Thị trường chuyển nhượng sẽ nhộn nhịp
(Tài chính) Nên xem sở hữu chéo là vấn đề mang tính lịch sử khi mà tính “thời cuộc” nay không còn phù hợp. Thông tư 36 góp phần hỗ trợ thiết lập một thị trường tài chính, NH ngày càng lành mạnh, minh bạch hơn. Công tác thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước sẽ được tăng cường và có sự phối hợp tích cực với các cơ quan liên quan như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Công an...
Một trong những nội dung quan trọng của Đề án Tái cơ cấu các TCTD giai đoạn 2011 – 2015 là giảm sở hữu chéo trong hệ thống các TCTD. Phải khẳng định rằng, nhiều nước trên thế giới vẫn tồn tại quan hệ sở hữu chéo giữa DN và NH. Trong thực tiễn cách đây gần chục năm, khi kinh tế Việt Nam phấn đấu cho mục tiêu tăng trưởng cao với mô hình DN hoạt động kinh doanh đa ngành, mở rộng đầu tư…, thì chính sở hữu chéo đã có vai trò lớn.
Do đó, theo một số nhà nghiên cứu kinh tế, nên xem sở hữu chéo là vấn đề mang tính lịch sử khi mà tính “thời cuộc” nay không còn phù hợp. Mặc dù xử lý sở hữu chéo là rất phức tạp vì liên quan nhiều tới các NH – một lĩnh vực nhạy cảm của nền kinh tế, nhưng không thể không thực hiện.
Đặc biệt, khi mà sở hữu chéo đã làm hoạt động tiền tệ thiếu lành mạnh, điển hình là vụ việc “bầu Kiên” đang được các cơ quan pháp luật xét xử. Ngoài ra, một hiện tượng bất cập nữa là một cán bộ làm ở TCTD này nhưng lại giữ chức vụ lãnh đạo ở TCTD khác cũng không còn hiếm gặp.
Với quyết tâm cao trong việc lành mạnh hóa hoạt động của các TCTD, Thông tư 36 vừa được NHNN ban hành đã có nhiều quy định chặt chẽ hơn nhằm tháo gỡ, ngăn ngừa sở hữu chéo và được coi là một trong những vấn đề trọng tâm nhất. Thông tư 36 quy định, một NHTM chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá 2 TCTD khác, trừ trường hợp TCTD khác là công ty con của NH đó.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nắm giữ tại TCTD khác phải dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của TCTD khác đó và không được cử người tham gia hội đồng quản trị của TCTD mà NH mua cổ phần, trừ trường hợp TCTD đó là công ty con của NH hoặc NHTM tham gia tái cơ cấu, xử lý TCTD yếu kém theo chỉ định của NHNN. Và các NH sẽ phải điều chỉnh để phù hợp với quy định này. Do đó, từ nay đến tháng 2/2016, thị trường sẽ chứng kiến những cuộc “chia tay” được báo trước, đồng thời là những cơ hội hợp tác mới của các TCTD.
Theo TS. Trần Hoàng Ngân – Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, thời gian 12 tháng, kể từ ngày 1/2/2015 (ngày Thông tư 36 có hiệu lực) đủ để các TCTD giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần xuống.
Tuy nhiên, theo ông Ngân, vẫn có trường hợp ngoại lệ, khi việc mua, nắm giữ cổ phiếu nhằm tái cơ cấu, hỗ trợ tài chính cho TCTD gặp khó khăn và được NHNN chấp thuận hoặc được NHNN chỉ định theo quy định của pháp luật. Chẳng hạn, gần đây nhất Vietcombank được yêu cầu hỗ trợ tái cấu trúc NH Xây dựng.
Tương tự như vậy, trong quá khứ đã có NHTM Nhà nước buộc phải tham gia cổ phần của một NH khác. Cuộc hợp tác ấy là nhằm ứng phó tình hình cấp bách, bởi vậy cũng cần có cơ chế, quỹ thời gian để họ thoái vốn.
Nhìn chung, thoái vốn ở đâu, thời điểm nào quả là bài toán không đơn giản cho những NHTM đang có nhiều “mối quan hệ ràng buộc”. Song cũng có trường hợp nhanh đến bất ngờ. Ví dụ, Thông tư 36 chưa kịp ráo mực thì thị trường tài chính tiền tệ đã chứng kiến VOF Investment Limited - quỹ do VinaCapital quản lý - bán ra 60.000 cổ phiếu EIB của Eximbank.
Sau giao dịch này, VOF đã giảm tỷ lệ sở hữu tại Eximbank từ 5% xuống còn 4,99%. Tới đây, Eximbank và các đối tác của mình sẽ có những động thái tiếp theo để đảm bảo tuân thủ đúng quy định của NHNN. Tất nhiên, tỷ lệ 4,99% khiến người ta đặt nhiều câu hỏi. Nhưng có một thực tế chúng ta phải thừa nhận là không có một chính sách nào hoàn hảo cho tất cả.
Nhưng chắc chắn, những quy định của Thông tư 36 góp phần hỗ trợ thiết lập một thị trường tài chính, NH ngày càng lành mạnh, minh bạch hơn. Đại diện Cơ quan Thanh tra, giám sát NH cho biết: Công tác thanh tra, giám sát của NHNN sẽ được tăng cường và có sự phối hợp tích cực, trao đổi thông tin với các cơ quan liên quan như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Công an...