Chốt lời áp đảo, dòng tiền xoay trục sang cổ phiếu midcap

Tuấn Thủy

Áp lực chốt lời khiến VN-Index giằng co, song dòng tiền vẫn hiện diện mạnh tại nhóm midcap, giúp thị trường giữ được sắc xanh nhẹ cuối phiên 01/7.

Mở đầu tháng 7, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận sự hưng phấn lan tỏa trong phiên sáng, với lực mua chủ động kéo VN-Index bật lên hơn 10 điểm, vượt ngưỡng 1.376 điểm vào khoảng 10h.

Các nhóm cổ phiếu Ngân hàng, Chứng khoán và Xuất khẩu trở thành “đầu tàu” dẫn dắt, giúp thị trường giữ nhịp tăng tương đối ổn định trong phần lớn phiên sáng.

Tuy nhiên, đà tăng không duy trì được lâu khi áp lực chốt lời nhanh chóng xuất hiện ở vùng giá cao, đặc biệt tại các cổ phiếu đã tăng nóng từ cuối tháng 6. Chỉ số VN-Index từ đỉnh trong ngày quay đầu điều chỉnh, thậm chí có thời điểm mất sắc xanh.

Mốc 1.376 điểm nhanh chóng trở thành vùng kháng cự ngắn hạn và khá khó vượt qua trong bối cảnh dòng tiền có dấu hiệu phân tán.

Dòng tiền nhập cuộc cuối phiên, VN-Index ngược sóng tăng nhẹ.
Dòng tiền nhập cuộc cuối phiên, VN-Index ngược sóng tăng nhẹ.

Điểm sáng đáng chú ý là sự trở lại mạnh mẽ của dòng tiền trong 30 phút cuối phiên chiều, đặc biệt sau 14h30. Nhờ lực đỡ âm thầm nhưng hiệu quả tại một số cổ phiếu lớn, chỉ số hồi phục và đóng cửa ở mức 1.377,84 điểm, tăng 1,77 điểm (+0,13%) so với phiên trước. Mặc dù mức tăng là khiêm tốn, nhưng diễn biến đảo chiều vào cuối phiên cho thấy thị trường vẫn giữ được “nhiệt” sau giai đoạn tăng kéo dài.

Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 21.017 tỷ đồng, tương đương hơn 815 triệu cổ phiếu được khớp lệnh. Con số cho thấy dòng tiền vẫn đang luân chuyển tích cực, dù có dấu hiệu chọn lọc hơn.

Trong khi VN-Index giữ được sắc xanh, chỉ số VN30-Index lại giằng co mạnh và kết phiên giảm nhẹ 1,4 điểm (-0,09%). Rổ VN30 chia đôi với 13 mã tăng, 13 mã giảm và 4 mã đi ngang, phản ánh sự phân hóa sâu sắc trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Một số mã tăng như FPT (+0,51%), VCB (+2,11%), TCB (+0,58%), MBB (+0,78%), GVR (+2,81%)…; trong khi VHM (-0,51%), MSN (-2,08%), MWG (-1,52%) và SAB (-0,96%) là lực cản chính khiến chỉ số VN30 không giữ được trạng thái tích cực.

Ở nhóm cổ phiếu có thanh khoản cao, SHB tiếp tục dẫn đầu với hơn 47 triệu đơn vị được giao dịch, dù giảm nhẹ 0,39%. VIX (+0,39%), VCG, HDB (+1,38%) và MBB đều ghi nhận thanh khoản trên 22 triệu cổ phiếu, minh chứng cho sự sôi động vẫn còn hiện diện ở nhóm Tài chính.

Trong đó, VCG là điểm sáng khi tăng tới 4,54%, cùng với khối lượng khớp lệnh hơn 25 triệu đơn vị, cho thấy lực cầu đột biến không chỉ tập trung ở các mã đầu cơ mà bắt đầu lan sang những cổ phiếu cơ bản.

Danh sách cổ phiếu tăng mạnh ghi nhận nhiều cái tên vượt trần hoặc sát trần như DTA, TLH, LDG, ANV. Sự hiện diện của TLG, một doanh nghiệp tiêu dùng cơ bản, với mức tăng 6,84% cũng phản ánh khẩu vị đầu tư đang dịch chuyển nhẹ về nhóm có yếu tố cơ bản, hưởng lợi từ sức cầu nội địa.

Về giao dịch của khối ngoại, khối này bất ngờ quay lại bán ròng hơn 331 tỷ đồng sau chuỗi phiên mua ròng mạnh trước đó. Áp lực bán tập trung vào các mã lớn như VIC (-353 tỷ đồng), HDB (-200 tỷ đồng), HPG (-94 tỷ đồng) và GEX (-52 tỷ đồng), trong đó VIC bị bán ròng mạnh nhất, kéo theo diễn biến tiêu cực trong nhóm bất động sản vốn hóa lớn.

Tuy nhiên, cũng có điểm tích cực khi nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng tại các mã như HVN (+70 tỷ đồng), MSN (+61 tỷ đồng) và FPT (+51,9 tỷ đồng). Đây đều là những cổ phiếu đại diện cho kỳ vọng phục hồi kinh tế – tiêu dùng và công nghệ, phần nào cho thấy chiến lược đầu tư theo xu hướng trung dài hạn vẫn được duy trì trong bối cảnh thị trường giằng co ngắn hạn.

Phiên giao dịch ngày 01/7 mang đến một bức tranh không hoàn toàn rõ ràng nhưng đáng để lưu tâm. Dòng tiền không rút lui mà chỉ chuyển trạng thái sang chọn lọc, tập trung vào các cổ phiếu có câu chuyện riêng hoặc nền tảng tốt.

Trong khi đó, tâm lý nhà đầu tư vẫn ở trạng thái dò dẫm, thể hiện qua sự phân hóa của rổ VN30 và hành động chốt lời diễn ra nhanh chóng khi chỉ số tiệm cận vùng kháng cự.