Nhìn lại thị trường chứng khoán 6 tháng đầu năm
Thị trường cổ phiếu
Sự hỗ trợ của các yếu tố vĩ mô: Tuy nền kinh tế vẫn còn phải đối mặt với không ít khó khăn nhưng 6 tháng đầu năm 2013, các cán cân vĩ mô đã dần trở nên cân bằng và có tính ổn định cao. Điều này được thể hiện qua nhiều mục tiêu điều hành vĩ mô mà Chính phủ kiên định theo đuổi đã bước đầu mang lại kết quả tích cực như: lạm phát được kiềm chế, mặt bằng lãi suất cho vay giảm xuống từ 11 - 15%, tỷ giá cơ bản ổn định, dự trữ ngoại hối tăng khá. Bên cạnh đó, nhiều chính sách hỗ trợ nền kinh tế được Chính phủ ban hành như: Gói giải pháp hỗ trợ DN, khơi thông thị trường do Bộ Tài chính đề xuất; Chính phủ quyết định thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC); Gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ thị trường bất động sản trị giá 30.000 tỷ đồng chính thức có hiệu lực...
Các chỉ số thị trường có mức tăng trưởng khá: Tất cả những yếu tố trên đã góp phần tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư (NĐT), tạo động lực giúp TTCK khởi sắc trong 6 tháng đầu năm. Khối lượng giao dịch toàn thị trường đã tăng khoảng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước, trong đó riêng khối lượng giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ ước tăng 12%. Tính đến ngày 16/6/2013, chỉ số VN-Index đã đạt mức tăng 216,6% so với đáy ngày 24/2/2009 và tăng 26,8% so với thời điểm 6/1/2012. Chỉ số HNX-Index tăng 35% so với ngày 9/1/2012, ngày lập đáy mới của chỉ số này. Tính từ đầu năm đến nay, mức cao nhất chỉ số VN-Index đạt được là 524,56 điểm, xác lập vào ngày 10/6/2013 (khối lượng giao dịch lên tới hơn 94 triệu cổ phiếu, tương đương gần 1.661 tỷ đồng).
Sự “lên hạng” của thị trường trong mắt các NĐT nước ngoài: Trong 6 tháng đầu năm 2013, dòng vốn ngoại chảy vào TTCK có diễn biến tích cực. Tổng lượng vốn đầu tư gián tiếp ước đạt 160 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều NĐT tổ chức lớn đang xúc tiến các hoạt động để giải ngân vào TTCK Việt Nam. Bởi vậy, triển vọng thu hút thêm dòng vốn ngoại của thị trường còn lớn.
Đặc biệt TTCK Việt Nam đã thu hút được sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Đầu tháng 6/2013, hãng tin Reuters đã công bố dữ liệu về diễn biến của các TTCK châu Á kể từ đầu năm 2013 đến nay. Theo đó, nếu tính theo USD, mức tăng trưởng của TTCK Việt Nam ước đạt 23%, đứng đầu khu vực châu Á. Còn tính theo nội tệ, mức tăng của TTCK Việt Nam đứng thứ 2 chỉ sau Nhật Bản với tỷ lệ ước đạt khoảng 24%. Ngoài ra, theo báo cáo các quỹ đầu tư đại chúng của Edmond De Rothschild, tính từ đầu năm 2013 đến hết ngày 7/6/2013, giá trị tài sản ròng (NAV) các quỹ đầu tư đại chúng trên TTCK Việt Nam đều tăng mạnh, xấp xỉ mức tăng của cả năm 2012. Nhìn chung, đa số các quỹ đầu tư chứng khoán đều đạt mức tăng trưởng xấp xỉ hoặc vượt mức tăng của chỉ số VN-Index trong cùng thời kỳ (26,5%)… Điều đặc biệt là, mức tăng bình quân của các quỹ đầu tư chứng khoán thành lập tại Việt Nam, do công ty quản lý quỹ của Việt Nam quản lý có mức tăng tốt hơn (đạt bình quân 24,6%, tính theo đồng USD) so với mức tăng bình quân của các quỹ đầu tư chứng khoán do công ty quản lý quỹ nước ngoài đầu tư tại đây (đạt 22,1%). Trong đó, dẫn đầu mức tăng NAV là Quỹ HLG Vietnam Fund với tăng trưởng 36,9%, Quỹ Vietnam Azalea đứng thứ hai với mức tăng 33,1%, Quỹ PXP Vietnam Fund đứng thứ ba, đạt 32%...
