (75%), Châu Phi chiếm 12% đến 15% và Châu Mỹ là thị trường đầy tiềm năng phát triển sau khi Hiệp định TPP có hiệu lực.

Mở rộng và nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu để cạnh tranh trên thị trường. Ảnh Financeplus.vn
Mở rộng và nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu để cạnh tranh trên thị trường. Ảnh Financeplus.vn

“Muốn mở rộng thị trường Gạo, năm 2016 cần tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu gạo Việt Nam” - Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trong Hội Nghị Tham tán thương mại 2016 diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, lãnh đạo các hiệp hội, các tham tán thương mại và các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo trong nước.

Theo Ông Huỳnh Minh Huệ - Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết: Xuất khẩu gạo năm 2016 của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Cụ thể, tác động của hiện tượng El Nino, tình hình biến đổi khí hậu đang tác động đến các nguồn cung gạo trên thế giới. Đặc biệt là tình hình xâm nhập mặn đang lan rộng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ảnh hưởng đến diện tích trồng lúa của người dân.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chịu sức ép cạnh tranh từ các nước xuất khẩu gạo lớn như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan và các nước xuất khẩu gạo tiềm năng đang có những bước tiến mạnh mẽ như Campuchia, Myanmar. Việc cạnh tranh thị trường gạo không chỉ về giá xuất khẩu mà còn ở chất lượng, thương hiệu.

Trong thời gian tới về tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam, ông Huệ cũng cho rằng vẫn đạt từ 7 đến 8 triệu tấn/năm và đạt số lượng ổn định. Các thị trường chính đẩy mạnh xuất khẩu là Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ, trong đó thị trường Châu Á chiếm tỷ lệ lớn nhất (75%), Châu Phi chiếm 12% đến 15% và Châu Mỹ là thị trường đầy tiềm năng phát triển sau khi Hiệp định TPP có hiệu lực.

Trao đổi những vướng mắc và khó khăn trong quá trình hoạt động, nhiều doanh nghiệp cho rằng: các thương vụ Việt Nam tại các nước cần cung cấp thêm cho doanh nghiệp các thông tin về cơ chế đấu giá, giá cả, các rào cản kỹ thuật của các thị trường cũng như thông tin về các đối thủ cạnh tranh để doanh nghiệp chuẩn bị phương án khi tham gia đấu giá. Các doanh nghiệp cũng cần được hỗ trợ tiếp cận các công ty phân phối tại các thị trường và được tư vấn trong trường hợp xảy ra tranh chấp.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đánh giá cao ý nghĩa của hội nghị là sự kết nối giữa các tham tán thương mại, các tùy viên với các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu gạo để có thể trao đổi, và giải quyết những vấn đề như thực thi những chính sách xúc tiến thương mại về xây dựng thương hiệu, công tác phát triển thị trường xử lý các tranh chấp, các vấn đề liên quan phát triển xuất nhập khẩu, trong đó có xuất nhập khẩu gạo Việt Nam.

Liên quan đến những vướng mắc của doanh nghiệp, ông Trần Tuấn Anh yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổng hợp lại thông tin của doanh nghiệp, có hướng xử lý kịp thời và giải quyết những vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp. Về nguồn cung cấp thông tin, ông Trần Tuấn Anh đề nghị Cục cần tăng cường công tác thông tin thị trường, thiết lập kênh hỗ trợ thông tin tư vấn, giúp doanh nghiệp nắm bắt và hiểu đối thủ cạnh tranh để nâng cao sức cạnh tranh và tiếp cận được công ty phân phối ở nước ngoài.

Từ đó, thâm nhập các thị trường mới, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, giảm dần phụ thuộc vào một thị trường nhằm đẩy mạnh nâng cao giá trị, thương hiệu gạo Việt Nam.

Tính đến ngày 31/1/2016, xuất khẩu gạo cả nước đạt 416.770 tấn, trị giá FOB đạt 169,289 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2015, số lượng tăng 88,03%, trị giá tăng 70,99%; lũy kế ký hợp đồng 1,601 triệu tấn, trong đó hợp đồng tập trung 645.000 tấn (chiếm 40,29%). Hợp đồng thương mại 956.000 tấn (chiếm 59,71%); hợp đồng còn lại chưa giao hàng là 1,184 triệu tấn, trong đó hợp đồng tập trung 380.000, hợp đồng thương mại là 804.000 tấn.