Không ngừng xây dựng nền tài chính vững mạnh
Trên chặng đường dài gần 70 năm xây dựng và phát triển, từ những “viên gạch sơ khai” đầu tiên của năm 1945, đến nay ngành Tài chính Việt Nam đã trưởng thành phát triển về mọi mặt. Từ việc kiện toàn về tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, ngành Tài chính đã hoàn thiện hệ thống khung khổ pháp lý đồng bộ về cơ chế quản lý tài chính - ngân sách nhà nước, thuế, thị trường tài chính, giá cả, dự trữ, công sản, tài chính doanh nghiệp, hợp tác quốc tế… góp phần quan trọng đưa thế và lực của Việt Nam vững vàng đi lên trong xu thế hội nhập.
Bước vào giai đoạn mới, hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới và khu vực, tài chính ngày càng khẳng định vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, ngân sách nhà nước đã đảm bảo chi cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, an sinh xã hội của đất nước. An ninh tài chính được giữ vững khi nhiệm vụ thu liên tục tăng đều qua các năm và đảm bảo kiểm soát bội chi; nợ công được giữ ở ngưỡng an toàn… Song hành cùng với đó là cơ chế, chính sách tài chính đã được điều chỉnh linh hoạt, hợp lý và kịp thời với diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế trong từng giai đoạn, đưa chính sách tài chính trở thành một công cụ quan trọng trong điều hành và quản lý kinh tế. Chính sách tài khóa đã được điều chỉnh theo hướng thận trọng, tập trung vào việc tăng cường kiểm soát chặt chẽ, nâng cao hiệu quả chi tiêu công, giảm chi phí hành chính, tháo gỡ khó khăn cho khu vực sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất - kinh doanh, tạo chuyển biến tích cực trong nền kinh tế, đưa nước ta vượt ra khỏi tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế thế giới trong các giai đoạn khác nhau. Hệ thống thị trường tài chính và dịch vụ tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính được hình thành và phát triển, cơ cấu, quy mô, phạm vi hoạt động được mở rộng và đáp ứng ngày càng hiệu quả hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước… các yếu tố này đã góp phần làm ổn định cân đối kinh tế vĩ mô; nâng cao chỉ số tín nhiệm Việt Nam trên trường quốc tế.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, để đối phó với khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu tác động đến tình hình kinh tế trong nước, với nhiệm vụ được giao, ngành Tài chính đã tham mưu với Đảng, Quốc hội, Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện quyết liệt, có hiệu quả nhiều giải pháp về tài chính - ngân sách quan trọng, góp phần thực hiện thành công ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.
Nỗ lực thi đua, đồng lòng vượt khó
Hòa cùng không khí cả nước hướng tới 70 năm kỷ niệm các sự kiện trọng đại của đất nước, hơn 8 vạn cán bộ, công chức ngành Tài chính đang tập trung trí tuệ và sức lực triển khai hiệu quả công tác tài chính - ngân sách lập thành tích thiết thực chào mừng ngày Truyền thống của Ngành. Thi đua lập thành tích chào mừng 70 năm ngày thành lập Ngành và Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IV năm 2015, Lãnh đạo Bộ Tài chính đã phát động đợt thi đua nước rút trong toàn Ngành từ năm 2014 đến ngày 28/8/2015 với nội dung “Thi đua sáng tạo vượt khó, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách giai đoạn 5 năm 2011-2015”. Theo đó, nhiều phong trào thi đua, nỗ lực vượt khó đã được phát động và nhân rộng đến mỗi cơ quan, đơn vị trong ngành Tài chính.
Năm 2014, dù nền kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các chỉ tiêu tài chính - ngân sách, tuy nhiên, đến thời điểm này, ngành Tài chính đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ thu, chi ngân sách 2014 trước kế hoạch 1 tháng. Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước thực hiện luỹ kế 11 tháng đạt 789,6 nghìn tỷ đồng, đạt 100,9% dự toán. Tổng chi ngân sách nhà nước lũy kế 11 tháng ước đạt 933,57 nghìn tỷ đồng, đạt 92,7% dự toán. Việc điều hành chi ngân sách nhà nước đúng tinh thần chặt chẽ, tiết kiệm theo Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc điều hành thực hiện các nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước những tháng cuối năm 2014. Bội chi ngân sách nhà nước tháng 11 ước khoảng 16,3 nghìn tỷ đồng; lũy kế 11 tháng là 143,97 nghìn tỷ đồng, bằng 64,3% mức bội chi Quốc hội quyết định đầu năm.
