Thêm nhiều “liều thuốc đặc trị” xử lý công ty chứng khoán
Thời gian qua, với sự vào cuộc mạnh mẽ của ngành Chứng khoán nhằm tái cấu trúc hoạt động của công ty chứng khoán (CTCK), tình hình tài chính của các CTCK được cải thiện và trở nên lành mạnh hơn. Khả năng tiếp cận và huy động vốn của các CTCK từ các đối tác lớn cũng có nhiều thuận lợi. Tới đây, đối với tình trạng của từng CTCK, sẽ có thêm những liều thuốc riêng để xử lý rốt ráo các vấn đề nội tại của các công ty này trong quá trình tái cấu trúc hoạt động.
Xử lý dưới các hình thức 30 công ty chứng khoán
Thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho thấy, tính đến 31/12/2018, tổng vốn điều lệ của các CTCK đạt 55.623 tỷ đồng, tăng 26 %; tổng vốn chủ sở hữu đạt 67.370 tỷ đồng, tăng 21,68%; tổng tài sản đạt 126.176 tỷ đồng, tăng 23,11% so với thời điểm 31/12/2017. Hiện tại, 97% các CTCK có tỷ lệ an toàn tài chính trên 180%.
Trong năm 2018, kết quả hoạt động kinh doanh của các CTCK diễn biến theo chiều hướng tốt. Trong đó, tổng doanh thu hoạt động và doanh thu tài chính của các CTCK cả năm đạt 30.462 tỷ đồng, tăng 55,12% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng lợi nhuận sau thuế của các CTCK trong cả năm 2018 đạt 8.933 tỷ đồng, tăng 42,29 % so với cùng kỳ năm 2017.
Trong thời gian qua, hoạt động tái cấu trúc các CTCK vẫn đang tiếp tục được diễn ra trên cơ sở các nguyên tắc thị trường (không sử dụng ngân sách nhà nước) và theo đúng quy định pháp luật.
Trong năm 2018, UBCKNN đã chấp thuận việc sáp nhập cho 02 CTCK; thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động của 01 CTCK; chấm dứt hoạt động để mở thủ tục thu hồi giấy phép của 01 CTCK; chấp thuận giải thể 01 CTCK; đình chỉ hoạt động nghiệp vụ tự doanh của 02 CTCK; rút nghiệp vụ môi giới 01 CTCK; rút nghiệp vụ bảo lãnh phát hành của 01 CTCK; đưa 01 CTCK vào tình trạng kiểm soát đặc biệt và 01 CTCK vào tình trạng kiểm soát.
Như vậy, từ khi thực hiện công tác tái cấu trúc (năm 2012) đến nay, UBCKNN đã xử lý dưới các hình thức (rút giấy phép, đình chỉ hoạt động, kiểm soát đặc biệt, kiểm soát, rút nghiệp vụ) được 30 CTCK. Tính đến đầu năm 2019, trên thị trường chỉ còn 75 CTCK đang hoạt động, tức giảm được khoảng 25% tổng số CTCK so với năm 2012.
Điều đáng chú ý là việc tái cấu trúc nội tại các CTCK cũng diễn ra mạnh mẽ thông qua việc thay đổi cơ cấu cổ đông lớn (14 CTCK có chuyển nhượng trên 10% vốn điều lệ) với sự tham gia của nhiều tổ chức tài chính lớn trong khu vực.
Hầu hết, các công ty có sự thay đổi cơ cấu cổ đông lớn đều có sự thay đổi nhân sự quản trị và điều hành cũng như từng bước tiến hành việc nâng cao năng lực tài chính thông qua nguồn vốn bổ sung từ các cổ đông lớn.
Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các CTCK vẫn được UBCKNN chú trọng thực hiện. Trong năm 2018, UBCKNN đã tổ chức triển khai kiểm tra định kỳ và kiểm tra chuyên đề 12 CTCK.
Đồng thời, UBCKNN cũng tích cực giám sát chặt chẽ hoạt động của các CTCK, những trường hợp vi phạm đều đã được xử lý nghiêm và công bố công khai.
Thêm nhiều “liều thuốc đặc trị”
Tới đây, đối với tình trạng của từng CTCK, sẽ có thêm những liều thuốc riêng để xử lý rốt ráo các vấn đề nội tại của các công ty này trong quá trình tái cấu trúc hoạt động. Trong đó, rất nhiều giải pháp đã được nêu ra tại Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, cụ thể:
Đối với nhóm các CTCK hoạt động lành mạnh
Đối với các CTCK hoạt động lành mạnh có chỉ tiêu an toàn tài chính lớn hơn 180%, vốn chủ sở hữu lớn hơn 1.000 tỷ đồng và không lỗ lũy kế, Chính phủ sẽ tạo điều kiện mở rộng quy mô, phạm vi, địa bàn hoạt động trong nước và khu vực, bảo đảm an toàn tài chính, chất lượng quản trị rủi ro và quản trị công ty.
