Vượt qua khó khăn, duy trì ổn định
Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước năm 2012 phải chống chọi với nhiều khó khăn, việc thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn thuộc nhóm 40 TTCK có mức tăng cao trên thế giới là một điểm sáng đáng ghi nhận. So với cuối năm 2011, chỉ số VN - Index đã tăng trên 17,7% và HN - Index giảm hơn 2%. Mức vốn hóa toàn thị trường đạt khoảng 750.000 tỷ đồng, (tăng gần 190.000 tỷ đồng so với cuối năm 2011) và ở mức trên 28% GDP. Mặc dù TTCK có khó khăn nhưng thanh khoản thị trường có sự cải thiện, đặc biệt sau khi kéo dài thời gian giao dịch và áp dụng lệnh thị trường. Quy mô giao dịch bình quân mỗi phiên đạt 1.946 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2011.
Có thể khẳng định việc TTCK Việt Nam trong năm 2012 có những giai đoạn trầm lắng và thiếu ổn định bởi những tác động từ kinh tế vĩ mô đến “sức khỏe” cộng đồng doanh nghiệp niêm yết (DNNY). Trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực như vật liệu xây dựng, điện tử, thiết bị điện, điện - khí đốt - nước, xây dựng, bất động sản, bán buôn - bán lẻ... kết quả kinh doanh của hầu hết DNNY đã bị giảm sút. Huy động vốn của các DNNY nhìn chung gặp nhiều khó khăn, quy mô huy động vốn qua phát hành cổ phiếu và cổ phần hóa khoảng đạt trên 10.000 tỷ đồng, giảm 42% so với năm 2011. Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào thuần đạt 193 triệu USD, giảm 35% so năm 2011. Tuy nhiên, điểm sáng trong năm 2012 là quy mô huy động vốn trái phiếu chính phủ qua TTCK đạt mức tăng kỷ lục từ trước đến nay, khoảng 160.000 tỷ đồng, tăng gần gấp hai lần năm 2011. Số lượng tài khoản nhà đầu tư đạt khoảng 1,2 triệu tài khoản cho thấy nhà đầu tư vẫn có sự tin tưởng vào thị trường. Về cuối năm, TTCK đã vận hành ổn định và có mức tăng trưởng ấn tượng, đón đầu các chính sách vĩ mô của nền kinh tế trong năm 2013.
Năm của những chính sách phát triển
Trong bối cảnh cụ thể của năm 2012, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã tập trung chủ yếu cho công tác hoàn thiện văn bản pháp lý, cơ chế chính sách và công tác tái cấu trúc TTCK, đồng thời xử lý vấn đề thanh khoản nhằm hỗ trợ TTCK vượt qua khó khăn, chuẩn bị các điều kiện cho sự phát triển dài hạn. Một khối lượng lớn văn bản pháp luật đã được hoàn thiện và ban hành, trong đó có Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2020; Đề án Quản lý vốn đầu tư gián tiếp; Đề án Tái cấu trúc TTCK và DN bảo hiểm; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy hoạt động và tăng cường quản lý TTCK, Đề án tái cấu trúc các công ty chứng khoán (CTCK). Bộ Tài chính cũng trình các cấp ban hành nhiều nhất các văn bản pháp lý như Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán; Nghị định bổ sung sửa đổi về xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán; một loạt thông tư hướng dẫn liên quan đến hoạt động phát hành, niêm yết, công bố thông tin, quản trị công ty, các hoạt động kinh doanh chứng khoán...
Công tác tái cấu trúc TTCK, đặc biệt là đối với CTCK tích cực được triển khai trên cơ sở hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế chính sách, qua đó đã từng bước nâng cao chất lượng hàng hóa niêm yết, hình thành loại hình quỹ đầu tư mới như cấp phép thành lập 02 quỹ mở, đang xem xét chấp thuận chuyển đổi 01 quỹ đóng sang quỹ mở, hoàn thiện cơ chế giao dịch, triển khai chỉ số giao dịch mới (VN - Index 30, HNX - Index 30), kéo dài thời gian giao dịch, triển khai lệnh thị trường, rút ngắn thời gian thanh toán… Điều này đã góp phần hỗ trợ thanh khoản và tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong giao dịch trong bối cảnh thị trường có nhiều khó khăn.
