Thị trường chứng khoán Việt Nam hai tháng đầu năm 2014: Thăng hoa trong kỳ vọng

La Hường, Thu Hương

(Tài chính) Trong không khí phấn khởi và tràn đầy hy vọng về một năm “Mã đáo thành công”, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã làm nức lòng giới đầu tư khi giao dịch thăng hoa với chuỗi ngày dài tăng điểm ấn tượng và cả sự bùng nổ về thanh khoản trong hai tháng đầu năm.

Thị trường chứng khoán Việt Nam hai tháng đầu năm 2014: Thăng hoa trong kỳ vọng
TTCK Việt Nam đã bùng nổ về thanh khoản trong hai tháng đầu năm. Nguồn: internet

Trong đó, con số 408 triệu chứng khoán được chuyển nhượng tương ứng với giá trị giao dịch (GTGD) đạt 5.480 tỷ đồng trên cả hai Sở Giao dịch Chứng khoán đạt được vào ngày 20/02/2014 đã chính thức xác lập kỷ lục mới về khối lượng giao dịch (KLGD) trong ngày của TTCK Việt Nam trong lịch sử 13 năm hoạt động. Dẫu biết vẫn còn quá sớm nhưng đây đó đã có những đồn đoán và kỳ vọng về một thời kỳ hoàng kim đang trở lại của TTCK Việt Nam. 

Thanh khoản bùng nổ - Bứt phá điểm số

So với những năm trước, TTCK Việt Nam bước vào năm mới 2014 với khí thế phấn chấn và lạc quan hơn với hàng loạt những thông tin tích cực từ kinh tế vĩ mô: kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, dự trữ ngoại hối gia tăng… Đặc biệt, thông điệp đầu năm của Chính phủ đã cho thấy những đổi mới quan trọng trong tư duy điều hành nền kinh tế, thể hiện quyết tâm đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó, vai trò của TTCK được định vị rõ hơn. Kết quả là, niềm tin của nhà đầu tư dường như đang trở lại khi kinh tế vĩ mô có nhiều dấu hiệu lạc quan và triển vọng của TTCK ngày càng có nhiều mảng sáng.

Trong bối cảnh đó, kỳ vọng về một chu kỳ tăng trưởng mới của nhà đầu tư vào TTCK ngày càng hiện hữu, thể hiện rõ qua những con số “biết nói” về mức tăng của các chỉ số chứng khoán và thanh khoản thị trường. Trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, chỉ số VN Index đã có 15/18 phiên tăng điểm liên tục trong tháng 1 và chỉ điều chỉnh duy nhất ba phiên (21, 24 và 27/1) trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Đà tăng điểm của VN Index vẫn được duy trì trong tháng 2 với tổng cộng 10/17 phiên tăng điểm.

Theo đó, chỉ trong hai tháng đầu năm, chỉ số VN Index trên Sở Giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh đã lần lượt phá vỡ các ngưỡng kháng cự mạnh để bứt phá ngoạn mục với mức tăng điểm ấn tượng tới 81,85 điểm (16,21%), từ mức 504,63 điểm tại phiên 31/12/2013 lên 586,48 điểm tại phiên 28/2/2014. Thậm chí có thời điểm chỉ số VN Index đã tiệm cận mốc 600 điểm - con số được nhiều nhà phân tích dự đoán sẽ là đỉnh của cả năm 2014. Còn trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, tâm trạng hồ hởi của các nhà đầu tư cũng không kém phần sôi động khi HNX Index có 14/18 phiên tăng điểm trong tháng 1 và 12/17 phiên tăng điểm trong tháng 2.

Tính chung trong cả hai tháng, chỉ số HNX Index đã tăng tổng cộng 15,28 điểm (22,52%) từ mức 67,84 điểm tại phiên giao dịch cuối cùng của năm 2013 lên mức 83,12 điểm trong phiên giao dịch cuối tháng 2/2014. Đây cũng là mức điểm cao nhất mà HNX Index đạt được trong vòng 21 tháng qua. Rõ ràng, nhìn lại diễn biến của các chỉ số chứng khoán trong hai tháng đầu của những năm trước, thì mức tăng mạnh mẽ về điểm số của VN Index và HNX Index trong hai tháng đầu năm nay đã tạo nên một điểm nhấn quan trọng, khởi đầu cho một chu kỳ tăng trưởng mới của TTCK, đồng thời củng cố thêm niềm tin của giới đầu tư vào triển vọng tươi sáng của thị trường.