Dù có mức tăng trưởng khá nhưng thị trường cổ phiếu vẫn tiềm ẩn những rủi ro ngắn hạn. Diễn biến tiêu cực của TTCK thế giới những ngày cuối tháng 6/2013 đã ảnh hưởng gián tiếp đến TTCK Việt Nam qua hoạt động thoái vốn của các Quỹ giao dịch, trao đổi (ETFs). Dòng vốn nội đang có dấu hiệu chững lại do không có thông tin hỗ trợ đủ mạnh trong khi khối ngoại tăng bán chốt lời khiến VN - Index mất ngưỡng 500 điểm và có thời điểm về dưới ngưỡng 470 điểm vào cuối tháng 6. Điều này cho thấy xu hướng tăng trưởng dài hạn có thể đã được thiết lập nhưng về ngắn hạn, TTCK còn đối mặt với không ít khó khăn từ yếu tố vĩ mô trong và ngoài nước.
Thị trường trái phiếu
Trong 6 tháng đầu năm, thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng với quy mô phát hành và giao dịch gần bằng cả năm 2012. Trên thị trường trái phiếu sơ cấp đã diễn ra 117 phiên đấu thầu với tổng tỷ lệ trúng thầu toàn thị trường tăng từ 52% năm 2012 lên gần 69%. Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Kho bạc Nhà nước đã huy động thành công 115.000 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2012. Trên thị trường thứ cấp, giá trị giao dịch TPCP bình quân phiên tăng đáng kể, đạt hơn 1.900 tỷ đồng (gấp hơn 2 lần so với năm 2012). Trong đó, có sự giao dịch tích cực của các NĐT nước ngoài với tổng giá trị giao dịch mua bán 6 tháng đầu năm đạt hơn 100.000 tỷ đồng, xấp xỉ 80% giá trị giao dịch của khối này trong cả năm 2012...
Tuy nhiên, kể từ tháng 6/2013, kỳ vọng lợi nhuận từ kênh TPCP đã bắt đầu giảm khi lãi suất trên thị trường TPCP liên tiếp “hạ nhiệt”. Lợi suất TPCP kỳ hạn 2 và 3 năm đã giảm xuống 6,55 - 6,75%/năm, sát với lạm phát kỳ vọng khoảng hơn 6% cho năm 2013.
Một số dự báo thị trường 6 tháng cuối năm
Dù vẫn tiềm ẩn rủi ro nhưng TTCK được giới đầu tư đặt kỳ vọng khá cao trong nửa cuối năm nay. Những tháng còn lại của năm 2013, TTCK đang có nhiều yếu tố tích cực, cụ thể như sau:
Thứ nhất, là động thái nới "room" cho khối ngoại tại các công ty đại chúng. Đề xuất này đã được Bộ Tài chính đưa ra được lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi hoàn thiện để trình Chính phủ. Nếu được thông qua, đây sẽ là yếu tố khá quan trọng để kích thích dòng tiền vào TTCK, có thể sẽ tiếp tục tạo sự hưng phấn cho các NĐT nước ngoài trên TTCK. Theo hãng Bloomberg, hệ số P/E bình quân trên TTCK Việt Nam hiện là 11 - thấp nhất Đông Nam Á nên giới phân tích quốc tế nhận định TTCK Việt Nam sẽ có sức hút đối với NĐT nước ngoài.
Thứ hai, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Bộ Tài chính đã không ngừng đưa ra các giải pháp lành mạnh hóa thị trường như yêu cầu các tổ chức kiểm toán được chấp thuận nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, soát xét báo cáo tài chính, chỉ tiêu an toàn vốn khả dụng của các tổ chức kinh doanh chứng khoán. Với các trường hợp có dấu hiệu nổi cộm về sức khỏe tài chính, yêu cầu công ty chứng khoán (CTCK), công ty quản lý quỹ, công ty kiểm toán giải trình cụ thể, để có hướng xử lý chính xác, kịp thời.
