Thành lập đặc khu kinh tế là bước đi khôn ngoan
(Tài chính) Trao đổi với phóng viên, ông Andrew Grant, Giám đốc McKinsey & Company Singapore cho rằng, thành lập các đặc khu kinh tế là bước đi khôn ngoan của Việt Nam trong thời điểm hiện tại.
Ông Andrew Grant
Ông Andrew Grant: Cho đến thời điểm này, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều đặc khu kinh tế thành công trên thế giới. Từ kinh nghiệm của các nước về đặc khu kinh tế, có thể thấy, đây là một mô hình rất hiệu quả. Khi chúng ta nhìn quanh thế giới, các đặc khu kinh tế đã chứng tỏ vai trò rất to lớn trong phát triển kinh tế. Hiện tại, nền kinh tế Việt Nam vẫn đi đúng hướng, nhưng cần có một mô hình mới hiện đại hơn. Vì vậy, tôi cho rằng, thành lập các đặc khu kinh tế là bước đi khôn ngoan của Việt Nam vào thời điểm này.
Đến nay, đã có hàng ngàn đặc khu kinh tế được thành lập khắp thế giới, nhưng rất nhiều trong số đó đã thất bại hoặc đang đối mặt nguy cơ thất bại. Việt Nam chưa có kinh nghiệm phát triển đặc khu kinh tế, vậy làm thế nào để tránh thất bại?
Đã có nhiều đặc khu thành công, nhưng thực tế, để đạt được điều đó là không dễ. Vấn đề hiện tại, Việt Nam sẽ học được gì từ những quốc gia đi trước? Theo tôi, để phát triển thành công một đặc khu kinh tế, có những yếu tố quan trọng sau đây.
Thứ nhất là sự kết nối của đặc khu kinh tế với thế giới bên ngoài. Đây là điều cực kỳ quan trọng. Thâm Quyến của Trung Quốc là một ví dụ. Sự phát triển của Thâm Quyến gắn liền với năng lực cảng biển tại thành phố này. Cảng biển đã giúp Thâm Quyến kết nối với phần còn lại của thế giới và tất nhiên là đảm bảo được sự tăng trưởng bền vững tại đây.
Thứ hai là các chính sách cạnh tranh. Có 3 điều quan trọng liên quan đến chính sách cạnh tranh của một đặc khu kinh tế: môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận tiện cho doanh nghiệp; chính sách thu hút nhân tài; sự thân thiện của cơ quan Chính phủ tại đây.
Các nhà đầu tư cần biết, họ sẽ phải làm việc với ai trong đặc khu kinh tế. Cần phải có một người có thể thay mặt Chính phủ tại đây.
Thứ ba là việc quảng bá hình ảnh của mình ra bên ngoài. Trong khu vực Đông Nam Á, cách đây 2 - 3 năm, Việt Nam nằm trong sự lựa chọn yêu thích của các nhà đầu tư và tất cả mọi người đều quan tâm. Nhưng hiện tại, các nước khác, như Myanmar, Philippines, Indonesia đang có sức hút rất lớn. Khu vực này đang là một thị trường đông đúc.
Về cơ hội và tiềm năng của Việt Nam thì tôi không nghi ngờ gì, nhưng tôi tin rằng, câu chuyện này chưa được kể rộng rãi ra bên ngoài. Do vậy, Việt Nam cần quảng bá ra ngoài nhiều hơn nữa để các nhà đầu tư quốc tế biết tại sao họ nên đến Việt Nam.
Chính phủ đã lựa chọn phát triển đặc khu kinh tế tại Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc. Ông có cho rằng, đây là những địa điểm thuận lợi để thành lập các đặc khu kinh tế?
Tôi cho rằng, tất cả đều là những địa điểm dễ tiếp cận. Nhưng cũng nên nhìn lại lịch sử phát triển đặc khu ở các nước khác. Ấn Độ đã cố gắng thành lập hàng trăm đặc khu kinh tế, nhưng đến nay vẫn chưa thành công. Nếu nhìn sang Trung Quốc, nước này đã thành công với những đặc khu ban đầu. Việt Nam đang có kế hoạch thành lập 3 đặc khu kinh tế, hoặc có thể là 4 – 5 đặc khu, tôi nghĩ, Việt Nam có thể làm được. Đối với Vân Đồn, đây là một điểm có vị trí địa lý tốt, thắng cảnh thiên nhiên và được kết nối tốt. Nhưng thách thức với Quảng Ninh là phải trở thành một điểm cạnh tranh về chất lượng với những khu tại Singapore, Malaysia và Indonesia.
Các khu ở Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc đang được hướng vào lĩnh vực du lịch, liệu có khả năng các khu này cạnh tranh lẫn nhau, thay vì cạnh tranh với các khu ở bên ngoài?
Ở các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt ở châu Á, hiện có khoảng 1,5 tỷ người đang sẵn sàng chi tiêu cho du lịch. Khoảng 15 năm nữa, sẽ có thêm 2 tỷ người nữa, hầu hết đến từ châu Á, trong đó rất nhiều đến từ Trung Quốc và Ấn Độ. Vì vậy, với tiềm năng du lịch hiện tại của Việt Nam, tôi cho rằng, nhu cầu ở đây là rất lớn. Đó là chưa kể du lịch nội địa. Chính vậy, tôi nghĩ rằng, phát triển du lịch là bước đi đầu tiên đúng đắn để phát triển các khu này.