Thị trường chứng khoán phái sinh đã đủ các điều kiện để vận hành
Chứng khoán phái sinh đã trở thành một công cụ phổ biến và đóng vai trò quan trọng trong thị trường tài chính thế giới. Thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam được dự kiến vận hành chính thức vào tháng 5/2017.
Sự ra đời của thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS) được cho là sẽ mở ra một cánh cửa mới cho thị trường chứng khoán với hàng loạt các sản phẩm và công cụ đầu tư mới, hấp dẫn phức tạp và đa dạng. Thị trường này cho phép phòng ngừa rủi ro nhưng cũng tạo ra những cơ hội đầu tư sinh lợi cao, hỗ trợ thu hút vốn đầu tư nước ngoài và tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế.
Đến nay, khung khổ pháp lý cho TTCKPS Việt Nam về cơ bản đã được ban hành đầy đủ, bảo đảm các yêu cầu, mục tiêu xây dựng TTCKPS. Luật Chứng khoán 2010 đã có những khái niệm ban đầu về CKPS. Tiếp đó, tại Quyết định số 366/QĐ-TTg ngày 11/03/2014, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án “Xây dựng và phát triển TTCKPS tại Việt Nam”. Theo đó, lộ trình xây dựng và phát triển TTCKPS tại Việt Nam đã được nêu rõ:
Giai đoạn 2013-2015: Xây dựng khung pháp lý, hoàn thiện cơ sở vật chất, công nghệ, bao gồm: Hệ thống giao dịch, thanh toán bù trừ chứng khoán phái sinh, hệ thống giám sát và công bố thông tin tại các Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm lưu ký chứng khoán và thành viên thị trường, bảo đảm phù hợp với các sản phẩm phái sinh cơ bản và chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để đưa vào hoạt động;
Giai đoạn 2016-2020: Tổ chức vận hành TTCKPS. Trước mắt là các sản phẩm phái sinh dựa trên chỉ số chứng khoán, trái phiếu chính phủ và cổ phiếu;
Giai đoạn sau 2020: Hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của TTCKPS, từng bước đa dạng hóa các sản phẩm giao dịch. Mở rộng đối tượng thành viên tham gia thị trường, cải tiến hạ tầng công nghệ, nâng cao chất lượng cơ sở nhà đầu tư, tiến tới xây dựng một TTCKPS thống nhất dựa trên các tài sản cơ sở theo thông lệ quốc tế, hoạt động công khai, minh bạch, hiệu quả, góp phần vào sự phát triển của thị trường tài chính.
Ngày 5/5/2015, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 42/2015/NĐ-CP quy định về CKPS và thị trường phái sinh nhằm cụ thể hóa chủ trương và định hướng phát triển thành hành động, đồng thời, tạo khung pháp lý cơ bản cho việc tổ chức thị trường phái sinh tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 11/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 hướng dẫn một số điều của Nghị định 42/2015/NĐ-CP về CKPS và TTCKPS và Thông tư 23/2017/TT-BTC ngày 16/3/2017 sửa đổi một số điều của Thông tư 11/2016/TT-BTC tháo gỡ một số vướng mắc trong quá trình chuẩn bị triển khai TTCKPS.
Với định hướng, mục tiêu phát triển các sản phẩm phái sinh tại Đề án phát triển TTCKPS và trong bối cảnh thực tế TTCK Việt Nam, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam đã ban hành các quy chế, quy trình nghiệp vụ về giao dịch và thanh toán bù trừ trên TTCKPS. Đồng thời, hệ thống giao dịch và thanh toán phục vụ cho TTCKPS (hệ thống đối tác bù trừ trung tâm, hệ thống vay và cho vay chứng khoán) cũng đã cơ bản được xây dựng và hoàn tất, đã thực hiện kiểm thử nhiều lần.
Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội đã hoàn tất việc thiết kế các sản phẩm CKPS để giao dịch lần đầu trên TTCKPS. Các sản phẩm CKPS ban đầu để lựa chọn đưa vào giao dịch trong giai đoạn đầu trên TTCKPS tại Việt Nam bao gồm hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu và hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ. Cụ thể, các sản phẩm gồm:
- Hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu HNX30 có tài sản cơ sở là chỉ số HNX30 của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) bao gồm 30 cổ phiếu có vốn hóa thị trường lớn nhất trên HNX.
- Hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu VN30 có tài sản cơ sở là chỉ số VN30 của Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE). Chỉ số cũng bao gồm 30 cổ phiếu có vốn hóa thị trường cao nhất trên HoSE, có tính đại diện thị trường.
- Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ 5 năm có tài sản cơ sở là trái phiếu giả định với một số đặc trưng cơ bản của trái phiếu chính phủ kỳ hạn 05 năm, mệnh giá 100.000 đồng, lãi suất cuống phiếu 5%/năm, trả lãi định kỳ cuối kỳ 12 tháng/lần, trả gốc một lần khi đáo hạn.
Các công ty chứng khoán lớn, ngân hàng thương mại, các nhà đầu tư đang tỏ rõ sự quan tâm đặc biệt đến TTCKPS Việt Nam. Việc triển khai và phát triển TTCKPS tại Việt Nam được các nhà quản lý, các chuyên gia nhận định là đã hội tụ được các điều kiện cần và đủ.
Theo dự kiến của các cơ quan chức năng, TTCKPS sẽ chính thức đi vào vận hành từ tháng 5/2017.