Thị trường còn nhiều dư địa tăng trưởng, nhà đầu tư có nắm bắt được cơ hội?

Theo An Vũ/reatimes.vn

Với những chiến thuật chống dịch đúng đắn đi cùng là các biện pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ của Chính phủ đã tạo những tia sáng, báo hiệu sự chuyển biến tích cực của thị trường bất động sản sau đại dịch Covid-19.

Thị trường bất động sản Việt Nam trong vài năm sắp tới dự kiến sẽ không bị sụp đổ như nhiều người nghĩ. Nguồn: internet
Thị trường bất động sản Việt Nam trong vài năm sắp tới dự kiến sẽ không bị sụp đổ như nhiều người nghĩ. Nguồn: internet

Trong các báo cáo của CBRE, Savills, JLL đã chỉ ra những cơ hội đến từ dòng vốn dịch chuyển đến Việt Nam, nhất là thời điểm sau đại dịch khi chuỗi giá trị được nối lại và nhu cầu tăng cao. Mặt khác, giới phân tích ghi nhận trong ngành bất động sản đã tạo lập một thế hệ vàng các chủ đầu tư uy tín, đủ tài, đủ tâm và tầm dẫn dắt thị trường. Có thể kể tới Vingroup, Sun group, FLC Group, CEO group, Novaland,... các sản phẩm từ tay các chủ đầu tư này vừa đạt chất lượng cao về quy hoạch, vừa đạt đẳng cấp về cảnh quan và tiện ích, vì vậy nguồn cung được chuẩn hoá và cạnh tranh nhau. 

Tuy vậy, cũng tại thời điểm này, những khó khăn về thủ tục pháp lý khiến các chủ đầu tư không thể cho ra thật nhanh các sản phẩm của mình. Điều đó dẫn đến một bối cảnh thị trường “cung yếu - cầu cao - giá khó giảm”.

Bên cạnh đó, Chính phủ lại tìm nhiều giải pháp để bơm tiền ra thị trường (dự kiến tổng lượng tiền bơm ra qua các kênh lên tới 900 nghìn tỷ). Không biết điều tích cực này có thể kéo dài bao lâu nhưng trong ngắn hạn điều đó tác động tốt đến tâm lý nhà đầu tư, người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thọ Tuyển, Tổng Giám đốc BHS Group, nhìn nhận thị trường một cách lạc quan. Theo đó, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng một loạt thông tin tốt cho thị trường liên quan đến tháo gỡ pháp lý như cấp sổ đỏ cho condotel, Bộ Xây dựng cho phép xây dựng căn hộ 25m2 …, là những điểm mấu chốt để tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư.

Hơn nữa, sự nhạy bén của các chủ đầu tư khi ra các dòng sản phẩm mới như bất động sản công nghiệp và phụ trợ khu công nghiệp như nhà ở, khách sạn, trường học… là cơ hội cho thị trường phát triển.

Ông Nguyễn Thọ Tuyển cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam trong vài năm sắp tới dự kiến sẽ không bị sụp đổ như nhiều người nghĩ. Thậm chí có những điểm sáng và những thay đổi “bản lề” để có một giai đoạn 2020 - 2030 phát triển mạnh mẽ hơn.

Ông Tuyển nhận định: “Trong dài hạn thì cần sự tài tình của các cơ quan Nhà nước điều tiết để “quả bóng oxy” không bị xẹp đi do lạm phát hoặc không bị nổ tung khi thị trường quá hưng phấn khó kiểm soát. Còn về các chủ đầu tư, phần thắng sẽ thuộc về các doanh nghiệp có sẵn quỹ đất và đưa ra được các dòng sản phẩm có giá trị thực, đáp ứng nhu cầu dài hạn của người mua. Hậu Covid-19 sẽ là cơ hội để bất động sản Việt Nam điều tiết, phát triển và thịnh vượng.

Có thể thấy, một số dòng sản phẩm đang được thị trường đang được thị trường đặt kỳ vọng cao. Thứ nhất là bất động sản công nghiệp. Ai cũng biết Việt Nam hiện tại là nước có nguồn nhân công giá rẻ, cầu cảng kho vận thuận lợi. Đặc biệt, Việt Nam được các nước lớn ưu tiên dịch chuyển nhà máy, xí nghiệp đến. Kèm theo đó là cơ hội phát triển bất động sản công nghiệp (nhà xưởng, kho bãi,...) và bất động sản phụ trợ khu công nghiệp (nhà ở, khách sạn, trường học, dịch vụ,...).

Thứ hai là đô thị nghỉ dưỡng ven đô. Hiện tại, do yếu tố pháp lý và sự đổ vỡ cam kết của sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng, rồi sự thay đổi hành vi đi du lịch thay từ việc phải bay và nghỉ dài ngày thì khách hàng đang lựa chọn cách tự lái xe và nghỉ ngắn ngày hơn. Những thay đổi đó là cơ hội cho dòng sản phẩm “đô thị nghỉ dưỡng ven đô”. Đó như là một ngôi nhà thứ hai vừa có thể nghỉ ngơi hoặc cho thuê theo nhu cầu.

Thứ ba là nhà ở xã hội. Với thu nhập bình quân đầu người 3000 USD/năm thì nhu cầu nhà ở thu nhập thấp tại Việt Nam là vô cùng lớn. Tuy nhiên, loại hình này bị hạn chế về lợi nhuận của các chủ đầu tư nên đang không được họ chú tâm xây dựng. 

PGS.TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết: “Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã khiến thị trường bất động sản chững lại. Tuy nhiên, từ cuối tháng 4 trở lại đây, tình hình đã có những dấu hiệu khả quan, các hoạt động bất động sản bắt đầu hoạt động nhộn nhịp trở lại. Đặc biệt, thị trường bất động sản du lịch sẽ phục hồi theo 3 giai đoạn. Du lịch nội địa bùng nổ, các sản phẩm nghỉ dưỡng được hưởng lợi. Giai đoạn hai, các thị trường lân cận khống chế dịch bệnh, mở lại các đường bay Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... mang theo dòng vốn FDI. Tiếp đó, toàn cầu đẩy lùi đại dịch, địa ốc Việt tiếp tục thu hút nhờ ấn tượng chống dịch hiệu quả".

Với bất động sản nhà ở, ông Trần Kim Chung cho rằng doanh nghiệp không nên quá lo lắng. Trước nay giai đoạn đầu năm thường ít sôi động hơn nửa cuối năm. Cần lưu ý, thị trường này xu hướng theo năm âm lịch, năm nay là năm nhuận nên dù suy giảm trong những tháng qua, thị trường vẫn còn 8 - 9 tháng phục hồi.