Đặc biệt, thanh khoản thị trường là câu chuyện dành được sự quan tâm nhiều nhất của nhà đầu tư trong những ngày gần đây. Nếu như trong năm 2013, tổng KLGD bình quân trên cả hai Sở Giao dịch chứng khoán chỉ xấp xỉ 100 triệu chứng khoán/phiên tương ứng với tổng GTGD bình quân khoảng 1.300 tỷ đồng/phiên thì chỉ trong hai tháng đầu năm 2014, GTGD đã tăng gấp hơn 2 lần so với GTGD bình quân của cả năm 2013.

Cụ thể, trong tháng 1/2014, KLGD bình quân trên cả hai Sở Giao dịch chứng khoán là 164,7 triệu chứng khoán/phiên tương ứng với GTGD bình quân đạt 2.751 tỷ đồng/phiên. Thậm chí sang tháng 2, KLGD bình quân trên cả hai Sở Giao dịch chứng khoán đã tăng vọt lên 239 triệu chứng khoán/phiên tương ứng với GTGD bình quân lên tới 3.316 tỷ đồng/phiên. Đặc biệt, sau 5 phiên có GTGD đạt trên 3.000 tỷ đồng liên tiếp trước đó, thị trường đã trải qua một phiên 20/2 đỏ lửa và hứng chịu áp lực bán khổng lồ khiến quy mô dòng tiền đạt mức cao nhất kể từ tháng 5/2010 với GTGD đạt gần 5.500 tỷ đồng và chính thức xác lập kỷ lục mới về KLGD kể từ khi thị trường đi vào hoạt động.

Trong phiên này, thanh khoản cao của thị trường đã tạo mốc son mới cho TTCK Việt Nam khi có một dòng tiền lớn đổ vào chứng khoán đẩy lực cầu dâng cao và liên tục hấp thụ hết lượng cung cổ phiếu lớn với các lệnh bán chốt lời dồn dập được đưa vào thị trường. Sự hào hứng của cả người bán lẫn người mua đã tạo ra không khí sôi động trên khắp các sàn giao dịch, khiến không ít nhà đầu tư liên tưởng đến khí thế giao dịch hừng hừng trong thời hoàng kim của TTCK Việt Nam năm 2007. Khép lại phiên 20/2, cho dù chỉ số VN Index để mất màu xanh khi lùi nhẹ 0,47 điểm trong sắc đỏ, nhưng bù lại, TTCK Việt Nam đã chính thức xác lập kỷ lục về tổng KLGD đạt hơn 400 triệu chứng khoán (gấp 4 lần KLGD bình quân năm 2013) tương ứng với tổng GTGD lên tới 5.480 tỷ đồng.

Giải thích cho phiên giao dịch kỷ lục này, giới phân tích cho rằng, nguyên nhân lớn nhất là do hiện tượng chốt lời diễn ra đồng loạt, trong đó có việc hạ tỷ trọng đòn bẩy tài chính xuống mức an toàn. Hoạt động này diễn ra quá nhanh và mạnh đã tạo tâm lý tranh bán vì đa số nhà đầu tư muốn bảo toàn lợi nhuận tối đa.

Tuy nhiên, giữa cơn lốc bán ra từ nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đã tung gần 35,9 tỷ đồng mua vào trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và 347,3 tỷ đồng mua vào trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh. Quy mô mua ròng của nhà ĐTNN trên cả hai Sở Giao dịch chứng khoán trong phiên này tăng lên đến 187,3 tỷ đồng, cao nhất trong 15 phiên. Điểm đáng chú ý tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội trong giai đoạn này là cổ phiếu PVX một lần nữa nổi lên như một hiện tượng lạ, thu hút dòng tiền tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Chỉ trong một tuần từ phiên 10/2 đến 14/2, cổ phiếu PVX đã có tới hai phiên có lượng giao dịch tăng kỷ lục trên 20 triệu chứng khoán/phiên. Đặc biệt, trong phiên 14/2, lượng mua của nhà ĐTNN đối với cổ phiếu PVX tăng đột ngột gần 1 triệu chứng khoán càng gây thêm sự chú ý của thị trường.