Thực hiện các biện pháp tái cấu trúc, UBCKNN đã đặt 11 CTCK vào diện kiểm soát đặc biệt, 03 CTCK vào diện kiểm soát, triển khai các biện pháp mạnh trong việc tái cơ cấu như rút nghiệp vụ môi giới chứng khoán của 4 CTCK, rút nghiệp vụ tự doanh của 02 CTCK; rút nghiệp vụ bảo lãnh phát hành của 01 CTCK; đình chỉ hoạt động 03 CTCK; thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán của 04 CTCK. UBCKNN cũng đã trình Bộ sửa Thông tư số 52/2012/TT-BTC về công bố thông tin, trong đó yêu cầu các CTCK thực hiện kiểm toán báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính vào thời điểm 30/6 và 31/12 hàng năm và thực hiện công bố thông tin công khai theo quy định về công bố thông tin. Bên cạnh đó, trình Bộ ban hành Thông tư 165/2012/TT-BTC sửa đổi Thông tư 226/2010/TT-BTC về chỉ tiêu an toàn tài chính để đẩy nhanh hơn, quyết liệt hơn quá trình tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán; Thông tư 210/2012/ TT-BTC ngày 30/11 thay thế Quyết định số 27/2007/ QĐ-BTC về hướng dẫn tổ chức và hoạt động của CTCK theo hướng kiểm soát chặt chẽ vấn đề rủi ro, đầu tư bất động sản, vấn đề liên thông vốn với ngân hàng, vấn đề tách bạch tài khoản; Thông tư 210/2012/ TT - BTC cũng bổ sung thêm quy định về chuẩn bị các thủ tục rút giấy phép hoạt động nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý công ty yếu kém. Trên cơ sở đó đã tháo gỡ căn bản vướng mắc về pháp lý cho vấn đề tái cấu trúc.
Ngoài ra, chất lượng hàng hóa cũng từng bước được nâng cao. Theo Nghị định 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 của Chính phủ, tiêu chuẩn niêm yết về vốn tối thiểu là 30 tỷ đồng trên sàn HNX và 120 tỷ đồng trên sàn HoSE; tiêu chuẩn về lãi có bổ sung yêu cầu không có lỗ lũy kế và chỉ tiêu lãi trên vốn chủ sở hữu (ROE) phải tối thiểu 5%... Yêu cầu khi thay đổi phương án sử dụng vốn phải công bố thông tin để cổ đông giám sát và phải đưa ra cuộc họp tại Đại hội đồng cổ đông gần nhất. UBCKNN cũng đã xây dựng trình Bộ Tài chính ban h à n h Thông tư hướng dẫn về niêm yết chứng khoán theo tinh thần Nghị định 58/2012/NĐ-CP. Thông tư này là cơ sở quan trọng để sắp xếp lại và nâng cao chất lượng niêm yết theo Đề án tái cấu trúc TTCK. Các yêu cầu về công bố thông tin và quản trị công ty cũng ngày càng được nâng cao theo hướng tiếp cận các thông lệ quốc tế. Cùng với đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 121/2012/TT - BTC hướng dẫn về quản trị công ty, áp dụng cho các công ty đại chúng. Từ đó, công tác quản trị công ty được tăng cường và từng bước tiếp cận các chuẩn mực quốc tế, từ chỗ chỉ áp dụng với công ty niêm yết chuyển sang áp dụng với cả các công ty đại chúng và yêu cầu chặt chẽ hơn đối với công ty đại chúng quy mô lớn.
Năm 2012, công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường cũng được chú trọng triển khai. Các hành vi vi phạm pháp luật trên TTCK đã được xử lý nghiêm, kịp thời và được công bố công khai. UBCKNN đã tổ chức 07 đoàn thanh tra và 60 đoàn kiểm tra đối với các CTCK, công ty quản lý quỹ, công ty đại chúng, ngân hàng giám sát, công ty kiểm toán thao túng giá chứng khoán, chấp hành quy định về giao dịch ký quỹ. Qua đó, đã ban hành 146 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức và cá nhân, với tổng số tiền phạt trên 8,5 tỷ đồng, thực hiện chuyển hồ sơ 04 vụ việc cho cơ quan công an điều tra...
Triển vọng thị trường trong năm 2013
Với những kết quả đạt được và việc Chính phủ đã, đang tiếp tục chỉ đạo triển khai các biện pháp để tái cấu trúc nền kinh tế, “phá băng” thị trường bất động sản, xử lý nợ xấu ngân hàng và thực hiện các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2013 cao hơn so với mức tăng trưởng năm 2012, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ ban hành nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường thông qua các giải pháp về thuế, phí, hỗ trợ tài chính, chi tiêu ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản. Đặc biệt, các giải pháp tái cấu trúc DNNN sẽ tạo ra những tác động tích cực cho các DN và cả nền kinh tế. Đây sẽ là những điều kiện thuận lợi cho TTCK trong năm 2013.
