Các hành vi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm
Luật Quản lý, sử dụng TSNN năm 2008 xác định cụ thể 6 nhóm hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng TSNN, đồng thời yêu cầu “mọi hành vi vi phạm chế độ quản lý, sử dụng TSNN phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật”.
Từ khi có Luật Quản lý, sử dụng TSNN, công tác quản lý, sử dụng TSNN đã từng bước đi vào nề nếp. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, các bộ, ngành, các cấp có liên quan đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật, đặc biệt là hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng TSNN; sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước; phân cấp quản lý TSNN... Tuy nhiên, trong thực tiễn quản lý, sử dụng TSNN, nhiều tổ chức, cá nhân vẫn thực hiện các hành vi trái với quy định.
Theo quy định tại Điều 2 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002: “Chính phủ quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước”. Tuy nhiên, trước khi ban hành Nghị định 66/2012/NĐ-CP chưa có văn bản quy phạm pháp luật riêng do Chính phủ ban hành quy định cụ thể về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực quản lý, sử dụng TSNN. Để đảm bảo việc quản lý, sử dụng TSNN được nghiêm minh, đúng pháp luật, tiết kiệm, hiệu quả, việc Chính phủ quy định cụ thể việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng TSNN là cần thiết, có tác động tích cực ở các khía cạnh như:
- Đảm bảo thực hiện nghiêm Luật Quản lý, sử dụng TSNN và các văn bản hướng dẫn thi hành. Từ đó, góp phần vào việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;
- Phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm có thể xảy ra;
- Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, thu hồi tài sản, các khoản kinh phí, lợi ích bị thất thoát; đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý TSNN.
Theo quy định của Hiến pháp năm 1992, Luật Dân sự năm 2005, TSNN có phạm vi rất rộng, song một số TSNN có tính chất chuyên ngành (đất đai, tài nguyên, tài sản kết cấu hạ tầng...) đã có quy định xử phạt hành chính riêng. Vì vậy, TSNN được điều chỉnh tại Nghị định số 66/2012/NĐ-CP bao gồm 3 loại: (i) TSNN tại cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng TSNN; (ii) tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước; (iii) tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Về hình thức xử phạt vi phạm hành chính gồm: cảnh cáo và phạt tiền. Trong đó, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quản lý, sử dụng TSNN là 50.000.000 đồng.
Hình thức xử phạt bổ sung bao gồm: (i) tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; (ii) tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc không thời hạn.
Biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm: (i) buộc chấp hành đúng các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng TSNN; (ii) buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra. Trường hợp không khôi phục lại được tình trạng ban đầu của tài sản thì phải bồi thường bằng tiền hoặc tài sản có công năng sử dụng tương đương với tài sản ban đầu; (iii) bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra; (iv) thu hồi theo quy định của pháp luật hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi đối với những TSNN bị sử dụng sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức; tài sản mua, biếu, tặng, cho, trao đổi không đúng quy định; tài sản bị chiếm đoạt, cho mượn, cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định; (v) buộc phải nộp lại vào NSNN khoản tiền thu được từ việc sử dụng tài sản không đúng quy định của pháp luật; (vi) hủy hợp đồng hoặc điều chỉnh lại hợp đồng thuê tài sản; bồi thường số tiền bị phạt do phải huỷ hoặc điều chỉnh hợp đồng kinh tế (nếu có).
Đặc biệt, Nghị định quy định, tổ chức, cá nhân bị xử phạt không được sử dụng tiền NSNN hoặc tiền có nguồn gốc từ NSNN để nộp phạt và khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm của mình gây ra. Trường hợp xử phạt tổ chức thì sau khi chấp hành quyết định xử phạt, tổ chức bị xử phạt xác định cá nhân có lỗi gây ra vi phạm để xác định trách nhiệm pháp lý, bao gồm cả việc nộp lại khoản tiền phạt và khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm của mình gây ra tương ứng với mức độ vi phạm của người đó theo quy định của pháp luật và Quy chế quản lý, sử dụng TSNN của tổ chức.
Về các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng TSNN khu vực hành chính sự nghiệp, Nghị định quy định 12 nhóm hành vi sẽ bị xử phạt bao gồm: vi phạm quy định về mua sắm TSNN; vi phạm quy định về thuê tài sản; bố trí, sử dụng TSNN vượt tiêu chuẩn, định mức; bố trí, sử dụng TSNN không đúng mục đích; cho mượn TSNN không đúng quy định; biếu, tặng cho, trao đổi TSNN không đúng quy định; lấn chiếm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; chiếm đoạt trái phép TSNN; sử dụng TSNN vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định; vi phạm quy định về xử lý TSNN; vi phạm quy định về tổ chức xử lý TSNN; vi phạm quy định về việc đăng nhập và sử dụng số liệu về TSNN.
Đối với tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước cũng có các nhóm hành vi tương tự TSNN khu vực hành chính sự nghiệp. Ngoài ra, Nghị định cũng quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với tổ chức có hành vi không thỏa thuận với cơ quan có thẩm quyền trước khi ký kết Điều ước quốc tế cụ thể về ODA, về nội dung đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, trang bị xe ô tô khác với quy định của pháp luật Việt Nam.
Đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước, Nghị định quy định xử phạt đối với các nhóm hành vi vi phạm quy định về xác lập quyền sở hữu tài sản của Nhà nước, bảo quản, chuyển giao tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước; xử phạt tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước
Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng TSNN bao gồm: Chủ tịch UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, chánh thanh tra cấp sở, chánh thanh tra bộ.
Công việc trọng tâm cần triển khai
Thứ nhất, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan thông tin đại chúng cần tuyên truyền sâu rộng các nội dung của Nghị định đến từng cơ quan, đơn vị được giao quản lý, sử dụng TSNN và các đối tượng có liên quan trực tiếp tới việc quản lý, sử dụng, xử lý tài sản. Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là người đứng đầu trong công tác quản lý, sử dụng, bảo vệ tài sản, ngăn ngừa các hành vi vi phạm có thể xảy ra.
Thứ hai, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị cần rà soát lại toàn bộ công tác quản lý, sử dụng TSNN để chấn chỉnh các hành vi vi phạm đang diễn ra, xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý để đảm bảo việc quản lý, sử dụng TSNN đúng quy định.
Thứ ba, thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng TSNN khẩn trương ban hành Quy chế quản lý, sử dụng TSNN thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng TSNN. Việc ban hành Quy chế này không những góp phần phân định rõ quyền và nghĩa vụ của từng bộ phận, cá nhân đối với từng khâu, từng việc trong quy trình quản lý, sử dụng TSNN, mà còn là cơ sở để xác định mức độ vi phạm của từng cá nhân trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khi xảy ra sai phạm, từ đó xác định mức nộp phạt và khắc phục hậu quả của từng cá nhân.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 7 - 2013
Thắt chặt quản lý, sử dụng tài sản nhà nước
(Tài chính) Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 66/2012/NĐ-CP quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (TSNN). Khi triển khai thực hiện, Nghị định này sẽ là “công cụ” thắt chặt việc quản lý, sử dụng đúng mục đích, chống lãng phí tài sản nhà nước…
Xem thêm