Trong bối cảnh hiện nay, thật khó để khẳng định kênh đầu tư nào sẽ đảm bảo lợi nhuận tốt cho nhà đầu tư, nhưng với sự sôi động của thị trường vàng thì rõ ràng kênh đầu tư này hiện đang thu hút nhà đầu tư hơn cả. Minh chứng dễ thấy nhất là trong những ngày đầu tháng 9/2012, dù Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) liên tiếp tung vàng ra bán nhưng nhu cầu của người dân vẫn rất lớn. Riêng lượng tiêu thụ của SJC là khoảng 5.000-6.000 lượng vàng/ngày. Việc chuyển sang đầu tư vàng của người dân là dễ hiểu, bởi vàng vẫn là kênh đầu tư ưa thích, lại có tính thanh khoản cao.

Việc người dân có xu hướng đầu tư vào vàng một phần vì giá vàng thế giới liên tục tăng, song một phần do những tin đồn thất thiệt và tâm lý đầu tư theo bầy đàn ở thị trường trong nước. Trong khi đó, xu hướng tăng giá của vàng thế giới không rõ ràng, vì vậy, rủi ro là rất lớn. Tại thời điểm này có 2 yếu tố hỗ trợ giá vàng thế giới tăng trong ngắn hạn là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tung ra gói kích thích kinh tế mới (tại phiên họp diễn ra trong tháng 9) và việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nối lại chương trình mua trái phiếu của các nước đang gặp khó khăn trong khu vực sử dụng đồng euro.

“Sự tăng giá hiện nay là không bền vững, nhất là khi giá vàng trong nước bị đẩy lên khá cao. Nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư ngắn hạn, lướt sóng không tìm được “điểm chốt” giá vàng cho mình thì sẽ hứng chịu nhiều rủi ro…” – Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI nhận định. Còn theo TS. Lê Thẩm Dương - chuyên gia kinh tế, việc người dân đổ xô mua vàng thời gian này chỉ thuần yếu tố tâm lý chứ không có nhiều ý nghĩa kinh tế. “Gửi tiền vào ngân hàng hiện vẫn có lợi nhất. Còn vàng tuy vẫn là hầm trú ẩn an toàn với ý nghĩa giữ tài sản, nhưng nếu xét với ý nghĩa đầu tư thì là lựa chọn không khôn ngoan. Bởi giá vàng trong nước lệ thuộc vào sự biến động của thị trường vàng thế giới - vốn phụ thuộc vào giới đầu cơ”, ông Dương nói.

So với mức giá vàng thời điểm xuống thấp nhất từ đầu năm đến nay (ngày 16/5/2012) ở mốc 41 triệu đồng/lượng (giá thế giới 1.556 USD/oz) thì giá vàng trong nước đã tăng thêm hơn 6 triệu đồng/lượng khi đạt mức đỉnh điểm vào ngày 14/9/2012 với 47,0 - 47,4 triệu đồng/lượng - (SJC mua vào, bán ra) (giá thế giới khoảng trên 1.760 USD/oz). Như vậy, giá thế giới trong gần 4 tháng qua tăng hơn 9% thì giá vàng trong nước tăng khoảng 13%. Như vậy, sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới trong đầu tháng 9/2012 là quá cao (3 triệu đồng/lượng). Đặc biệt, giá vàng biến động càng mạnh thì sự chênh lệch này lại tiếp tục bị đẩy lên. Điều này được lý giải là do nguồn cung trong nước hạn chế, trong khi nhu cầu tăng cao bất thường khiến giá vàng đội lên.

