Thận trọng điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu

Theo nhandan.com.vn

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước sáu tháng đầu năm mặc dù được kiềm chế ở mức thấp nhưng có khả năng sẽ tăng cao trong sáu tháng cuối năm. Ðiều này đòi hỏi công tác điều hành giá các mặt hàng thiết yếu trong thời gian tới phải hết sức thận trọng, linh hoạt để tránh những cú sốc tăng giá đột biến.

 Thận trọng điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu
Người dân mua hàng tại Siêu thị Big C. Nguồn: internet

Mức tăng 2,4% của chỉ số CPI trong sáu tháng đầu năm  được coi là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ mười năm gần đây. Có rất nhiều yếu tố làm giảm áp lực lên mặt bằng giá thời gian qua. Kinh tế thế giới chưa hoàn toàn phục hồi khiến giá một số hàng hóa Việt Nam có kim ngạch xuất, nhập khẩu lớn giảm, tác động vào thị trường trong nước theo hướng giảm nhẹ áp lực lạm phát.

Trong nước, sản xuất kinh doanh vẫn trong tình trạng khó khăn, sức tiêu thụ hàng hóa diễn ra khá chậm. Giá lương thực, thực phẩm có xu hướng giảm, tác động làm chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm liên tục từ tháng 3 đến nay. Ðây là nhóm hàng có quyền số lớn nhất trong rổ hàng hóa tính CPI nên tác động đến chỉ số giá chung tăng thấp. Bên cạnh đó, công tác điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu đã được thực hiện linh hoạt, phù hợp diễn biến giá thị trường thế giới và bảo đảm mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát.

Theo Phó Cục trưởng Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Thị Thúy Nga, công tác điều hành giá các mặt hàng thiết yếu đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương. Ðiển hình như dịch vụ khám, chữa bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước, mặc dù trong sáu tháng qua, có tới 19 tỉnh, thành phố điều chỉnh tăng giá nhưng không tác động làm tăng CPI đột biến do các địa phương đã không tăng dồn dập vào cùng một thời điểm.

Ðối với các mặt hàng khác như điện, than bán cho các hộ tiêu dùng trong nước, giá bán vẫn tiếp tục giữ ổn định từ cuối năm 2012 đến nay. Còn giá than bán cho sản xuất điện đã được điều chỉnh một bước theo lộ trình giá thị trường từ ngày 20/4/2013. Với giá xăng dầu, từ đầu năm đến nay, liên bộ Tài chính Công thương đã điều hành tăng hoặc giảm giá bán theo sát diễn biến thị trường xăng dầu thế giới, thậm chí ba tháng đầu năm, giữ ổn định giá bán lẻ để bình ổn thị trường giá cả dịp Tết Nguyên đán thông qua công cụ quỹ bình ổn giá xăng dầu...

Nhìn nhận diễn biến CPI sáu tháng qua, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng Thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, nếu xem xét tỷ trọng trong cơ cấu tính CPI thì chỉ có một nhóm hàng liên quan đến sự can thiệp giá trực tiếp của Nhà nước, đó là nhóm thuốc và dịch vụ y tế đóng góp 32% vào mức tăng CPI chung. Ðây là điểm đáng lưu ý để điều hành giá trong những tháng còn lại của năm. Cần chủ động thực hiện lộ trình điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường đối với những mặt hàng như điện, nước, dịch vụ công về y tế, giáo dục... nhưng phải phù hợp với yêu cầu và mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đi đôi với các chính sách, cơ chế trợ giúp hợp lý đối với các hộ tiêu dùng có điều kiện khó khăn, các đối tượng chính sách.

Cùng chung quan điểm này, PGS, TS Ngô Trí Long chia sẻ, không nên thấy CPI sáu tháng qua tăng thấp để cho rằng có nhiều dư địa tăng giá một số mặt hàng thiết yếu. Trong bối cảnh đời sống người dân, hoạt động của doanh nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn thì công tác điều hành giá phải hết sức thận trọng, nếu điều hành không phù hợp sẽ tác động lớn  đến sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế cũng như vấn đề an sinh xã hội.

Công tác điều hành giá các mặt hàng thiết yếu đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát tăng giá tiêu dùng. Tháng 9-2012, CPI của cả nước đã từng tăng cao đột biến do nhiều địa phương đồng loạt tăng giá dịch vụ khám, chữa bệnh và học phí. Ðây được coi là bài học kinh nghiệm "xương máu"  cho công tác điều hành giá.

Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã phải ra Chỉ thị số 25/CT-TTg yêu cầu các bộ Y tế, Giáo dục và Ðào tạo, UBND các địa phương chỉ đạo để giãn thời gian điều chỉnh giá một số hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước định giá, kiểm soát giá. Ðến thời điểm này, cả nước chỉ còn hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chưa điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh. Phó Vụ trưởng Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) Ðỗ Thị Ngọc cho biết, nếu hai thành phố này điều chỉnh tăng giá dịch vụ thì sẽ ảnh hưởng tới CPI chung khoảng 0,7%. TP Hồ Chí Minh cũng dự kiến tăng học phí công lập vào tháng 9 tới và tính toán của Tổng cục Thống kê cho thấy, việc tăng giá này cũng tác động tới CPI 0,7%.

Phó Cục trưởng Quản lý giá Nguyễn Thị Thúy Nga khẳng định, lộ trình thời gian, mức độ tăng học phí, giá dịch vụ khám, chữa bệnh phải bảo đảm hạn chế thấp nhất tác động đến tốc độ tăng CPI năm 2013. Bộ Tài chính cũng đã có công văn đề nghị Bộ Giáo dục và Ðào tạo chỉ đạo, hướng dẫn địa phương và các cơ sở giáo dục công lập về giá dịch vụ giáo dục (học phí) năm học 2013 - 2014 theo hướng giãn thời gian điều chỉnh và xây dựng tiến độ điều chỉnh hợp lý, trong đó có đánh giá tác động của việc điều chỉnh học phí đối với CPI của địa phương.

Trên cơ sở đó, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố xây dựng tiến độ điều chỉnh mức học phí một cách hợp lý. Mức học phí phải phù hợp với khả năng chi trả của người dân và điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư; các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải đăng ký với Bộ Giáo dục và Ðào tạo về lộ trình, mức điều chỉnh học phí, trong đó có đánh giá tác động của việc điều chỉnh học phí đối với CPI địa phương. Ðồng thời Bộ Giáo dục và Ðào tạo cũng có công văn gửi các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp công lập chỉ đạo về lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục năm học 2013 - 2014.

Ðối với một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, than bán cho sản xuất điện, theo Cục Quản lý giá, từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, đáp ứng mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012.

Giá một số loại dịch vụ công khác (thuộc lĩnh vực văn hóa, giáo dục, nhà ở xã hội...) sẽ tiếp tục điều hành theo hướng dần tính đúng, tính đủ chi phí trong giá, phù hợp với chất lượng dịch vụ, tạo điều kiện cho các đơn vị cung ứng dịch vụ công thực hiện hạch toán kinh tế, tự chủ trong kinh doanh. Ðối với loại dịch vụ công còn được chi từ nguồn ngân sách nhà nước, thực hiện theo cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ sản xuất, thực hiện theo giá do Nhà nước quy định, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả.