Thị trường chứng khoán vẫn là kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế

PV. (T/h)

Phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng ngày 02/6/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tin tưởng, thị trường chứng khoán vẫn là kênh huy động vốn trung, dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: QH
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: QH

Phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, trong năm 2021, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự điều hành Chính phủ và nội lực của Nhân dân đã thu được nhiều thắng lợi.

Theo đó, GDP tăng 2,58%, thu ngân sách vượt 16,8 %, CPI 1,84 % và nợ công, bội chi ngân sách 3,41%. Việt Nam đã chuẩn bị đầy đủ kinh phí, nguồn lực để mua vắc xin chống dịch thành công và tháo gỡ những khó khăn. Bộ trưởng cho rằng đây là những kết quả hết sức to lớn trong năm vừa qua.

Giải trình ý kiến đại biểu cho rằng thu ngân sách nhiều từ đất và dầu thô, Bộ trưởng cho biết, thu từ đất chiếm 11% tổng thu ngân sách, thu từ dầu thô chiếm 2,9%, như vậy là hai nguồn thu này chỉ chiếm 14% tổng thu ngân sách hiện nay. Bộ trưởng cho rằng, điều này thể hiện năng lực về sản xuất kinh doanh của Việt Nam vẫn tốt.

Đối với vấn đề thu thuế chuyển nhượng bất động sản, Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính đã có hai văn bản chỉ đạo cơ quan thuế phải siết chặt vấn đề thu thuế để đúng với giá trị mua bán. Bộ Tài chính cũng có công điện nghiêm cấm cán bộ thuế nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân. Nếu có tình trạng cơ quan thuế nhũng nhiễu, trục lợi... thì sẽ xử lý nghiêm. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, làm tốt công tác “tiền phòng, hậu kiểm” sẽ không để các vụ án hình sự xảy ra. Bộ Tài chính cũng sẽ đề nghị các địa phương xây dựng hệ số điều chỉnh, xây dựng dữ liệu về mua bán bất động sản để minh bạch hơn trong quá trình thu thuế bất động sản.

Về quản lý thị trường chứng khoán, thời gian qua, thị trường chứng khoán đã trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế và vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới. Riêng về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã liên tục có các văn bản cảnh báo cũng như yêu cầu kiểm tra, giám sát hoạt động của thị trường.

Tin tưởng thị trường chứng khoán vẫn là một kênh huy động vốn trung, dài hạn hiệu quả, Bộ trưởng thông tin, Bộ Tài chính đang trình với Chính phủ sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP để thực hiện một cách minh bạch hơn, tốt hơn và bịt một số lỗ hổng trong thị trường chứng khoán. Đặc biệt, sẽ kiến nghị với Quốc hội sửa Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp...

Liên quan đến ý kiến của đại biểu Quốc hội về vấn đề quản lý giá, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, nhiệm vụ cấp bách hiện nay là phải chống được lạm phát. Bởi hiện nay, đất nước đang hội nhập kinh tế quốc tế nên giá nguyên liệu sản xuất trong nước chịu tác động từ giá thế giới như: thép, phôi thép, xăng dầu... Do đó, chống lạm phát là một vấn đề rất quan trọng.

Cùng với đó là tăng năng lực sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, tái cơ cấu và tăng cường sản xuất kinh doanh trong nước. Từ đó, tạo ra sản phẩm và nâng cao mức thu nhập của người dân và doanh nghiệp, góp phần kiểm soát lạm phát...