Thị trường chứng khoán Việt Nam có triển vọng tốt nhất khu vực Đông Nam Á
Ông Kojima Kazunobu - Cố vấn trưởng của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đánh giá cao những nỗ lực cải cách thể chế, hoàn thiện pháp lý đối với thị trường chứng khoán (TTCK) của cơ quan quản lý Việt Nam để thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Nếu các điều kiện được đáp ứng, các nhà đầu tư Nhật Bản có thể đầu tư vào các cổ phiếu hấp dẫn, mới niêm yết ngay từ giai đoạn IPO, làm gia tăng đáng kể cơ hội đầu tư của họ vào TTCK Việt Nam.
Phóng viên: Ông nhận định như thế nào về mức độ quan tâm của nhà đầu tư Nhật Bản tới TTCK Việt Nam?
Ông Kojima Kazunobu: Các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Nhật Bản, đang dành rất nhiều sự quan tâm cho TTCK Việt Nam, đánh giá Việt Nam là thị trường có triển vọng tốt nhất khu vực Đông Nam Á.
Cũng như các nhà đầu tư nước ngoài khác, nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm đến câu chuyện TTCK Việt Nam là có dễ đầu tư không? Có thể đạt được những bước tiến lớn trong tương lai không?
Về thể chế, Chính phủ Việt Nam, trong đó có Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 68/2024/TT-BTC bỏ điều kiện nhà đầu tư nước ngoài phải ký quỹ đủ 100% trước khi giao dịch. Đây là một quyết định được các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đánh giá cao trong cải cách hành lang pháp lý, giúp gỡ bỏ được rào cản đối với họ khi muốn tham gia đầu tư tại TTCK Việt Nam.
Phóng viên: Để thu hút hơn nữa nguồn vốn ngoại, TTCK Việt Nam cần phải cải thiện thêm những gì, thưa ông?
Ông Kojima Kazunobu: Nếu các công ty lớn và các công ty mới nổi có sức hút đầu tư tiến hành huy động vốn qua IPO và niêm yết thì một lượng lớn vốn nước ngoài sẽ chảy vào. Nhưng trong những năm gần đây, lượng công ty thực hiện chào bán chứng khoán lần đầu tiên ra công chúng (IPO) và niêm yết mới trên TTCK Việt Nam vẫn rất hạn chế.
Cơ hội tốt nhất để hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào TTCK tại Việt Nam là gia tăng số lượng các công ty niêm yết mới (IPO), để đa dạng hóa và làm mới sản phẩm chứng khoán. Tuy nhiên, quy trình IPO qua đấu giá hiện nay khiến nhà đầu tư nước ngoài khó tham gia. Về vấn đề này, hy vọng một phương thức IPO mới, tương thích với các chuẩn mực quốc tế như bảo lãnh phát hành/dựng sổ sẽ sớm được thiết lập.
Tóm lại, nếu xét về ngắn hạn thì trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã có nhiều cải thiện về mặt pháp lý để giúp cho TTCK phát triển hơn. Tuy nhiên, nếu nhìn về trung và dài hạn, tôi thấy, Việt Nam cần phải nỗ lực hơn trong việc phát triển thị trường cả về chất và lượng, để trở thành một thị trường tiềm năng, có tính hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Thông qua nhiều dự án hợp tác kỹ thuật và tài chính, tôi tin rằng, JICA có thể tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hơn. Nhật Bản cũng sẽ hỗ trợ UBCKNN, các sở giao dịch chứng khoán và các bên liên quan thông qua hợp tác kỹ thuật để thúc đẩy hơn nữa tính công bằng và minh bạch, cũng như hiệu quả của TTCK Việt Nam. Từ đó, góp phần thúc đẩy Việt Nam sớm hoàn thành Chiến lược phát triển TTCK Việt nam đến năm 2030, với mục tiêu trước mắt là nâng hạng TTCK, thúc đẩy sự phát triển mang tính bền vững.
Phóng viên: Theo quan điểm cá nhân, ông dự đoán khi nào TTCK Việt Nam sẽ được nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi?
Ông Kojima Kazunobu: Về vấn đề này, tôi biết rằng các cấp quản lý của Việt Nam đang tích cực thực hiện các biện pháp như bãi bỏ quy định nhà đầu tư nước ngoài phải có đủ tiền khi đặt lệnh nhằm hướng đến mục tiêu nâng hạng vào năm 2025. Đồng thời, Việt Nam đang tham gia đối thoại với các tổ chức xếp hạng thị trường là MSCI và FTSE Russell, cũng như vận động tại Singapore và Nhật Bản.
Do đó, tôi hy vọng rằng các cấp quản lý của Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp giải quyết những vấn đề đã đặt ra thông qua đối thoại với MSCI và FTSE Russell, từ đó, hiện thực hóa mục tiêu nâng hạng TTCK của Chính phủ vào năm 2025.
Phóng viên: Vậy, kỳ vọng lớn nhất đối với Dự án hợp tác giữa UBCKNN và JICA là gì?
Ông Kojima Kazunobu: Trước đây, trong giai đoạn 2019-2023, UBCKNN và JICA đã ký kết hợp tác trong Dự án “Nâng cao năng lực về tính cải thiện tính công bằng và minh bạch của thị trường cổ phiếu Việt Nam”. Hiện, Dự án tiếp theo là “Nâng cao năng lực về thúc đẩy hiệu quả TTCK Việt Nam” được nối tiếp từ tháng 4/2024 đến tháng 3/2027. Chúng tôi kỳ vọng, các dự án hợp tác này có thể góp phần nâng cấp thị trường Việt Nam lên vị thế "thị trường mới nổi" và hội nhập sâu hơn vào thị trường vốn quốc tế.
Nhìn về năm 2030, tôi nghĩ sẽ là một thành tựu to lớn nếu chúng ta có thể thúc đẩy "tăng cường thị trường sơ cấp theo các tiêu chuẩn thị trường vốn cổ phần quốc tế" và "sử dụng các tổ chức tự quản hiệu quả" như khuyến nghị trong dự án trước.
Phóng viên: Ông có thể chia sẻ thêm, dự án “Nâng cao năng lực về thúc đẩy hiệu quả TTCK Việt Nam” sẽ tập trung vào những khía cạnh nào của thị trường?
Ông Kojima Kazunobu: Dự án này có 03 mảng hoạt động chính. Đầu tiên là “tăng cường năng lực giám sát thị trường” nhằm giúp các cơ quan chứng khoán và sở giao dịch tăng cường phát hiện, quản lý và ngăn ngừa các giao dịch không công bằng.
Thứ hai là “cải thiện và phát triển chất lượng các định chế trung gian thị trường”. Các định chế trung gian thị trường bao gồm các công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ.
Cuối cùng là “cải thiện năng lực quản lý chào bán ra công chúng và niêm yết”, bao gồm chào bán ra công chúng bằng các phương thức theo chuẩn quốc tế (bảo lãnh phát hành/dựng sổ), tăng cường tiêu chuẩn niêm yết và hoạt động kiểm tra, tăng cường công bố thông tin, bao gồm cả thông tin phi tài chính của các công ty đã niêm yết...
Nếu làm được điều này, các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có cả nhà đầu tư Nhật Bản, sẽ có thể đầu tư vào các cổ phiếu hấp dẫn, mới niêm yết ngay từ giai đoạn IPO, dự kiến sẽ làm tăng đáng kể cơ hội đầu tư của họ vào cổ phiếu Việt Nam.
Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn ông!