Thanh khoản ngân hàng bước vào giai đoạn cao điểm
Nhu cầu huy động vốn cuối năm nay đang tăng cao, một phần mang tính chu kỳ hàng năm, một phần là để đảm bảo nguồn cho tăng trưởng tín dụng cán đích cả năm trong bối cảnh tăng trưởng huy động 11 tháng qua ở mức khá thấp.
Trong một diễn biến mới đây, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã chính thức tăng lãi suất huy động, nối tiếp động thái tăng lãi suất của VietinBank, BIDV và Sacombank trước đó.
Cụ thể, với các khoản tiền dưới 100 triệu đồng, VPBank áp dụng lãi suất 5,3% cho các kỳ hạn từ 1 tháng đến 5 tháng; với các khoản huy động trên 100 triệu, lãi suất là 5,5%/năm. Mặt bằng lãi suất này cao hơn đáng kể so với mức 5%/năm áp dụng trước ngày 8/12.
Trong khi đó, ở kỳ hạn 6 tháng, VPBank điều chỉnh tăng lãi suất từ 6,4%/năm lên 7%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, mức lãi suất huy động của ngân hàng này là từ 7%/năm đến 7,5%/năm. Một số chứng chỉ tiền gửi còn có lãi suất lên đến 8,7%/năm.
Cách đây khoảng 3 tuần, lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn ngắn tại BIDV, VietinBank đã được điều chỉnh tăng 0,5 điểm%; trong khi Sacombank tăng từ 0,1-0,4 điểm%.
Hồi cuối năm 2016, lãi suất huy động bình quân của hệ thống ngân hàng cũng tăng nhẹ.
Việc tăng lãi suất huy động vào cuối năm là động thái mang tính chu kỳ và phần nhiều mang tính cục bộ nhằm đảm bảo duy trì vốn thời điểm cuối năm vốn là lúc nhiều khách hàng tất toán/rút tiền gửi.
Thêm vào đó, theo số liệu của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tính đến cuối tháng 11/2017, tổng tín dụng ước tăng 15,3% so với hồi đầu năm, cách đích tăng trưởng cả năm khoảng trên 2 điểm%; cho vay tiêu dùng tiếp đà tăng trưởng cao, đạt tới 59% trong 11 tháng đầu năm. Điều này gợi lên 2 nguyên nhân khác dẫn đến việc các ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động cuối năm nay.
Một là, tăng trưởng tín dụng khoảng trên 2 điểm% trong tháng 12 mặc dù khả thi nhưng không phải là con số nhỏ. Các ngân hàng cần tăng đáng kể vốn huy động cuối năm để đảm bảo nguồn cho vay. 11 tháng đầu năm, tăng trưởng huy động vốn mới chỉ đạt 13,5%, thấp hơn khá nhiều mức tăng tín dụng.
Hai là, về cuối năm, nhu cầu cho vay tiêu dùng dịp cuối năm càng tăng cao kéo theo nhu cầu huy động vốn tăng cao, đặc biệt là đối với các ngân hàng có thế mạnh ở mảng bán lẻ như VPBank, Sacombank hay các ngân hàng đang tập trung mạnh vào mảng này như VietinBank, BIDV.
Tín hiệu thanh khoản ngân hàng đang bước vào cao điểm là khá rõ nét khi theo báo cáo mới đây của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng tới 40.500 tỷ đồng vào thị trường; lãi suất liên ngân hàng cũng có xu hướng tăng mạnh với mức bật tăng tuần qua khá cao 0,24-0,52 điểm% đối với các loại kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần.