Thị trường chứng khoán giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Kết quả lớn nhất mà thị trường chứng khoáng tạo ra trong hơn 15 năm hoạt động chính là việc hình thành một “dòng” doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thành công, phát triển, làm giàu bền vững, hầu như có “nguồn lực vô hạn”.

Thị trường chứng khoán giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

TTCK Việt Nam đi vào hoạt động đã hơn 15 năm (7/2000), trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, chỉ số VN-Index có lúc lên đến trên 1.170 điểm (3/2007) nhưng có lúc lại xuống 235 điểm (2/2009), hiện nay chỉ số VN-Index xoay quanh 600 điểm.

Kênh huy động vốn rất có hiệu quả

Bên cạnh những nhược điểm của TTCK như vấn đề đầu cơ, tin đồn, thời giá… những kết quả mà TTCK đem lại trong thời gian qua đã chứng minh đây là một kênh huy động vốn trung và dài hạn rất có hiệu quả.

Thông qua việc tiến hành cổ phần hóa các DNNN và niêm yết trên TTCK, qua phát hành trái phiếu Chính phủ hằng năm (từ tháng 9/2009), TTCK đang đem về cho ngân sách một khoản vốn rất quan trọng để Chính phủ và DN đầu tư phát triển.

Theo số liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE), với 2 cổ phiếu niêm yết ban đầu, đến nay đã có 307 cổ phiếu, 2 chứng chỉ quỹ đóng, 1 chứng chỉ quỹ ETF, 38 trái phiếu được niêm yết và giao dịch. Giá trị vốn hóa các công ty niêm yết trên HoSE đạt 985.000 tỷ đồng vào cuối năm 2014; chiếm gần 88% giá trị vốn hóa toàn TTCK Việt Nam, và chiếm trên 25% GDP năm 2014. Hơn 1/3 giá trị vốn hóa của các DN có được từ việc huy động vốn qua TTCK.

Đặc biệt, TTCK còn đóng vai trò quan trọng giúp DN Việt Nam chủ động hội nhập thị trường tài chính quốc tế; thúc đẩy hội nhập TTCK quốc gia vào thị trường tài chính toàn cầu bằng cách phát hành các chứng chỉ có giá bằng ngoại tệ và cho lưu hành trên thị trường tài chính quốc tế. Đồng thời thu hút các công ty tài chính nước ngoài vào hoạt động trong TTCK nội địa.

Từ đó, tạo ra một kênh thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư gián tiếp (FII) từ nước ngoài vào nền kinh tế và cũng là kênh giúp các nhà đầu tư trong nước vươn tay ra thị trường tài chính quốc tế để tìm phương án đầu tư hiệu quả hơn (trong đó, kể cả huy động vốn dài hạn từ việc bán cổ phần, phát hành cổ phiếu, trái phiếu hoặc các khoản vay từ nước ngoài…).

DN thành công nhờ áp lực TTCK

Thực tế đã chứng minh trong thời gian qua, những DN tham gia niêm yết trên TTCK, thực hiện công khai, minh bạch thông tin hoạt động, tổ chức kiểm toán định kỳ mặc dù đây là áp lực nhưng đồng thời thúc đẩy DN làm ăn có hiệu quả.

Thông qua kênh TTCK, DN tìm được những nhà đầu tư quốc tế lớn, góp phần giúp DN Việt Nam tăng sức mạnh thông qua tiếp thu kinh nghiệm quản lý, thực hiện quản trị kinh doanh theo chuẩn mực hiện đại và thông lệ quốc tế. Cùng với đó, các DN cũng huy động được số vốn lớn với chi phí thấp cho đầu tư phát triển.

Kết quả lớn nhất mà TTCK tạo ra trong hơn 15 năm hoạt động chính là việc hình thành một “dòng” DN sản xuất kinh doanh thành công, phát triển, làm giàu bền vững, hầu như có “nguồn lực vô hạn”. Từ những đồng vốn ít ỏi ban đầu, đến nay nhiều công ty số vốn đã lên đến hàng trăm triệu USD.

Trong số rất nhiều công ty thành công có thể kể ra một số điển hình: Công ty Cổ phần Sữa Vinamilk; FPT; Công ty Cổ phần Kinh Đô; Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang; PNJ; Công ty chứng khoán SSI; Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức; Công ty Cổ phần Thiết bị Y tế Việt Nhật; Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong; Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen...

Trong quá trình phát triển, những công ty này luôn tăng vốn để thay đổi máy móc thiết bị, cập nhật công nghệ tiên tiến nhất, tăng vốn để mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh… Họ đã làm bằng cách nào? Vì sao họ thành công? Vì sao họ có bước phát triển bền vững?

Kinh nghiệm thành công của các công ty kể trên có thể kể ra mấy điểm chính sau: Xây dựng chiến lược kinh doanh đúng đắn; tập trung vào ngành cốt lõi; sử dụng vốn (không tập trung vốn vay ngân hàng, đa dạng hóa mọi nguồn vốn) và quan trọng là phải thực hiện quản trị DN theo chuẩn mực hiện đại và thông lệ quốc tế; công khai và minh bạch thông tin, hướng đến báo cáo phát triển bền vững để tạo lợi thế cạnh tranh cho DN, cũng như sự thuyết phục với nhà đầu tư khi hội nhập với thị trường quốc tế.

Tóm lại, các DN đã và đang khai thác và biết khai thác nguồn vốn tiềm năng (nhanh, rẻ, đủ và dài hạn) trên TTCK, họ sẽ trở thành những đơn vị kinh doanh chủ động, vừa quảng bá được thương hiệu qua các nguyên tắc công khai, minh bạch của TTCK, vừa không bị lệ thuộc vào vốn vay ngân hàng.

Các DN này có thể tìm được bạn hàng có những nguồn vốn nhàn rỗi và có thể liên doanh trao đổi theo vòng quay riêng thích hợp mà không cần trả lãi, tạo thêm những nguồn vốn rẻ phục vụ sản xuất kinh doanh. Như vậy, nếu DN kinh doanh, sản xuất mà gắn được với TTCK sẽ giúp DN chủ động được nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh, làm giàu bền vững.