Cơ quan quản lý cũng quyết liệt rà soát, xử lý các tổ chức kinh doanh chứng khoán không đảm bảo chỉ tiêu an toàn tài chính theo quy định. Theo đó, UBCKNN đã đặt 9 tổ chức kinh doanh chứng khoán vào diện kiểm soát đặc biệt, 5 CTCK vào diện kiểm soát, 4 CTCK bị đình chỉ hoạt động và đang xem xét triển khai các thủ tục để rút giấy phép hoạt động 2-3 tổ chức kinh doanh chứng khoán. Dự kiến tháng 7/2013, tiêu chí cảnh báo sớm áp dụng đối với các CTCK và công ty quản lý quỹ sẽ được ban hành, nhằm tiến thêm một bước trong gia tăng an toàn hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Thứ ba, cùng với việc tiếp tục tái cấu trúc TTCK, từ nay đến cuối năm, UBCKNN sẽ cơ bản hoàn thành hệ thống văn pháp lý đáp ứng nhiệm vụ quản lý thị trường đồng bộ, hiệu quả hơn theo thông lệ quốc tế. Ngoài việc hoàn thiện đề án sáp nhập hai Sở Giao dịch Chứng khoán, UBCKNN sẽ tập trung hoàn tất dự thảo nghị định về TTCK phái sinh để trình Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành. Cơ quan này đồng thời sẽ tập trung thúc đẩy triển khai các sản phẩm mới như: Quỹ đầu tư bất động sản, quỹ ETF, triển khai gói thầu về công nghệ thông tin, nghiên cứu để triển khai đối tác thanh toán bù trừ trung tâm…
Đối với thị trường TPCP, sự hấp dẫn của TPCP dù ít nhiều giảm sút do lãi suất giảm mạnh nhưng trong giai đoạn hiện nay, việc tìm một tài sản đầu tư khác thay thế cho TPCP là rất khó, khi mà ưu tiên của các NHTM vẫn là làm sạch bảng cân đối kế toán và tránh tối đa rủi ro. So với các kênh đầu tư như góp vốn cổ phần, kinh doanh ngoại hối, cho vay trên thị trường liên ngân hàng, TPCP vẫn có sức hấp dẫn hơn hẳn. Việc lãi suất ngân hàng cũng như TPCP giảm mạnh là cơ sở thúc đẩy nhu cầu đầu tư sang trái phiếu DN (TPDN). Lợi suất TPDN hiện vẫn ở mức tương đối cao, khoảng 12 - 14%/năm, với các đợt phát hành có tài sản đảm bảo. Từ đầu năm đến nay, các kế hoạch phát hành trái phiếu lớn vẫn được thực hiện liên tục. Báo cáo thị trường trái phiếu khu vực châu Á tháng 6 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết, quy mô thị trường TPDN Việt Nam hiện đạt 1,1 tỷ USD. Tính đến cuối quý I/2013, dư nợ trái phiếu tiền đồng của 15 DN phát hành lớn nhất chiếm đến 96% tổng thị trường TPDN tiền đồng và tiềm năng của thị trường còn rất lớn.
Những đề xuất, kiến nghị
Để xây dựng TTCK hoàn chỉnh, hiện đại có khả năng hòa nhập với thị trường vốn quốc tế và trở thành kênh huy động vốn dài hạn hiệu quả cho DN và nền kinh tế, quá trình xây dựng và phát triển TTCK Việt Nam trong thời gian tới cần chú ý tập trung vào những giải pháp sau:
Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý cho TTCK hoạt động. Hoàn chỉnh các văn bản quy định về thuế, phí, chế độ kế toán, kiểm toán, chế độ quản lý ngoại hối đối với hoạt động của các NĐT nước ngoài theo hướng thông thoáng nhằm khuyến khích các chủ thể tích cực tham gia thị trường. Đặc biệt, xây dựng đề án TTCK phái sinh và nghị định hướng dẫn tổ chức và hoạt động TTCK phái sinh bám sát yêu cầu thực tiễn vận hành của thị trường. Sớm quyết định sáp nhập hai Sở Giao dịch Chứng khoán, đẩy mạnh triển khai các đề án quản lý vốn gián tiếp, đề án tái cấu trúc thị trường trái phiếu.