Theo TS. Cao Sĩ Kiêm, mức chênh lệch 3 triệu đồng giữa giá vàng trong nước và thế giới là bất thường và rất khó hiểu. Bởi từ trước đến nay, mức chênh phổ biến 1,8 - 2 triệu đồng/ lượng. Và càng bất thường hơn khi gấp tới 7 lần mức hợp lý 400 ngàn đồng/lượng giữa trong nước và thế giới đã từng được lãnh đạo NHNN đưa ra. Mức chênh lệch nếu tiếp tục kéo dài sẽ là một rủi ro với thị trường vàng. Người dân khi thấy giá vàng tăng cao sẽ đổ xô chạy theo đầu tư và không tránh khỏi thiệt thòi nếu vàng xoay chiều đảo giá. Nguy hại hơn, giá vàng nếu tiếp tục diễn biến như những ngày gần đây sẽ tạo cơ hội cho một số DN bắt tay nhau đẩy giá vàng lên cao. Lúc đó sẽ xảy ra tình trạng đục nước béo cò, thu lợi từ phần chênh lệch.

Thực tế độ chênh lệch này đã vượt quá xa so với lời hứa “sẽ đưa về mức chênh lệch 400.000 đồng/lượng” và “sẽ đưa thị trường vàng trong nước liên thông với thị trường vàng thế giới” của Thống đốc NHNN tuyên bố trước đây. Đồng thời, chứng minh, thị trường vàng trong nước chưa liên thông với thị trường vàng thế giới và vòng xoáy cung hạn chế - cầu gia tăng là lý do hiện hữu, là cái cớ để đẩy giá vàng trong nước lên. Tâm lý bầy đàn trên thị trường vàng Việt Nam sẽ càng được thúc đẩy, nghi ngờ về sự bất lực của chính sách sẽ gia tăng.

Sự nóng lên của thị trường vàng trong nước hiện nay ngoài sự tham gia của cá nhân còn có sự “góp sức” rất lớn của tổ chức, ngân hàng. Với các quy định của NHNN về việc chấm dứt cho vay bằng vàng hiện nay và đặc biệt sẽ chấm dứt huy động vàng dưới hình thức chứng chỉ từ ngày 25/11/2012. Tuy nhiên, điều này đã được NHNN mở lối khi quy định trong Thông tư 24/2012/TT-NHNN ngày 23/8/2012 cho phép một số tổ chức tín dụng được vay và cho vay vốn bằng vàng với nhau. Quy định này được xem là mở ra một “cửa sống” cho những tổ chức tín dung đang gặp phải rủi ro kỳ hạn hiện hữu trong huy động và cho vay vàng. Việc ban hành Thông tư mới này cho thấy một lần nữa NHNN phải nới lỏng quy định về quản lý rủi ro trong hệ thống ngân hàng.

Dù là nguyên nhân nào thì mức chênh giá như trên là rất khó hiểu và những loại trừ yếu tố đầu cơ, thao túng của một số DN và tổ chức kinh doanh vàng trong việc đẩy chênh lệch giá lên quá cao. Kết luận sẽ thuộc về cơ quan quản lý nhà nước song mối lo ngại và rủi ro vẫn dồn về phía nhà đầu tư. Tuy nhiên, để giảm thiểu rủi ro cho thị trường, cho nhà đầu tư, trước hết, cần kiểm tra hoạt động xuất nhập khẩu vàng để đảm bảo nguồn vàng trong nước luôn đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân. Nếu thị trường thiếu thì phải cho nhập vàng về.

Tiếp đó, cần có biện pháp trấn an dư luận ngăn chặn tình trạng a dua chạy theo những lời đồn thổi về giá vàng. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần kiểm soát hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này. Ngoài ra, NHNN cần phải có những công bố kịp thời để người dân có căn cứ xác thực để lựa chọn đầu tư, mua bán vàng.
Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư 9/2012

Thận trọng với giá vàng

ThS. NGUYỄN THỊ THÚY QUỲNH

(Tài chính) Sự biến động theo chiều hướng tăng của giá vàng đang tạo ra những hấp lực riêng đối với nhà đầu tư, khi các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán vẫn lình xình. Tuy nhiên, theo quy luật, lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn, nhà đầu tư phải cẩn trọng với những quyết định của mình…

Xem thêm

Video nổi bật