Khuyến khích các CTCK này xây dựng định hướng chiến lược và hướng dẫn cụ thể hỗ trợ áp dụng các công nghệ tài chính mới trong việc đổi mới, đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ cung cấp cho nhà đầu tư. Được phép tham gia là thành viên thị trường trái phiếu, thị trường phái sinh, cung cấp các sản phẩm dịch vụ mới như chứng quyền, quyền chọn, giao dịch trong ngày; thực hiện chức năng là tổ chức tạo lập thị trường của Sở Giao dịch chứng khoán và tham gia cung cấp dịch vụ liên quan đến cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước. Ngoài ra, Chính phủ cũng khuyến khích tham gia xử lý những CTCK thuộc nhóm hoạt động yếu kém.
Đối với nhóm CTCK hoạt động bình thường
Đối với nhóm CTCK hoạt động bình thường, có chỉ tiêu an toàn tài chính lớn hơn 180%, vốn chủ sở hữu nhỏ hơn 1.000 tỷ đồng hoặc còn lỗ lũy kế, Chính phủ yêu cầu tiếp tục cơ cấu lại hoạt động kinh doanh theo hướng tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn, nghiệp vụ, sản phẩm và đối tượng khách hàng có lợi thế; cơ cấu lại danh mục đầu tư, hạn chế các khoản đầu tư có rủi ro cao, tập trung vào các hoạt động cung cấp dịch vụ. Hỗ trợ tái cấu trúc nội bộ thông qua việc khuyến khích các tổ chức tài chính, ngân hàng có uy tín trong nước và nước ngoài tham gia sở hữu cổ phần, phần góp vốn.
Đối với nhóm CTCK hoạt động kém
Đối với nhóm công ty hoạt động kém có chỉ tiêu an toàn tài chính nhỏ hơn 180%, Chính phủ giao các bộ, ngành liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình tài chính, các chỉ tiêu an toàn vốn và các hoạt động kinh doanh. Các công ty này cũng sẽ không được trực tiếp quản lý tiền gửi giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, sẽ quyết liệt đình chỉ một số hoặc toàn bộ hoạt động nghiệp vụ đối với các CTCK có vốn chủ sở hữu thấp hơn vốn pháp định và không đáp ứng các điều kiện duy trì hoạt động khác. Đồng thời, tăng cường giám sát việc xử lý nợ, tài sản xấu, yêu cầu trích lập 100% giá trị theo quy định các khoản nợ phải thu đã quá thời hạn trả nợ, đã được gia hạn nợ dưới mọi hình thức, các giao dịch với các bên liên quan.
Chính phủ cũng yêu cầu hạn chế các hoạt động đầu tư, chi trả cổ tức và mua lại cổ phần, phần vốn góp; không cho phép những CTCK thuộc nhóm này thực hiện các giao dịch có nguy cơ rủi ro cao. Tạo điều kiện cho các tổ chức kinh doanh chứng khoán bị lỗ lũy kế, có tài sản xấu được giảm vốn điều lệ trên cơ sở đánh giá lại giá trị hợp lý của tài sản và phù hợp với pháp luật hiện hành. Hạn chế quyền giao dịch của thành viên là CTCK đang trong tình trạng kiểm soát, kiểm soát đặc biệt. Chỉ chấp thuận chuyển nhượng cổ phần trên cơ sở đối tác, cổ đông mới chứng minh được khả năng phục hồi năng lực tài chính và khả năng hoạt động của các CTCK thuộc nhóm này sau chuyển nhượng.
Đối với nhóm CTCK không còn khả năng phục hồi
Đối với nhóm các CTCK không còn khả năng phục hồi, tức đã có quyết định chấm dứt hoạt động hoặc quyết định chấp thuận giải thể, Chính phủ yêu cầu khẩn trương giải quyết quyền lợi đối với khách hàng và nhà đầu tư. Phối hợp với cơ quan điều tra, tòa án giải quyết các tài khoản của khách hàng có liên quan đến các vụ án, các tài khoản còn tranh chấp.
Bên cạnh đó, căn cứ tình hình giải quyết các nghĩa vụ của CTCK đối với khách hàng, thực hiện rút giấy phép thành lập và hoạt động; yêu cầu người quản lý công ty bao gồm người đại diện theo pháp luật, các thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên chịu trách nhiệm việc giải thể của công ty sau khi công ty bị thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động.