Thận trọng khi mua, bán ngoại tệ và vàng

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp TS. Đinh Xuân Thảo khuyến cáo người dân bình tĩnh, thận trọng khi quyết định các giao dịch mua, bán vàng, ngoại tệ để tránh những thiệt hại không đáng có. Ông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đủ sức giữ ổn định thị trường tiền tệ, vàng, ngoại hối trước những diễn biến phức tạp trên biển Đông.

Thận trọng khi mua, bán ngoại tệ và vàng - Ảnh 1

TS. Đinh Xuân Thảo
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về hoạt động của ngành ngân hàng thời gian qua?

TS. Đinh Xuân Thảo: Thật sự tôi rất ấn tượng với những kết quả mà ngành Ngân hàng đã đạt được. Đó là bảo đảm ổn định giá trị đồng tiền, kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, quản lý hiệu quả thị trường vàng, ngoại tệ, giảm mặt bằng lãi suất, có nhiều giải pháp để tín dụng với nông nghiệp và nông thôn phát triển, thực hiện có hiệu quả quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu.

Ngành Ngân hàng đã trải qua thời kỳ rất khó khăn trong bối cảnh trong nước và quốc tế để giải quyết nhiều vấn đề đã tồn tại trong thời gian dài. Nhưng tôi nghĩ khó khăn lớn nhất đó là thách thức của dư luận vì ổn định giá trị đồng tiền, vàng, lãi suất, tỷ giá không phải là câu chuyện đơn giản và không phải ai cũng quyết tâm để làm bằng được. Điều đó đòi hỏi ngành ngân hàng phải có trí, lực và trách nhiệm cao để thực hiện. Sự quyết tâm đó góp phần nâng cao niềm tin của công chúng với hệ thống tài chính, ngân hàng, vào các chính sách của Chính phủ.

Thị trường tiền tệ, vàng và ngoại tệ đã dao động nhẹ trước những diễn biến trên biển Đông. Ông có lời khuyên gì cho người dân trong lúc này?

Do tình hình biển Đông đang diễn biến phức tạp, một số người dân có biểu hiện muốn mua vàng tích trữ. Theo quan điểm của tôi, người dân cần bình tĩnh tránh bị thiệt hại do yếu tố tâm lý bởi NHNN sẽ có biện pháp xử lý hợp lý để ổn định thị trường vàng. Còn về vấn đề ngoại tệ, tôi cũng được biết NHNN đang giữ một lượng lớn ngoại tệ dự trữ nên sẽ đủ sức để giữ ổn định thị truờng ngoại hối. Như trên tôi đã đề cập, gần 3 năm qua ngành ngân hàng đã giải quyết được những câu chuyện khó của chính sách tiền tệ trong bối cảnh hết sức khó khăn do vậy tôi có cơ sở tin và khuyên người dân đặt niềm vào NHNN để bảo vệ quyền lợi của mình.

Theo Ông, ngành ngân hàng đang phải đối mặt với những thách thức nào?

Trong thời gian qua, thực hiện chủ trương về tái cấu trúc nền kinh tế trong đó có hệ thống ngân hàng thì lĩnh vực ngân hàng có tốc độ thực hiện tái cấu trúc chủ động và tích cực nhất. Tuy nhiên, việc sáp nhập cũng còn gặp một số khó khăn do nguyên nhân chủ quan và khách quan trong đó có cả vấn đề cơ chế. Bên cạnh đó việc xử lý nợ xấu cũng là quyết tâm cao của ngành ngân hàng nhưng để giải quyết được vấn đề này cần sự phối hợp của nhiều cơ quan bộ, ngành và thậm chí phụ thuộc cả vào tổng thể sự phát triển của nền kinh tế, chứ một mình ngành ngân hàng sẽ không thể xử lý dứt điểm đuợc và cũng cần có thời gian và lộ trình để giải quyết.

Dưới góc nhìn của một nhà lập pháp, theo Ông, ngành ngân hàng cần tập trung hoàn thiện những chính sách nào trong thời gian tới?

NHNN đã có chính sách đúng, có kết quả trong việc ổn định tiền tệ, thị trường tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô. Những dấu ấn mà ngành ngân hàng đã đạt được thể hiện rõ chính sách đối với vàng, lãi suất, tỷ giá, tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng… và có những phản ứng chính sách kịp thời phù hợp với thị trường và nền kinh tế.

NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thúc đẩy cho vay tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, liên kết 4 nhà, chương trình sản xuất quy mô lớn, tham gia tích cực vào chính sách xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, hỗ trợ tín dụng đối với ngư dân bám biển. Đây là chủ trương rất tốt và tôi cũng mong ngành ngân hàng tiếp tục triển khai các chính sách này để góp phần ổn định kinh tế, chính trị.

Liên quan đến việc ban hành chính sách, tôi cũng mong muốn NHNN đóng góp tích cực để xây dựng cơ chế xử lý vấn đề sở hữu chéo. Thực tế, cơ chế quản lý sở hữu chéo trong một thời gian dài đã có những quy định lỏng lẻo, không phù hợp nên một số cá nhân đã lợi dụng gây ảnh hưởng đến ngành ngân hàng. Để giải quyết việc này, việc ban hành chính sách phù hợp chặt chẽ để quản lý là rất quan trọng.