Nhận diện 4 động lực giúp thị trường tăng trưởng

Trước diễn biến tích cực của TTCK Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2014, nhiều nhận định cho rằng thị trường sẽ tiếp tục xu hướng tăng điểm trong năm 2014. Cơ sở cho nhận định này tập trung vào 4 nhóm yếu tố hỗ trợ cơ bản, bao gồm: i) Nền tảng vĩ mô ổn định; ii) Kỳ vọng chính sách; iii) Ngóng chờ kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2013; iv) Ảnh hưởng từ dòng vốn ngoại.

Có thể nói TTCK Việt Nam trong giai đoạn hiện nay đang nhận được sự hậu thuẫn lớn bởi nền tảng vĩ mô khá ổn định. Đó là kinh tế vĩ mô đang trên đà hồi phục, lãi suất ngân hàng giảm mạnh, tỷ giá ổn định, nợ xấu ngân hàng đang từng bước được tháo gỡ, thị trường bất động sản đang có nhiều dấu hiệu ấm dần lên. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong thời gian qua luôn duy trì được đà tăng thấp. Cụ thể, CPI tháng 1 và 2 lần lượt tăng 0,69% và 0,55% so với tháng trước và là mức tăng thấp so với cùng kỳ của một số năm trước. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) đã duy trì trên mức điểm 50 trong suốt hơn 5 tháng qua và ngày càng được cải thiện.

Theo báo cáo của Ngân hàng HSBC, chỉ số PMI tháng 1/2014 tăng mạnh nhất trong 33 tháng trở lại đây và đạt mức 52,1 điểm. Kết quả này cho thấy các điều kiện kinh doanh của lĩnh vực sản xuất đã được cải thiện trong thời gian qua. Ngoài ra, dấu hiệu phục hồi kinh tế tiếp tục được ghi nhận trong tháng 2/2014, đặc biệt là dữ liệu về xuất nhập khẩu khả quan. Năm 2013, xuất khẩu là một trong những động lực chính tạo nên mức tăng trưởng kinh tế 5,42%. Năm nay, các chuyên gia dự báo xu hướng này sẽ vẫn được tiếp tục.

Bên cạnh đó, kỳ vọng về chính sách của Chính phủ và cơ quan quản lý cũng đã giúp tâm lý nhà đầu tư lạc quan hơn vào triển vọng thị trường. Ngay từ đầu năm, niềm tin của nhà đầu tư đã được thổi bừng lên nhờ thông điệp quyết liệt tái cấu trúc nền kinh tế của Chính phủ, trong đó có quyết tâm đẩy mạnh cổ phần hóa hơn 400 doanh nghiệp nhà nước lớn, các tập đoàn, tổng công ty trong hai năm 2014 - 2015. Cùng với đó là đẩy mạnh thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán bớt phần vốn nhà nước ở một số ngành nghề mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối.

Đặc biệt, Việt Nam là một trong 12 nước đang trong quá trình đàm phán ký kết Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng mang lại nhiều kỳ vọng cho nhà đầu tư, đặc biệt là kỳ vọng cải thiện về xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế khi Hiệp định TTP được ký kết. Ngoài ra, việc Chính phủ tiếp tục kiên định thực hiện các chính sách hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu trong năm 2014 cũng sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn và hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, thông điệp của người đứng đầu ngành Ngân hàng về việc lãi suất có khả năng sẽ giảm tiếp trong năm 2014 và tỷ giá tiếp tục được duy trì ổn định và điều chỉnh không quá 2% cũng góp phần làm gia tăng niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng nền kinh tế.

Mặt khác, hai tháng đầu năm 2014 cũng là thời điểm một số doanh nghiệp niêm yết đã bắt đầu công bố kết quả kinh doanh trong quý IV và cả năm 2013. Những tín hiệu về sự hồi phục của nền kinh tế vĩ mô cuối năm 2014 đã mang lại nhiều kỳ vọng của nhà đầu tư về kết quả kinh doanh khả quan của doanh nghiệp niêm yết. Trong những năm qua, nhóm ngành y dược và sản xuất hàng tiêu dùng đã trụ vững và trở thành một trong những động lực nâng đỡ thị trường. Nhờ vào hiệu quả kinh doanh và tình hình tài chính mà những nhóm ngành này được giới đầu tư, đặc biệt là nhà ĐTNN dành nhiều quan tâm.

