Thặng dư thương mại năm 2021 dự báo xuống dưới 1 tỷ USD
Thặng dư thương mại của Việt Nam sẽ giảm mạnh xuống còn 0,3 tỷ USD trong năm 2021, từ mức thặng dư 18,9 tỷ USD trong năm 2020. Công ty Chứng khoán VNDIRECT dự báo khi cập nhật diễn biến kinh tế trước tác động của biến thể Delta. VNDIRECT cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP về mức 3,9% cho cả năm 2021, so với dự báo trước đó là 5-5,5%.
Dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 xuống 3,9%
Làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ 4 có tác động tiêu cực đến mọi khía cạnh của nền kinh tế Việt Nam. Bức tranh vĩ mô thậm chí còn xấu đi nhanh chóng trong tháng 8 do nhiều địa phương trên cả nước phải siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh. Mặc dù đã áp dụng các biện pháp chống dịch mạnh mẽ hơn trước, nhưng đợt lây nhiễm COVID-19 lần thứ tư khó có thể được kiểm soát hoàn toàn trong vòng 1-2 tháng tới như VNDIRECT đã kỳ vọng trước đó.
Để giảm thiểu tác động đến nền kinh tế, Chính phủ đã lên kế hoạch mở cửa dần các hoạt động kinh doanh không thiết yếu kể từ giữa tháng 9. Tuy nhiên, VNDIRECT không kỳ vọng quá trình mở cửa trở lại của nền kinh tế sẽ diễn ra nhanh chóng do số ca mắc mới hàng ngày vẫn duy trì ở mức cao, tỷ lệ tiêm chủng thấp và tác động tiêu cực của gián đoạn chuỗi cung ứng. Công ty này cho rằng, quá trình phục hồi chậm có thể kéo dài sang quý 4 năm nay cho đến khi số ca mắc mới hàng ngày giảm đáng kể so với mức hiện tại và tỷ lệ tiêm chủng tăng cao hơn. Do đó, VNDIRECT điều chỉnh dự báo về triển vọng kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2021.
Trong kịch bản cơ sở, VNDIRECT hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam xuống 3,9% so với dự báo trước đó là 5,0-5,5%. Dự báo này dựa trên 5 giả định chính. Thứ nhất, số ca nhiễm mới hàng ngày sẽ giảm dần kể từ giữa tháng 9/2021. Thứ hai, Việt Nam có thể đẩy nhanh triển khai vắc xin cho đến cuối năm 2021. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành việc tiêm mũi 1 cho toàn bộ người trên 18 tuổi trong tháng 9 và khoảng 60% dân số Việt Nam sẽ được tiêm ít nhất một liều vắc xin COVID-19 vào cuối năm 2021. Thứ ba, Hà Nội có thể nới lỏng giãn cách xã hội kể từ cuối tháng 9/2021 và TP. Hồ Chí Minh bắt đầu mở cửa trở lại một số hoạt động kinh tế kể từ đầu tháng 10. TP. Hồ Chí Minh đã đặt mục tiêu mở cửa toàn bộ nền kinh tế kể từ giữa tháng 1/2022. Thứ tư, các chuyến bay nội địa có thể được cấp phép trở lại kể từ cuối tháng 9/2021. Thứ năm, Việt Nam có thể thí điểm mở cửa trở lại một số khu du lịch như đảo Phú Quốc cho khách du lịch quốc tế kể từ tháng 10/2021.
Trong kịch bản cơ sở, VNDIRECT dự báo ngành dịch vụ giảm nhẹ 0,02% so với cùng kỳ trong 6 tháng cuối năm 2021, thấp hơn mức tăng trưởng 2,4-3,2% trong dự báo trước đó và mức tăng 4,0% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2021. Một số phân ngành dịch vụ, bao gồm; các hoạt động dịch vụ lưu trú và ăn uống; vận tải và kho bãi; nghệ thuật và giải trí; các hoạt động dịch vụ hỗ trợ hành chính, có thể ghi nhận mức tăng trưởng âm trong nửa cuối năm nay.
VNDIRECT hạ dự báo tăng trưởng của ngành công nghiệp và xây dựng xuống 5,1% so với cùng kỳ trong 6 tháng cuối năm 2021, từ mức tăng trưởng 7,3-8,3% so với cùng kỳ trong dự báo trước đó và mức tăng 8,4% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2021, do các tác động tiêu cực của đứt gãy chuỗi cung ứng và giãn cách xã hội. Đối với ngành nông, lâm, ngư nghiệp, VNDIRECT hạ dự báo tăng trưởng xuống mức 3,6% trong 6 tháng cuối năm 2021, từ dự báo trước đó là tăng 3,7-4,0% so với cùng kỳ và mức tăng 3,8% trong 6 tháng đầu năm 2021, do nhu cầu tiêu dùng trong nước suy giảm trong nửa cuối năm nay trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài.
Về dự báo theo quý, VNDIRECT dự phóng GDP quý III/2021 của Việt Nam suy giảm 1,2% so với cùng kỳ trước khi phục hồi trở lại và tăng trưởng 5,7% so với cùng kỳ trong quý IV/2021.
