Thẻ xanh, thẻ vàng… cho bài toán thiếu hụt lao động
Tình trạng người lao động ồ ạt bỏ phố về quê khiến cho nhiều khu công nghiệp lớn ở phía nam đang thiếu hụt lao động khi phục hồi sản xuất. Nhiều giải pháp đã và đang được triển khai để thu hút và giữ chân người lao động, tránh những hệ lụy tiêu cực cả về kinh tế và xã hội.
Vừa giữ chân vừa tuyển mới
Số công nhân hiện tại của Công ty cổ phần Dệt may Thành Công (quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) đạt khoảng 86% so thời điểm dịch chưa bùng phát (tổng số 3.800 người).
Ông Nguyễn Hữu Tuấn - Giám đốc nhân sự Công ty lý giải: “Sở dĩ công nhân quay trở lại làm việc đạt tỷ lệ cao do chúng tôi duy trì sản xuất “ba tại chỗ” trong hai tháng rưỡi qua với nhiều chế độ phúc lợi tốt cho người lao động, nên họ gắn bó làm việc liên tục.
Cùng với đó, những công nhân tạm nghỉ ở nhà nay trở lại do đã có “thẻ xanh” vắc xin (phần nhiều đều tiêm đủ hai mũi vắc xin, còn lại đã tiêm mũi 1 đủ 14 ngày) nên công ty cũng yên tâm”. Cũng theo ông Tuấn, công ty cũng đã xây dựng phương án dự phòng trường hợp người lao động về quê tránh dịch không quay trở lại thì tuyển dụng thêm từ bên ngoài để bù đắp số lượng thiếu hụt, nhưng số lượng phải tuyển là không nhiều.
Một đơn vị khác, Công ty cổ phần Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn, thời gian qua luôn quan tâm, chăm lo cho người lao động chu đáo, không phân biệt công nhân tham gia sản xuất “ba tại chỗ” hay tạm nghỉ không đến nhà máy, nên 300/400 người lao động đã trở lại làm việc ngay từ ngày 1/10, số người về quê cũng chỉ có 20 người và sẵn sàng trở lại làm việc trong nay mai. Ông Trương Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty cho hay: “Với những người lao động không tham gia “ba tại chỗ” đang ở nhà, ở trọ, công ty thực hiện đi chợ hộ. Điều đó giúp họ tránh tiếp xúc, tránh lây nhiễm, yên tâm ở nhà phòng, chống dịch”.
Tuy vậy, ở các tỉnh, thành phố tập trung nhiều khu công nghiệp phía nam, không phải doanh nghiệp nào cũng có điều kiện để chăm lo tốt cho công nhân nhằm giữ chân họ. Làn sóng lao động về quê tự phát vẫn đang diễn ra khiến nhiều doanh nghiệp thiếu lao động trầm trọng khi phục hồi sản xuất.
Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út cho biết: “Mục tiêu phục hồi kinh tế của Long An đến ngày 15/10, toàn tỉnh sẽ có khoảng 13.483 doanh nghiệp (với khoảng 370.000 công nhân) hoạt động trở lại; đến cuối tháng 12 sẽ có thêm hàng nghìn doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Vấn đề lúc này là Long An cũng lâm vào tình trạng thiếu hụt lao động. Trong nhiều ngày qua, đã có hàng nghìn lao động tạm trú tại Long An về quê; doanh nghiệp đang hoạt động “ba tại chỗ” hiện chỉ còn khoảng 60% lao động so với nhu cầu”.
Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam, những tháng cuối năm là thời điểm nhiều đơn hàng đến hạn phải giao theo ký kết, nếu doanh nghiệp không thực hiện được sẽ phải chịu phạt hợp đồng hoặc phải vận chuyển bằng máy bay, chi phí sẽ đội lên rất nhiều lần. Nhiều chuyên gia lo ngại, đứt gãy lao động sẽ là điều đáng sợ nhất. Bởi thế, cần tập trung giải pháp giữ chân được công nhân mới giảm tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động.
Tập trung nhiều giải pháp
Trao đổi với Nhân Dân cuối tuần, ngày 6/10, ông Lưu Thế Thuận, Trưởng ban Tuyên giáo (Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương) cho biết: Cùng với chính quyền, tổ chức công đoàn các cấp trong tỉnh đã và đang tập trung nhiều nguồn lực để chăm lo cho người lao động. Lãnh đạo liên đoàn lao động tỉnh đã thực hiện nhiều chuyến khảo sát, gặp gỡ rất nhiều công nhân lao động, nghe họ trải lòng về điều kiện sống trong thời gian diễn ra dịch bệnh.
Để người lao động yên tâm ở lại Bình Dương làm việc, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động chăm lo cho người lao động, vận động các nguồn lực để hỗ trợ nhu yếu phẩm; phối hợp chính quyền, đoàn thể địa phương vận động chủ nhà trọ giảm, giãn tiền thuê nhà trọ; kiến nghị các ngành chức năng ưu tiên tiêm vắc xin mũi 2 cho người lao động.
Mới đây, để giúp doanh nghiệp vượt khó, UBND tỉnh Long An đề nghị các doanh nghiệp sớm xây dựng phương án, vận động, đón công nhân ngoại tỉnh. Tỉnh Long An sẽ ưu tiên tiêm vắc xin cho công nhân ngoại tỉnh trở lại làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chính quyền các cấp cũng đang vận động các chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê trọ trong một vài tháng đầu khi người lao động trở lại làm việc.
Đồng thời, tỉnh Long An cũng đã đưa ra quy định “thẻ xanh Covid” cho những người tiêm đủ hai mũi vắc xin được đi lại nội tỉnh, “thẻ vàng Covid” cho những người đã tiêm một mũi được đi lại nội huyện. Điều đó giúp doanh nghiệp nhanh chóng thu hút lao động trở về nhà máy. Đây là cách làm nhiều tỉnh, thành phố có thể nghiên cứu vận dụng.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiến nghị: “Chúng ta phải tăng tỷ lệ tiêm hai mũi vắc xin cho công nhân, giúp họ an tâm bám trụ lại doanh nghiệp. vắc xin đóng vai trò là chìa khóa thu hút lao động”.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nêu ý kiến: “Với những doanh nghiệp đang duy trì sản xuất theo mô hình “ba tại chỗ”, nếu xuất hiện F0 thì được điều trị ngay tại nhà máy, phân xưởng. Không nên chỉ xuất hiện một vài ca F0 mà đóng cửa cả nhà máy hay hệ thống. Chúng ta phải chấp nhận dịch khó có thể kiểm soát triệt để trong thời gian gần” .