Ngoài ra, Đề án Tái cấu trúc TTCK và DN bảo hiểm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1826/QĐ-TTg ngày 06/12/2012 chắc chắn sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy TTCK trong năm 2013. Theo đó, các nội dung cơ bản của Đề án bao gồm: (i) Tái cấu trúc cơ sở hàng hóa trên TTCK trên cơ sở nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường; tăng cường tính minh bạch; nâng cao chất lượng quản trị công ty, quản trị rủi ro tại các tổ chức phát hành; (ii) Tái cấu trúc thị trường trái phiếu chính phủ và trái phiếu DN trong đó nền tảng là thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu chính phủ; (iii) Tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư, trong đó tập trung phát triển nhà đầu tư tổ chức, các quỹ đầu tư như quỹ mở, quỹ hưu trí, ETF... Thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trung và dài hạn đồng thời tăng cường công tác quản lý, giám sát và có giải pháp phù hợp, kịp thời để chủ động đối phó với biến động của dòng vốn này; (iv) Tái cấu trúc tổ chức kinh doanh chứng khoán trên cơ sở phân loại và có biện pháp xử lý phù hợp trên cơ sở nguyên tắc thị trường phù hợp với quy định của pháp luật; (v) Tái cấu trúc các Sở Giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán.
hoạt động phân loại và xử lý các công ty chứng khoán vi phạm, nhất là vi phạm về an toàn tài chính, về đảm bảo an toàn tài sản của nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, hiện nay, UBCKNN đang theo dõi thêm diễn biến của thị trường, để cân nhắc phương án điều chỉnh tỷ lệ giao dịch ký quỹ từ 40/60 hiện hành lên 50/50 vào đầu năm 2013. Nghiên cứu đề xuất các giải pháp giúp DN tăng cường huy động vốn trên TTCK, giảm thiểu thủ tục và áp dụng các giải pháp để tăng cường huy động vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.
Trong năm 2013, UBCKNN sẽ tập trung cho công tác chuẩn bị các điều kiện về pháp lý, cơ chế chính sách để triển khai các sản phẩm mới như giao dịch ETF, warrant, các sản phẩm phái sinh, các sản phẩm mới về trái phiếu, các loại hình quỹ như quỹ đầu tư bất động sản, quỹ mở, chứng chỉ lưu ký toàn cầu để đa dạng hóa sản phẩm, từng bước thay đổi cấu trúc thị trường. Bộ Tài chính cũng đang tích cực triển khai nghiên cứu quỹ bảo hiểm hưu trí và thành lập tổ chức định mức tín nhiệm nhằm tạo ra cơ sở quan trọng cho việc tái cơ cấu trúc cơ sở nhà đầu tư, tạo ra sức cầu cho TTCK.
UBCKNN cũng sẽ đề xuất với Bộ Tài chính xem xét rà soát lại các loại thuế, phí trong hoạt động kinh doanh chứng khoán nhằm tạo cơ chế phù hợp cho nhà đầu tư tham gia TTCK. Bộ Tài chính cũng đang triển khai việc ban hành đầy đủ các chuẩn mực về kế toán, kiểm toán mới hướng tới chuẩn mực kế toán quốc tế; hoàn thiện chế độ kế toán đối với quỹ đầu tư, các tổ chức kinh doanh chứng khoán, tạo tiền đề để thị trường phát triển ổn định, bền vững…
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 1 - 2013
Thị trường chứng khoán: Vượt khó khăn, tạo tiền đề phát triển mới
(Tài chính) Cùng với mục tiêu giữ vững sự ổn định của thị trường chứng khoán, trong năm 2012, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã hoàn thiện, ban hành và đề xuất ban hành nhiều cơ chế chính sách về chứng khoán và thị trường chứng khoán, trong đó có Chiến lược phát triển thị trường đến năm 2020, Đề án quản lý vốn đầu tư gián tiếp, Đề án Tái cấu trúc thị trường chứng khoán… Đây là cơ sở để thị trường vượt qua giai đoạn khó khăn, tạo tiền đề phát triển mới.
Xem thêm