Thị trường chứng khoán và hiệu ứng tháng Giêng

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn/bsc.com.vn

(Tài chính) Hiệu ứng tháng Giêng là hiện tượng giá cổ phiếu - đặc biệt là các cổ phiếu vốn hóa nhỏ - thể hiện xu hướng tăng lên trong vài ngày giao dịch cuối cùng trong tháng 12 và sau đó tiếp tục tăng trong tuần đầu tiên của tháng 1.

 Thị trường chứng khoán và hiệu ứng tháng Giêng
Dữ liệu lịch sử giai đoạn 1904 - 1974 chỉ ra rằng, lợi nhuận trung bình trong tháng Giêng lớn hơn gấp năm lần so với các tháng dương lịch khác trong năm, đặc biệt là tại các cổ phiếu có vốn hóa nhỏ. Nguồn: internet

Một số giả thuyết đã được đưa ra để giải thích tại sao Hiệu ứng tháng Giêng xảy ra. Một trong số đó cho rằng, các nhà quản lý quỹ đôi khi mở vị thế mua vào cuối tháng 12 để mua những cổ phiếu đã tăng đáng kể trong năm - một thủ thuật, còn gọi là “window dressing”. Danh mục đầu tư của bất kỳ quỹ nào đều được liệt kê trong báo cáo cuối năm cho các cổ đông và rõ ràng là danh mục sẽ trông có vẻ tốt hơn, khi có thêm một vài cổ phiếu tăng giá. Lực cầu từ những nhà đầu tư tổ chức có thể sẽ khiến cổ phiếu đó tăng giá.

Hơn nữa, khi thời điểm cuối năm đến gần, nhiều nhà đầu tư muốn xóa bỏ các cổ phiếu có hiệu suất kém ra khỏi danh mục để có được một sự khởi đầu mới cho năm mới. Tuy nhiên, giao dịch cuối năm chủ yếu bị ảnh hưởng nhiều bởi những cân nhắc về thuế, nhiều người sẽ bán những cổ phiếu lỗ của họ để ghi nhận lỗ để có thể làm giảm lợi nhuận thực tế thu được. Ngay khi năm mới bắt đầu, số tiền thu được từ hoạt động bán những cổ phiếu trên thường được tái đầu tư trở lại thị trường, qua đó đẩy giá cổ phiếu cao hơn.

Một lời giải thích nữa được xuất phát từ tâm lý nhà đầu tư. Đối với nhiều người, đầu tháng Giêng đơn giản là một thời gian phổ biến để đầu tư với mong muốn kiếm được lợi nhuận trong năm mới từ những khoản tiền thưởng cuối năm. Dù vì lý do gì đi chăng nữa, giá cổ phiếu thường có xu hướng cao hơn vào đầu tháng Giêng.

Nhiều nghiên cứu đã khẳng định sự tồn tại của hiệu ứng tháng Giêng; dữ liệu lịch sử giai đoạn 1904 - 1974 chỉ ra rằng, lợi nhuận trung bình trong tháng Giêng lớn hơn gấp năm lần so với các tháng dương lịch khác trong năm, đặc biệt là tại các cổ phiếu có vốn hóa nhỏ.

Một nghiên cứu khác được tiến hành bởi Salomon Smith Barney phát hiện ra rằng, giai đoạn 1979 - 2002, nhóm cổ phiếu nhỏ (small caps) vượt trội so với cổ phiếu lớn (large caps) khoảng 0,82% trong tháng Giêng, nhưng chúng lại tụt lại trong phần còn lại của năm.

Một cách dễ thấy, có vẻ như hiệu ứng tháng Giêng sẽ là một cơ hội dễ dàng cho các nhà đầu tư để thu được lợi nhuận. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, điều đó đã trở nên khó khăn hơn vì hiệu ứng đó ngày càng trở nên ít rõ rệt hơn. Có nhiều lý do để giải thích cho việc này. Đơn giản như, nhà đầu tư để dành tài sản của họ trong các tài khoản được hưởng lợi về thuế, do đó, giảm nhu cầu việc bán ra để giảm thiểu chi phí thuế. Hoặc là, với việc rất nhiều người dự đoán giá cổ phiếu sẽ tăng vào đầu tháng Giêng, hiệu ứng này có thể phản ánh vào giá sớm hơn.