Thép Việt lạc quan trước căng thẳng thương mại Mỹ - Trung

Theo Việt Anh/baodauthau.vn

Dự báo về tăng trưởng ngành thép năm 2018, Bộ Công Thương nhận định sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với mức tăng khoảng 20% so với năm 2017. Đây là dự báo lạc quan trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang có dấu hiệu leo thang và cảnh báo có thể tác động đến doanh nghiệp (DN) thép Việt Nam.

Dự báo ngành thép sẽ tăng trưởng khoảng 20% trong năm 2018. Ảnh: Nhã Chi
Dự báo ngành thép sẽ tăng trưởng khoảng 20% trong năm 2018. Ảnh: Nhã Chi

Đối diện với nhiều khó khăn

Số liệu của Bộ Công Thương cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2018, ngành thép có sự tăng trưởng tốt. Sản lượng sản xuất sắt thép thô; thép cán; thép thanh, thép góc tăng lần lượt là 43,7%; 5,3% và 16% so với cùng kỳ năm 2017.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng, ngành thép sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt phải áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước cũng như kháng kiện các vụ kiện của nước ngoài như Hoa Kỳ, Australia, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Ấn Độ đối với sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam… Ngoài ra, ngày 8/3/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu thép và nhôm dưới hình thức tăng thuế nhập khẩu có thể ảnh hưởng tới tình hình sản xuất và kinh doanh của các DN trong ngành thép Việt Nam.

Thêm nữa, đầu tháng 7 này, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã nổ ra và có nhiều cảnh báo các DN Việt Nam khó tránh khỏi tác động, trong đó có DN thép.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam nhận định, trước mắt, tác động của cuộc chiến với ngành thép Việt Nam là không lớn, bởi xuất khẩu thép của Việt Nam sang Mỹ không nhiều, xuất khẩu thép sang Trung Quốc gần như không có. Hơn nữa, trước đây, do sản xuất trong nước chưa đồng bộ và chưa đáp ứng nhu cầu nên Việt Nam nhập khẩu một lượng tương đối lớn thép Trung Quốc. Thế nhưng, hiện nay, xuất khẩu thép của Trung Quốc vào Việt Nam đang giảm đi do chúng ta đã sản xuất được nhiều mặt hàng đáp ứng về số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó, hiện giá thép Trung Quốc cũng không thấp như trước đây… “Do đó, lo ngại thép Trung Quốc không xuất khẩu được vào Mỹ sẽ tràn vào Việt Nam và cạnh tranh với thép nội là rất ít”, ông Sưa nhận định.

Một nguồn tin đáng tin cậy từ Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát cũng cho biết, căng thẳng thương mại ít ảnh hưởng tới Hòa Phát, bởi Hòa Phát xuất khẩu sang Mỹ còn khiêm tốn.

Nghiên cứu về tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung với ngành thép Việt Nam, Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, cuộc chiến này không đáng lo ngại với ngành thép vì lượng thép xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ không lớn; lượng thép sụt giảm từ các nước xuất khẩu khác vào Mỹ sẽ ít có khả năng chuyển hướng sang Việt Nam… 

Chủ động phòng ngừa những tác động bất lợi

Dự báo về tăng trưởng của ngành thép trong năm 2018, Bộ Công Thương nhận định, ngành thép sẽ tiếp tục đà tăng trưởng khá trong năm nay với dự báo mức tăng khoảng 20% so với năm 2017.

Đồng ý kiến này, Hiệp hội Thép Việt Nam tin tưởng, tăng trưởng ngành thép năm nay sẽ khá. Trong đó, sản xuất thép cuộn cán nóng dự báo tăng mạnh nhất, có thể tăng tới 154% so với năm ngoái nhờ việc Formosa Hà Tĩnh dự định tăng gấp đôi công suất sản xuất khi đưa lò cao số 2 vào hoạt động. Bên cạnh đó, Hòa Phát dự kiến đưa vào hoạt động dự án thép cán khoảng 600 nghìn tấn trong tháng 8/2018; Tập đoàn Hoa Sen đưa thiết bị dây chuyền cán nguội, mạ kẽm/lạnh, mạ màu vào hoạt động trong năm nay với công suất 350 nghìn tấn…

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, Hiệp hội thép lại có cái nhìn khác: Thách thức này có thể là cơ hội với ngành thép Việt Nam. “Nếu ngành thép thế giới trì trệ, giá cả một số nguyên vật liệu như: quặng sắt, than mỡ luyện cốc, sắt thép phế… sẽ giảm. Đây là những nguyên liệu ngành thép Việt Nam phải nhập rất nhiều. Khi giá trên thế giới giảm, chúng ta có cơ hội để nhập nguồn nguyên liệu này phục vụ sản xuất và giá cả sản phẩm sẽ tốt hơn”, ông Sưa đánh giá.

Tuy nhiên, theo ông Sưa, cuộc chiến thương mại này được dự báo có những diễn biến khó lường, các DN thép phải chủ động phòng ngừa những tác động bất lợi. Theo đó, DN Việt Nam phải nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm thông qua nâng cao chất lượng và có giá thành sản phẩm hợp lý, chứ không chỉ trông chờ vào các biện pháp phòng vệ thương mại.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội Thép kiến nghị hỗ trợ ngành thép trong việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước. Đồng thời, hỗ trợ thông tin về thương mại quốc tế, đặc biệt từ hệ thống thương vụ tại thị trường các nước để DN trong nước mở rộng thị trường xuất khẩu, có thông tin ứng xử với những vụ khởi kiện của nước ngoài nhằm giảm thiểu thiệt hại.