Thặng dư thương mại năm 2021 dự báo xuống dưới 1 tỷ USD
Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), giá trị xuất khẩu tháng 8/2021 giảm 6,0% so với tháng trước (giảm 5,4% so với cùng kỳ), đánh dấu lần đầu tiên kể từ tháng 5/2020, xuất khẩu ghi nhận sự sụt giảm so với cùng kỳ (đã loại bỏ yếu tố mùa vụ). Hoạt động xuất khẩu suy giảm trong tháng vừa qua do các cảng biển tại miền Nam phải giảm công suất hoạt động để thực hiện các quy định về giãn cách xã hội và hoạt động vận tải phải thắt chặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Trong 8 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu đạt 212,6 tỷ USD (tăng 21,2% so với cùng kỳ).
Trong số các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, các mặt hàng ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong tháng 8/2021 bao gồm xăng dầu (tăng 172,9% so với cùng kỳ), thép (tăng 107,0% so với cùng kỳ), hạt tiêu (tăng 72,6% so với cùng kỳ), sắn và sản phẩm (tăng 54,4% so với cùng kỳ) và hóa chất (tăng 47,5% so với cùng kỳ). Mặt khác, một số mặt hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh như dầu thô (giảm 75,5% so với cùng kỳ), giày dép (giảm 38,5% so với cùng kỳ), túi xách (giảm 37,9% so với cùng kỳ), nội thất từ chất liệu khác gỗ (giảm 37,2% so với cùng kỳ) và gạo (giảm 30,4% so với cùng kỳ).
Trên cơ sở đánh giá tình hình kém khả quan của lĩnh vực sản xuất trong giai đoạn tháng 6 - tháng 8, VNDIRECT hạ dự báo tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2021 xuống còn 15%, từ mức dự báo trước đó là 16,6%.
Kim ngạch nhập khẩu tháng 8/2021 của Việt Nam tăng 21,2% so với cùng kỳ lên 27,5 tỷ USD, thấp hơn mức tăng 31,8% so với cùng kỳ của tháng 7/2021. Trong 8 tháng đầu năm 2021, giá trị nhập khẩu tăng lên 216,3 tỷ USD (tăng 33,8% so với cùng kỳ) và Việt Nam nhập khẩu ròng 3,7 tỷ USD trong kỳ (so với thặng dư thương mại 13,7 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2020), theo TCTK. Các mặt hàng nhập khẩu tăng mạnh trong tháng 8/2021 bao gồm cao su (tăng 137,6% so với cùng kỳ), phân bón (tăng 90,7% so với cùng kỳ), bông (tăng 64,4% so với cùng kỳ), sản phẩm hóa chất (tăng 62,2% so với cùng kỳ) và thép (tăng 51,8% so với cùng kỳ).
Do tác động tiêu cực của làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ tư tới lĩnh vực sản xuất và hoạt động xuất khẩu, VNDIRECT dự báo thặng dư thương mại của Việt Nam sẽ giảm mạnh xuống còn 0,3 tỷ USD trong năm 2021, từ mức thặng dư 18,9 tỷ USD trong năm 2020.
Lãi suất huy động tiếp đà giảm, lãi suất cho vay có thể giảm thêm
Nhu cầu tín dụng giảm do doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực từ đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ tư đã đẩy lãi suất liên ngân hàng và lãi suất huy động giảm trong tháng 8. Theo dữ liệu từ Bloomberg, lãi suất qua đêm giảm 23 điểm cơ bản so với cuối tháng 7 xuống còn 0,51%/năm tại ngày 27/08. Ngoài ra, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1 tuần đến 2 tháng giảm từ 13 đến 25 điểm cơ bản trong tháng vừa qua. Trong khi đó, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng và 12 tháng nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân giảm lần lượt 11 và 12 điểm cơ bản trong tháng 8, trong khi lãi suất huy động của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh duy trì ổn định trong tháng qua.
Lãi suất huy động duy trì ở mức thấp từ nay đến cuối năm, nên lãi suất cho vay có thể giảm thêm. Theo NHNN, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam tính đến cuối tháng 8 năm 2021 tăng 7,4% so với cuối năm 2020 (so với mức tăng trưởng tín dụng 6,4% trong 6 tháng đầu năm 2021).
VNDIRECT kỳ vọng NHNN sẽ cởi mở hơn trong việc nâng trần tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Ngoài ra, kỳ vọng lãi suất tín dụng sẽ giảm hơn nữa để hỗ trợ tăng trưởng, đặc biệt là đối với các ngành và khách hàng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Trong tháng 7, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Sau đó, các ngân hàng thương mại cam kết cắt giảm hơn 20 nghìn tỷ đồng từ lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay từ 0,5-2,0% đối với dư nợ của các khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Với lãi suất huy động, VNDIRECT giữ nguyên quan điểm lãi suất huy động có thể tăng 10-15 điểm cơ bản so với mức hiện tại vào cuối năm 2021, nhưng vẫn ở mức thấp nếu so với thời điểm trước đại dịch.