Thứ hai, tăng thêm chủng loại, khối lượng và nâng cao chất lượng hàng hóa cung cấp cho TTCK. Triển khai chứng chỉ lưu ký toàn cầu, công tác tái cấu trúc thị trường trái phiếu, đưa các sản phẩm mới về trái phiếu. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các DN phát hành trái phiếu. Đồng thời cần khuyến khích thành lập một số tổ chức xếp hạng tín nhiệm, tốt nhất là liên doanh với nước ngoài để vừa học tập kinh nghiệm quốc tế, vừa kiểm soát được hoạt động của tổ chức này và đảm bảo mức độ tin cậy của các đánh giá, giúp các DN có cơ sở xác định mức lãi suất của trái phiếu.
Thứ ba, củng cố và nâng cao năng lực hoạt động của các CTCK. Tiếp tục đào tạo, đào tạo lại và giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, nhân viên trong các CTCK. Phát triển mạng lưới kinh doanh chứng khoán, đa dạng hóa các hình thức nhận lệnh để đảm bảo cho NĐT ở mọi nơi đều có thể tham gia thị trường một cách thuận lợi với chi phí giao dịch thấp. Từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất kĩ thuật của các CTCK, tiến tới nối mạng trực tiếp giữa CTCK với trung tâm Giao dịch chứng khoán. Triển khai một số loại hình bảo hiểm (bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, bảo hiểm tội phạm máy tính và gian lận điện tử, bảo hiểm trách nhiệm giám đốc và viên chức.....) để đảm bảo sự ổn định trong hoạt động của CTCK và tạo niềm tin cho khách hàng…
Thứ tư, tạo điều kiện và khuyến khích thành lập quỹ đầu tư chứng khoán. Quỹ đầu tư được thành lập không chỉ tạo “cầu nối” để huy động các nguồn vốn tiết kiệm nhỏ lẻ trong công chúng mà còn có vai trò lớn trong việc giúp đỡ những NĐT nhỏ, tạo thói quen đầu tư cho họ. Đặc biệt quỹ đầu tư cũng sẽ góp phần định hướng đầu tư, là tác nhân ổn định thị trường, qua đó nâng cao tính chuyên nghiệp trong đầu tư chứng khoán. Nên khuyến khích quỹ đầu tư theo mô hình công ty cổ phần, vì mô hình này có địa vị pháp lý vững chắc theo luật định nên tạo được sự tin tưởng cao hơn từ phía các NĐT, phát huy được hiệu quả tối ưu trong việc huy động vốn và có nhiều ưu thế trong quản lý điều hành DN. Tới đây, để khuyến khích quỹ đầu tư cần thực hiện một số chính sách khuyến khích sau: i) Việc bán lại số cổ phiếu do Nhà nước nắm giữ trong các công ty cổ phần nên ưu tiên trước hết cho các quỹ đầu tư; ii) Thực hiện miễn thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN trong 3 năm đầu hoạt động.
Thứ năm, tăng cường công tác quản lý, giám sát TTCK. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán có vấn đề về an toàn tài chính, thanh khoản; vi phạm các quy định về giao dịch, bảo vệ tài sản của NĐT. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra để xử lý các CTCK và cá nhân có dấu hiệu vi phạm hình sự. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án tái cấu trúc CTCK theo mục tiêu đảm bảo sự ổn định của TTCK, không gây ra những xáo trộn lớn, đảm bảo quyền lợi của NĐT; đảm bảo quy định của pháp luật.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo thị trường trái phiếu khu vực châu Á tháng 6 của Ngân hàng Phát triển Châu Á;
2. Báo cáo sơ kết thị trường trái phiếu 6 tháng đầu năm 2013 của HNX;
3. Website của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 7 - 2013
Thị trường chứng khoán 6 tháng đầu năm và một số giải pháp phát triển
(Tài chính) Trong 6 tháng đầu năm, bất chấp khó khăn chung của nền kinh tế, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn có những bước phát triển đáng kể, tạo kỳ vọng tăng trưởng trong những tháng cuối năm. Bài viết nhìn lại toàn cảnh thị trường 6 tháng đầu năm, đồng thời đưa ra một số giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện để thị trường tiếp tục phát huy vai trò là kênh huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế.
Xem thêm