Nhập khẩu trước những mối lo!
Một số mặt hàng nhập khẩu (NK) cần kiểm soát như rau quả, phế liệu sắt thép hoặc các loại phế liệu khác đang tăng rất đáng ngại. Và một nỗi lo khác là cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung sẽ tạo sức ép với hàng hoá Trung Quốc để họ "xả hàng" sang các nước lân cận như Việt Nam.
Số liệu mới công bố của Bộ Công Thương cho thấy trong nhóm mặt hàng cần kiểm soát, có một số mặt hàng NK tăng đáng chú ý trong 6 tháng đầu năm nay. Điển hình như rau quả ước NK đến 757 triệu USD, tăng 18,9% so cùng kỳ năm trước. Hoặc như phế liệu sắt thép ước NK 890 triệu USD, tăng đến 52,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Không thể chủ quan
Trong nhóm hàng rau quả, có thể thấy chúng ta xuất nhiều nhưng nhập cũng cao trong vài năm trở lại đây. Hai thị trường NK rau quả nhiều nhất vào Việt Nam là Thái Lan và Trung Quốc đang chiếm khoảng 2/3 tổng kim ngạch nhập mặt hàng này của Việt Nam.
Phế liệu sắt thép tăng đột biến như hiện nay được cho là vì có chi phí rẻ hơn so với mua phôi để luyện thép nên vẫn chiếm khối lượng lớn nguyên liệu đầu vào của một số nhà máy thép trong nước.
Ngoài ra, đáng ngại là tình trạng NK các loại phế liệu được các cơ quan quản lý cảnh báo Việt Nam có nguy cơ trở thành công trường chế biến các loại rác thải, phế liệu để cung cấp cho Trung Quốc khi nước này thực hiện chính sách cấm NK 24 loại rác thải, phế liệu từ nhựa, ni-lon từ 1/1/2018.
Theo Tổng cục Hải quan, với 928 doanh nghiệp NK phế liệu trên cả nước, thời gian gần đây, hoạt động NK các loại phế liệu diễn ra nhộn nhịp. Chẳng hạn như nhựa phế liệu, hồi năm ngoái có 54 doanh nghiệp đã NK với tổng số 24.648 container, còn riêng 4 tháng đầu năm 2018, có 50 doanh nghiệp NK với tổng số 10.689 container.
Theo thống kê của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, đến tháng 6/2018, tại cảng Cát Lái (còn tồn 3.231 container phế liệu chưa làm thủ tục hải quan. Các mặt hàng nhựa phế liệu NK chủ yếu thu gom từ Mỹ, Nhật, châu Âu, được vận chuyển về Việt Nam, tập trung chủ yếu qua các cảng biển khu vực TP. Hồ Chí Minh (cảng Cát Lái), cảng Hải Phòng, cảng Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu)…
Được biết nửa đầu năm nay, nhóm hàng cần kiểm soát nhập vào Việt Nam đã ước đạt 14,8 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhóm hàng này chiếm tỷ trọng khiêm tốn (6,2% trong tổng kim ngạch NK) nhưng không vì thế mà chủ quan, đặc biệt là với những mặt hàng phế liệu.
Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung hiện nay, theo dự báo, sẽ khiến sức ép hàng Trung Quốc trở nên "khủng khiếp" đối với thị trường Việt Nam. Đặc biệt khi Trung Quốc hiện chiếm 28% tổng kim ngạch NK của cả nước. Kim ngạch NK của nước này vào Việt Nam trong nửa đầu năm nay đã tăng 15,6%.
Giới chuyên gia nhận định, khi bị Mỹ áp thuế cao lên hàng hóa, Trung Quốc sẽ phá giá, "xả hàng" sang các nước khác, trong đó có Việt Nam, ảnh hưởng không tốt đến hoạt động sản xuất kinh doanh và người lao động tại các doanh nghiệp nội địa.
Trung Quốc sẽ "xả hàng"?
Như lưu ý của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, việc Mỹ đánh thuế hàng Trung Quốc có thể dẫn đến nguy cơ các sản phẩm nước này gồm cả các mặt hàng chưa phòng vệ thương mại như da giày, dệt may, đồ gỗ… tràn vào Việt Nam.
Thậm chí, các loại thịt nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam cũng có thể gia tăng từ cuộc chiến thương mại này. Giới chuyên gia dự báo nguy cơ thịt lợn ngoại, đặc biệt là thịt lợn đông lạnh từ Mỹ, sẽ tăng tốc vào Việt Nam trong thời gian tới.
Ngay như hồi tháng 5 vừa qua, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 10.870 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt từ Mỹ, trị giá 13,05 triệu USD, tăng đến 47,8% về lượng và tăng 24,4% về kim ngạch so với tháng trước đó.
Ngoài các vấn đề nêu trên, một nỗi lo khác là hàng Trung Quốc được bán qua kênh thương mại điện tử online sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam với sự góp mặt của "đại gia" thương mại điện tử Alibaba sau khi họ mua lại "chợ điện tử" Lazada (chiếm đến 1/3 thị phần thương mại điện tử của Việt Nam, thu hút 30 lượt triệu lượt truy cập hàng tháng, có hơn 2.000.000 sản phẩm thuộc 16 ngành hàng).
"Vấn đề là doanh nghiệp Việt Nam chưa nhìn ra nguy cơ cho hàng Việt khi hàng hoá ngoại nhập từ Trung Quốc tràn vào theo con đường thương mại điện tử. Điều này được cho là cũng xảy ra tương tự với các ngành sản xuất, du lịch… chứ không chỉ riêng bán lẻ" – ông Liêu Hưng Tiến, Giám đốc kinh doanh công ty Haravan, cảnh báo như vậy.
Trong vai trò quản lý của Bộ Công Thương, họ cho rằng thời gian tới, cần tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp bán lẻ với các nhà sản xuất trong việc tạo nguồn hàng sản xuất trong nước với giá cả cạnh tranh, bảo đảm đủ tiêu chuẩn chất lượng có thể thỏa mãn nhu cầu mua sắm tiêu dùng đa dạng và ngày càng cao ở Việt Nam để cung ứng cho các cơ sở bán lẻ nhằm giảm sự phụ thuộc vào hàng cùng loại NK.
Điều quan trọng bây giờ là các bộ ngành liên quan cần tiếp tục theo dõi sát và đánh giá kỹ tình hình nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng NK cần kiểm soát hoặc các mặt hàng có mức tăng trưởng cao để có những giải pháp kiểm soát hiệu quả, đồng thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất trong nước.