Đặc biệt, các mã cổ phiếu ngành dầu khí vẫn được xem là yếu tố dẫn dắt thị trường, giúp đà tăng của thị trường được duy trì liên tục trong tháng. Các mã blue-chips có vốn hóa lớn như VNM, MSN, GAS, DPM… cũng là những mã nhận được sự hỗ trợ rất tích cực từ nhà ĐTNN kéo theo sự quan tâm của các nhà đầu tư trong nước khiến cho thị trường tăng điểm nhanh chóng và vượt qua nhiều mốc kháng cự quan trọng trong hai tháng qua. Chỉ trong hai tháng, nhiều cổ phiếu như PVD, REE, SSI, HPG, GAS, HSG… đã có mức tăng cao từ 30% - 50% mang lại lợi nhuận không nhỏ cho nhà đầu tư. Việc các blue-chips “chạy” nhanh gấp 2-3 lần thị trường, tự nó tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt với các dòng tiền nóng. Nhiều cổ phiếu nhỏ cũng theo đà tăng giá, đẩy thị trường lên mặt bằng giá mới.

Cùng với sự tham gia giải ngân tích cực của các nhà đầu tư trong nước, một thực tế không thể phủ nhận đó là vai trò quan trọng của nhà ĐTNN đối với sự khởi sắc mạnh mẽ của TTCK Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2014. Thống kê cho thấy, trong tháng 1, nhà ĐTNN đã hối hả gom hàng khi mua vào liên tục tới 17/18 phiên giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh với tổng khối lượng mua ròng đạt 64,45 triệu chứng khoán, tương ứng với tổng giá trị mua ròng là 1.595 tỷ đồng. Còn trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, nhà ĐTNN cũng đã mua ròng 15/18 phiên với khối lượng mua ròng đạt 22,4 triệu chứng khoán với tương ứng với tổng giá trị mua ròng đạt xấp xỉ 128 tỷ đồng trong tháng 1.

Dù sức mua của nhà ĐTNN trên TTCK Việt Nam trong tháng 2 giảm hơn so với tháng 1 nhưng đà mua ròng vẫn tiếp tục được duy trì trong cả tháng 2 đã góp phần quan trọng vào sự sôi động của thị trường. Trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, nhà ĐTNN đã mua ròng 14/17 phiên với tổng giá trị mua ròng đạt 914,2 tỷ đồng (tương ứng với 26,277 triệu chứng khoán. Tương tự trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, trong tháng 2, nhà ĐTNN cũng đẩy mạnh mua ròng 269,3 tỷ đồng tương ứng với khối lượng mua ròng đạt 23,3 triệu chứng khoán. Điểm đáng chú ý là nhà ĐTNN đẩy mạnh mua ròng những mã blue-chips như MSN, VIC, VCB, trong khi bán ròng mạnh mã HAG.

Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều những dấu hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi rõ ràng hơn, sức hấp dẫn của thị trường được biểu hiện ở dòng tiền đến từ nhà ĐTNN mà chủ yếu là thông qua các quỹ mở và quỹ hoán đổi danh mục (ETF). Với 9 quỹ mở đã được cấp phép thành lập và 8 quỹ mở khác đang trong quá trình thẩm định để thành lập cùng với sự xuất hiện của thế lực mới - ETF - được cho là sẽ thổi luồng gió mát lành vào TTCK Việt Nam.

Từ những cái tên khá quen thuộc như VFMVFA, VFMVF1, VFMVF4, tới những các tên “mới toanh” như MBBF, VFF, VFMVFB, VCBF-TBF, BVFED, ENF… có thể thấy rằng phần lớn các quỹ này đều hướng đến thị trường trái phiếu, nhưng đã có những quỹ tuyên bố chiến lược đầu tư năng động hơn, cân bằng cả hoạt động đầu tư an toàn và tăng trưởng. Đặc biệt, nhiều nhận định cho rằng, sự gia tăng đầu tư vào Việt Nam của hai quỹ ETF ngoại là DB Tracker Vietnam và Market Vectors Vietnam đã mang đến dòng tiền mới và quan trọng trên TTCK, kéo theo dòng tiền trong và ngoài nước liên tục đổ vào thị trường với mức độ rất cao và trên diện rộng. Theo đó, giới quan sát cho rằng dòng tiền đồng thuận đẩy mạnh vào TTCK sẽ không ngừng tăng lên và là nền tảng cho một xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2014.

Đà tăng có bền vững?