Năm 2014, Bộ Tài chính đã nỗ lực thực hiện điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, tiết kiệm, tập trung chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường công tác chống thất thu cho ngân sách và thu hồi nợ đọng thuế; phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy mạnh các hoạt động chống chuyển giá, chống buôn lậu và gian lận thương mại; đồng thời thực hiện quản lý chặt chẽ, tiết kiệm các khoản chi.
Công tác quản lý, điều hành giá cả được Bộ Tài chính thực hiện tốt, góp phần đưa chỉ số CPI năm 2014 tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Chất lượng xây dựng các văn bản pháp luật tài chính luôn được đảm bảo tiến độ và không ngừng nâng cao. Thị trường tài chính được củng cố và phát triển. Các lĩnh vực trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế do ngành Tài chính chủ trì hoặc phối hợp thực hiện như tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước... càng đạt kết quả tích cực.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và quyết tâm đưa hệ thống chính sách, cải cách thủ tục hành chính sao cho thuận lợi nhất cho người dân, cho doanh nghiệp... các bộ, ngành đã và đang tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản pháp quy, cải cách thủ tục hành chính, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh và tiêu dùng phù hợp. Theo báo cáo thống kê về thủ tục hành chính của 8 bộ thì Bộ Tài chính được đánh giá là một trong những Bộ tích cực tăng cường việc quản lý và cải cách hành chính trong lĩnh vực Thuế, Hải quan. Cụ thể, sau khi Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 25/8/2014 và Chỉ thị số 24/ CT-TTg ngày 05/8/2014 được ban hành, Bộ Tài chính đã khẩn trương ban hành Thông tư số 119/2014/ TT-BTC ngày 25/8/2014 sửa đổi, bổ sung 07 Thông tư về thuế nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế để thực hiện ngay từ ngày 01/9/2014. Theo đó, thời gian thực hiện thủ tục hành chính thuế giảm được 201,5 giờ/năm.
Bên cạnh đó, đến cuối năm 2014, ngành Hải quan cũng đã thực hiện nhiều biện pháp để giảm 50% thời gian thực hiện thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Sang năm 2015, thời gian thông quan do Hải quan thực hiện dự kiến sẽ chỉ còn từ 10 – 11 giờ, nghĩa là sẽ rút ngắn tới 70% so với trước đây.
Ngoài việc cải cách thủ tục hành chính, Bộ Tài chính đã khẩn trương ban hành hoặc tiếp tục trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp. Đó là Nghị định số 91/2014/ NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về thuế thực hiện ngay từ năm 2014 được Chính phủ ban hành; Nghị quyết 63/NQ-CP về một số chính sách thuế tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp...; Ghi nhận ý kiến từ phía các doanh nghiệp cho thấy, các giải pháp do Bộ Tài chính ban hành, đề xuất thực sự đã tạo đà, tiếp sức cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, có điều kiện tái đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hay hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước đều có công sức không nhỏ của ngành Tài chính bằng các cơ chế, chính sách tài chính mang tính chất bản lề, vừa phù hợp với bối cảnh kinh tế Việt Nam, vừa đảm bảo các cam kết hội nhập.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, hoạt động tài chính – ngân sách năm 2014 đã có những tiến bộ vượt bậc so với năm 2013, góp phần quan trọng tạo sự chủ động trong điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ năm 2014. Đây là những kết quả hết sức quan trọng, khẳng định sự nỗ lực phấn đấu của toàn ngành Tài chính, khẳng định sự tiếp nối hiệu quả công tác của các thế hệ đi trước để dâng lên những đóa hoa tươi thắm nhất chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Tài chính.
Thi đua sáng tạo vượt khó, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách
(Tài chính) Năm 2015 sắp đến với đầy ắp các sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước và của ngành Tài chính: 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; 40 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; 70 năm ngày truyền thống ngành Tài chính (28/8/1945 – 28/8/2015). Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập là dịp đặc biệt quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành và phát triển mới của Ngành, để toàn thể hơn tám vạn cán bộ, công chức ngành Tài chính vững bước trong giai đoạn phát triển mới.
Xem thêm