Thành công, nhưng nhiều thách thức

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Sau 5 năm thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội tổ chức điều tra dư luận xã hội có 92% người tiêu dùng được hỏi rất quan tâm và quan tâm đến cuộc vận động. Thành công là vậy, nhưng hàng Việt vẫn đứng trước nhiều thách thức.

Thành công, nhưng nhiều thách thức
Một tín hiệu đáng mừng là trong hệ thống siêu thị lớn, hàng hóa sản xuất trong nước chiếm tới 90 - 95%. Nguồn: internet
Sau 5 năm thực hiện cuộc vận động, hệ thống phân phối hàng Việt  từng bước tạo lập ở các địa phương, hình thành các kênh phân phối hàng hóa, dịch vụ đến với người tiêu dùng ở thị trường nội địa, làm thay đổi diện mạo hệ thống phân phối hàng Việt trong nền kinh tế và tác động đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng, xây dựng nền văn minh thương mại hiện đại.

Năm 2013, cả nước có 42/63 tỉnh, thành phố thực hiện chương trình bình ổn thị trường, với hơn 10.400 điểm bán hàng, thu hút 300 doanh nghiệp tham gia. Một tín hiệu đáng mừng là trong hệ thống siêu thị lớn, hàng hóa sản xuất trong nước chiếm tới 90 - 95%.

Nhưng có thể thấy, khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường bán lẻ nước ta, thì doanh nghiệp Việt không thể bằng lòng với những kết quả kể trên. Doanh nghiệp trong nước cần phải có chiến lược dài hơi hơn trong cạnh tranh, nếu không hàng Việt khó cạnh tranh với hàng ngoại ở thị trường nội địa. Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái Phạm Đình Đoàn chỉ ra một thực tế, doanh nghiệp Việt mới chú trọng sản xuất ra sản phẩm có chất lượng tốt, nhưng chưa quan tâm thích đáng đến các khâu tiếp thị, bán hàng.

Vì thế, sản phẩm của doanh nghiệp chưa xuất hiện rộng rãi ở hệ thống bán lẻ hiện đại và cả ở chợ truyền thống. Nói cách khác sự xâm nhập của các nhà bán lẻ hiện đại nước ngoài không phải là nguyên nhân khiến doanh nghiệp trong nước mất dần thị phần. Thị phần có bị mất hay không phụ thuộc vào khả năng cạnh tranh về chất lượng, giá bán của sản phẩm Việt. 

Hiện nay, hàng Việt đã thâm nhập vào thị trường ở nông thôn với tần suất nhiều hơn. Sở Công thương các tỉnh, thành phố đã phối hợp tổ chức gần 2.000 đợt bán hàng về nông thôn với gần 53.000 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút hơn 3 triệu lượt người dân tham quan, mua sắm với tổng doanh thu đạt hơn 34.470 tỷ đồng.

Nhưng thực tế, một bộ phận doanh nghiệp chưa phát huy vai trò, trách nhiệm trong thực hiện Cuộc vận động, chưa sản xuất ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ bảo đảm chất lượng, giá cả thấp, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Không ít doanh nghiệp vẫn còn tư tưởng bao cấp, chạy theo cơ chế xin – cho, chưa chú trọng đầu tư, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; chưa thực hiện đầy đủ cam kết về sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng, làm ăn chụp giật. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực cũng như giữa các lĩnh vực sản xuất và nhà phân phối chưa chặt chẽ, thống nhất… Điều này khiến hàng Việt sẽ phải cạnh tranh khốc liệt hơn trong thời gian tới, nhất là khi nước ta phải thực hiện các cam kết trong các Hiệp định thương mại song phương và đa phương với nhiều nước trên thế giới.

Hội nhập đòi hỏi hàng Việt phải cạnh tranh bình đẳng trên sân nhà, cũng như thị trường các nước trên thế giới theo đúng cam kết quốc tế. Điều đó đòi hỏi, tự thân doanh nghiệp phải nỗ lực, không thể trông chờ vào việc bảo hộ của Nhà nước. Theo thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam, hàng Việt phải khẳng định vị thế của mình, vì thế cần đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động hơn nữa để tiếp sức cho doanh nghiệp Việt có thể đưa ra những sản phẩm có sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu, và phát triển hệ thống hậu mãi.

Mục tiêu của Cuộc vận động đến năm 2020 có 100% người tiêu dùng và doanh nghiệp biết đến Cuộc vận động; 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bộ, ngành và tổ chức chính trị - xã hội xây dựng được kênh truyền thông Tự hào hàng Việt; hàng Việt có thế mạnh chiếm 80% thị phần tại các kênh phân phối truyền thống ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa…

Để thực hiện mục tiêu này cần sự đầu tư bài bản của cộng đồng doanh nghiệp từ sản xuất đến phân phối, cộng với ý thức của người tiêu dùng cùng hướng về thương hiệu Việt ngay tại thời điểm chuyển giao 5 năm lần thứ hai này.