Nơi ở và làm việc lâu nhất của Bộ Tài chính tại ATK


Tại mảnh đất Sơn Dương, Tuyên Quang lịch sử, sau giai đoạn “đóng đô” tại thôn Cầu Bì, xã Tú Thịnh, vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, Bộ Tài chính chuyển về thôn Cảy, xã Minh Thanh. Đây là nơi ở và làm việc lâu nhất của Bộ Tài chính tại ATK (từ giữa năm 1951 đến tháng 10/1954).

Di tích lịch sử cơ quan Bộ Tài chính tại thôn Cảy, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang nằm cách trung tâm Thành phố Tuyên Quang khoảng 45 km về phía Đông và cách Khu di tích lịch sử Tân Trào khoảng 12 km về phía Bắc.

Ngược dòng lịch sử, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, cơ quan Bộ Tài chính tiến hành chuyển đến địa điểm mới tại thôn Cảy, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Để đáp ứng nhu cầu về kinh tế, tài chính cho cuộc kháng chiến, thực hiện chủ trương của Bộ Tài chính, các cơ quan trực thuộc Bộ quản lý như: các nha, sở, vụ... tập trung về ở và làm việc gần Văn phòng Bộ để thuận lợi cho công việc chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ.

Trong thời gian làm việc ở đây, toàn bộ nhà ở, làm việc của Văn phòng Bộ, cùng các đơn vị trực thuộc Bộ được làm trên khu đất ở phía Nam của thôn Cảy. Các ngôi nhà được làm theo thế đất, cột bằng gỗ và tre, xung quanh thưng bằng phên nứa, mái lợp lá cọ...

Cơ quan có gần 20 ngôi nhà lớn nhỏ, gồm: nhà ở, nhà làm việc, nhà tiếp khách, nhà kho, nhà để máy phát điện, nhà đội bảo vệ, nhà bếp... và một hội trường ở một khu biệt lập.

Nhà hội trường rộng khoảng 6 m, dài 18 m, hai tầng mái lợp lá cọ, ở gian đầu phía đông làm một sạp cao khoảng 60 cm bằng cột gỗ làm sân khấu, trải phên nứa đan nong đôi, hai bên cánh gà mỗi bên có một cầu thang gỗ nhỏ ba bậc để tiện cho việc lên xuống, xung quanh hội trường được thưng bằng vách nứa đan nong đôi, có các cánh cửa sổ chống lên xuống, cửa ra vào ở hai bên đầu và cuối hội trường, ghế được ghép bằng các cây tre, vầu được sắp đặt theo từng hàng. 

Nhà ở và làm việc đều làm 3 đến 4 gian, giống nhau về kết cấu kiến trúc, mỗi vì kèo có 4 hàng chân cột, mỗi gian rộng 4 m, dài 6 m, cao 4 m, mái lợp lá cọ; xung quanh thưng vách nứa đan nong đôi; mỗi nhà có 2 - 3 cửa ra vào, mỗi gian có một cửa sổ ở phía sau.

Bên trong để thông và làm sạp ngủ trải bằng phên nứa cao 50 cm chạy dọc theo thân nhà, rộng 2,5 m, phần đất trống kê bàn ghế bằng các vật liệu tre, gỗ, nứa để làm việc... Xung quanh có đường hào phòng không, các nhà được làm dưới tán cây rừng kín đáo, từ xa nhìn vào không thể phát hiện được, đảm bảo an toàn, bí mật cho cơ quan hoạt động.

Văn phòng Bộ Tài chính và một số đơn vị trực thuộc đóng trên một khu đồi thuộc thôn Cảy. Bộ trưởng Lê Văn Hiến cùng Phòng Bí thư giúp việc ở Mỏ Giát, Tú Thịnh cách thôn Cảy khoảng 2km, Thứ trưởng ở cùng Văn phòng Bộ. Trong thời gian này, Bộ Tài chính thành lập thêm Sở Kho thóc, đồng chí Nguyễn Văn Cái được cử làm Giám đốc.

Trong thời gian ở thôn Cảy, Bộ Tài chính đã đề xuất với Chính phủ nhiều cơ chế, chính sách tài chính quan trọng, nhất là về thuế nông nghiệp. Trên cơ sở tham mưu của Bộ, ngày 1/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 14/SL về thuế nông nghiệp, quy định rõ: “Để đảm bảo cung cấp cho nhu cầu kháng chiến, phát triển sản xuất nông ngiệp, thống nhất và đơn giản chế độ đảm phụ cho dân, thực hiện đóng góp công bằng, kể từ vụ thuế năm1951...”. Ngày 18/7/1951, Chính phủ ban hành chính sách thuế thống nhất trong cả nước. Đi đôi với công tác thuế nông nghiệp, thuế công thương nghiệp cũng được triển khai và thu được kết quả tốt.

Để quản lý tốt hai loại tài sản rất quan trọng trong kháng chiến là tiền bạc và thóc gạo, Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ ban hành chế độ quản lý kho bạc, kho thóc, từ đó đã chấm dứt tình trạng kho thóc phân tán, sử dụng tùy tiện, tạo điều kiện để mậu dịch quốc doanh cung cấp  một số mặt hàng thiết yếu cho nhân dân... Thực hiện đường lối kinh tế đa dạng trong kháng chiến, ngoài những chính sách kinh tế trên, Bộ Tài chính còn đề xuất với Chính phủ ban hành công trái kháng chiến, vận động toàn dân mua công trái để góp phần đảm bảo nguồn chi tiêu của Nhà nước.

Từ năm 1953, thu, chi ngân sách nhà nước được cân bằng, có cơ sở vững chắc để quản lý tiền tệ, bình ổn vật giá, phạm vi lưu hành đồng tiền ngân hàng Quốc gia Việt Nam được mở rộng. Mậu dịch quốc doanh đẩy mạnh thu mua và bán hàng rộng rãi, từ đó tiền tệ thâm nhập sâu vào vùng nông thôn, miền núi; chính sách tín dụng cũng góp phần thúc đẩy sản xuất và làm vốn luân chuyển nhanh hơn...

Theo Quang Thanh/Sách "Các lịch sử ngành Tài chính" (Nhà xuất bản Tài chính)