Trước đà tăng chóng vánh của TTCK Việt Nam trong khoảng thời gian ngắn, đã có những quan điểm bày tỏ nghi ngại về tính bền vững trong xu hướng đi lên của thị trường. Kinh tế vĩ mô mặc dù đã có nhiều dấu hiệu cải thiện nhưng vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhìn chung vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong nhiều tháng qua, CPI giữ nhịp tăng thấp là điều đáng mừng, nhưng chỉ số này cũng phản ánh nhu cầu tiêu dùng của người dân đang chậm lại. Kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp khả quan với những con số báo lãi hoặc vượt kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, cũng không ít doanh nghiệp đặt mục tiêu kế hoạch lợi nhuận thấp hoặc liên tục điều chỉnh kế hoạch đề ra, thậm chí đến sát cuối năm vẫn còn điều chỉnh chỉ để giữ danh tiếng hoặc vì những lợi ích cá nhân của Lãnh đạo doanh nghiệp, chẳng hạn như sẽ được thưởng nếu đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, giá của không ít mã cổ phiếu thời gian qua tăng cao nhưng chủ yếu mang tính chất “ăn theo” đà tăng của thị trường, trong khi nền tảng cơ bản là hoạt động của doanh nghiệp chưa được cải thiện, thậm chí không ít doanh nghiệp vẫn đang thua lỗ.

Ngoài ra, sự tăng điểm nhanh chóng của TTCK Việt Nam trong hai tháng qua cũng không loại trừ nguyên nhân bị tác động bởi tin đồn. Đã nhiều tháng nay, nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi và đặt nhiều kỳ vọng vào khả năng Chính phủ sẽ sớm thông qua việc nới “room” cho nhà ĐTNN tại một số doanh nghiệp niêm yết thuộc một số ngành nghề không cần điều kiện (sửa đổi Quyết định 55/2009/QĐ-TTg về tỷ lệ sở hữu của nhà ĐTNN trên TTCK Việt Nam). Cho dù đây là thông tin không mới và đã không còn nhiều tác động tới tâm lý nhà đầu tư trên thị trường, nhưng dường như tin đồn thất thiệt về việc Chính phủ ban hành quyết định nới “room” cho nhà ĐTNN được phát tán và lan truyền trên thị trường trong tháng 2 đã đẩy thị trường đi quá xa với một phiên giao dịch bùng nổ về thanh khoản.

Thực tế cho thấy, sau những ngày giao dịch thăng hoa, tuần cuối cùng của tháng 2 và những phiên đầu tháng 3 đã diễn ra với nhiều kịch tính. Diễn biến thị trường cho thấy tâm lý thận trọng và bộc lộ rõ sự lưỡng lự của nhà đầu tư. Việc chỉ số VN Index lên sát ngưỡng 600 điểm quá dễ dàng chỉ trong hai tháng cùng những diễn biến trong phiên giao dịch đầu tháng 3 đã khiến giới đầu tư không khỏi nghi ngờ về khả năng thị trường sẽ bước vào giai đoạn điều chỉnh sau chuỗi ngày tăng nóng. Trong phiên 3/3, thị trường đã chứng kiến một phiên giảm điểm mạnh cả về thanh khoản lẫn điểm số. VN Index trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh đã giảm tới 13,1 điểm xuống còn 573,38 điểm. Nhà ĐTNN trong phiên này đã bán ròng tương đối mạnh khiến cho nhà đầu tư trong nước dường như chịu tác động và quyết định bán ra để hiện thực hóa lợi nhuận.

Tuy nhiên, so với các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản, gửi tiền tiết kiệm… thì rõ ràng, chứng khoán vẫn đang chứng tỏ là kênh đầu tư hấp dẫn hơn cả. Cùng với những giải pháp chính sách quyết liệt của Chính phủ, các Bộ ngành, trong đó có việc cơ quan quản lý - UBCKNN đang triển khai các giải pháp “nâng hạng” cho TTCK Việt Nam trên bản đồ TTCK toàn cầu cùng với những thông điệp của các chuyên gia và thành viên thị trường gửi tới Hội nghị bàn về các giải pháp phát triển TTCK Việt Nam trong năm 2014, giới đầu tư càng thêm tin tưởng vào bức tranh sáng màu cho TTCK. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn chờ đợi những bước đi cụ thể hơn, thực chất hơn của cơ quan quản lý để niềm tin vào sự khởi sắc của TTCK năm 2014 ngày càng lớn và đà tăng của thị trường được bền vững.