Thị trường bánh, kẹo tết trầm lắng hơn năm trước


Thời điểm này những năm trước, các chợ hoa, cửa hàng kinh doanh đồ vàng mã tấp nập kẻ bán, người mua vào dịp tảo mộ, đưa ông Táo về trời thì năm nay, không khí có phần trầm lắng hơn.

Bánh, mứt tết năm nay đa dạng với nhiều mẫu mã. Ảnh: Trường Châu
Bánh, mứt tết năm nay đa dạng với nhiều mẫu mã. Ảnh: Trường Châu

Thời điểm này những năm trước, các chợ hoa, cửa hàng kinh doanh đồ vàng mã tấp nập kẻ bán, người mua vào dịp tảo mộ, đưa ông Táo về trời thì năm nay, không khí có phần trầm lắng hơn.

Hơn 4 năm kinh doanh mặt hàng đồ thờ cúng tại Trung tâm thương mại chợ Tân Trụ, tỉnh Long An chị Nguyễn Ngọc Hoa chia sẻ: “Tầm thời gian này năm ngoái, nhiều người dân bắt đầu sắm đồ lễ để chuẩn bị đưa ông Công, ông Táo về trời và tảo mộ. Nhưng năm nay, do ảnh hưởng kinh tế hoặc hạn chế đốt vàng mã nên đến giờ vẫn chưa có nhiều người mua đồ cúng”.

Hiện tại, chị Hoa kinh doanh chủ yếu các mặt hàng như giấy tiền vàng mã, quần áo giấy (dao động 10.000-15.000 đồng/bộ), nhang, đèn (khoảng 35.000-40.000 đồng/tùy loại).

Chị Hoa nhẩm tính sức mua chưa bằng một nửa năm ngoái, nhiều ngày ngồi cả buổi vẫn không có khách đến hỏi mua. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều gian hàng kinh doanh đồ vàng mã khác trong những ngày cận Tết Nguyên đán.

Năm nay là năm thứ 2 kinh doanh đồ cúng, anh Hồ Minh Đăng (phường 1, TP. Tân An) có thêm kinh nghiệm trong việc lựa chọn sản phẩm, mẫu mã đa dạng nhằm thu hút khách hàng.

Bên cạnh bán các loại giấy tiền vàng mã, anh còn kinh doanh thêm mũ Táo ông, Táo bà (45.000 đồng/bộ); quần áo ông Công, ông Táo (15.000 đồng/bộ); bộ cá chép gắn mắt giả (25.000 đồng/bộ); túi vàng thỏi (5.000 đồng/túi 6 thỏi). Để khách dễ dàng lựa chọn, anh Đăng còn bán theo combo 100.000 đồng bao gồm các loại đồ cúng trên.

Ngoài ra, anh Đăng bày bán thêm các loại bánh, mứt, phục vụ nhu cầu tiêu dùng những ngày cúng ông Công, ông Táo, tảo mộ. Theo khảo sát, giá thành các mặt hàng này thường dao động từ 70.000-100.000 đồng.

Nhận định về sức mua đồ thờ cúng năm nay, anh Đăng cho biết cửa hàng nằm ở vị trí thuận lợi nên mua bán khá ổn định, tuy nhiên sức mua vẫn thấp hơn so với năm ngoái.

Nhìn chung, thị trường đồ cúng, bánh, mứt, xôi, chè chuẩn bị cho 23 tháng Chạp đưa ông Táo về trời, tảo mộ trầm lắng hơn so với năm ngoái. Nguyên nhân xuất phát từ tình hình kinh tế và nhu cầu của người mua thay đổi dần qua các năm.

Dịp tết, các loại bánh, mứt truyền thống cũng được ưa chuộng. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Lộc (phường 1, TP.Tân An), bánh, mứt là những món không thể thiếu trong mỗi gia đình, vừa để cúng tổ tiên, vừa để đãi khách đến chơi nhà trong 3 bữa tết. Bà thường lựa chọn các loại truyền thống như bánh tét, mứt dừa, mứt chuối.

Ở Long An, nhắc đến bánh tét không thể không nhắc đến xóm nghề gói bánh tét ở xã Bình An, huyện Thủ Thừa. Trong đó, bánh tét Chín Mai của bà Nguyễn Thị Kiều Mai (ấp Vàm Kinh, xã Bình An) nổi tiếng với nhân chuối ngọt thanh, đậu mỡ béo bùi, hòa quyện với hương nếp dẻo thơm và mùi lá chuối thanh khiết. Mỗi dịp tết, sản lượng bánh của bà Mai tăng gấp nhiều lần, khoảng 1.500-2.000 đòn mỗi ngày.

Năm nay cũng vậy, bánh tét Chín Mai vẫn được ưa chuộng bởi hương vị và hình thức bắt mắt. Để làm ra những chiếc bánh thơm ngon, người thợ phải có kỹ thuật gói điêu luyện cùng kinh nghiệm nấu bánh lâu năm. Người đứng nấu phải tính toán chính xác lượng nước, thời gian và canh lửa để bảo đảm bánh chín đều, mềm dẻo và thơm ngon.

Bà Mai chia sẻ: “Tôi theo nghề hơn 40 năm, nối tiếp truyền thống của mẹ. Cách nấu xưa nay vẫn được giữ nguyên nhưng tôi cải tiến đôi chút ở phần gia vị để phù hợp hơn với khẩu vị hiện nay. Tuy nhiên, bánh ngon nhất là khi dùng trong 4 ngày đầu sau khi nấu. Ngày trước, cả xóm ai cũng biết gói bánh tét, tết đến là cả sân đầy củi, gần chục nồi bánh lớn cùng đỏ lửa. Mệt nhưng vui! Giờ thì nhiều nhà không còn giữ nghề vì sức khỏe không cho phép”.

Nhìn chung, dù sức mua giảm so với mọi năm nhưng các mặt hàng thờ cúng và sản phẩm truyền thống vẫn còn như một nếp sinh hoạt ngày tết.

Theo báo Long An