Ngân hàng ồ ạt rao bán bất động sản: Người mua cần tỉnh táo và thận trọng
Khả năng trả nợ của khách hàng gặp vấn đề khiến hàng loạt ngân hàng thương mại trong thời gian gần đây phải tiến hành rao bán khoản nợ hoặc phát mãi các tài sản gắn liền với khoản nợ như bất động sản hay nhà xưởng. Tuy nhiên, với người dân có nhu cầu mua lại bất động sản, giới luật sư cảnh báo cần thận trọng do các yêu cầu pháp lý khá phức tạp.
Ngân hàng ồ ạt rao bán
Không chỉ các ngân hàng thương mại (NHTM) lớn, nhiều NHTM cổ phần quy mô vừa và nhỏ trong các ngày gần đây cũng ồ ạt rao bán khoản nợ hoặc phát mãi các tài sản thế chấp nhằm thu hồi khoản nợ. Theo thống kê của PV Báo Lao Động, phần lớn tài sản được các ngân hàng phát mãi trong thời gian gần đây là bất động sản thương mại hay nhà ở dân cư.
Đáng chú ý, NHTM Cổ phần Sài Gòn (SCB) đang rao bán trực tiếp 7 tài sản là bất động sản có giá trị thấp nhất từ vài tỉ đồng đến hàng trăm tỉ đồng. Trong số này, một tài sản hiện được SCB rao bán với giá 830 tỉ đồng là kho Phước Sơn tại Thị xã Thuận An (Bình Dương). Nhiều tài sản khác là nhà ở dân cư và quyền sử dụng đất cũng đang được SCB rao bán với giá rao bán từ thấp nhất 2,2 tỉ đồng đến 10 tỉ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng này cũng đang rao bán nhiều khoản nợ gắn kèm với tài sản thế chấp là nhà ở, quyền sử dụng đất với giá rao bán từ thấp nhất hơn 7 tỉ đồng đến cao nhất 35 tỉ đồng.
Một ngân hàng khác là LienVietPostBank trong thời gian gần đây cũng rao bán nhiều khoản nợ và đấu giá tài sản thế chấp cho khoản vay với giá rao bán từ vài trăm triệu đồng đến hàng trăm tỉ đồng. Đáng chú ý trong số này là quyền thu phí phát sinh tại dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương (giai đoạn 1), theo hình thức BOT. Theo đó, chỉ tính đến đầu tháng 4/2019, khoản nợ này có dư nợ gốc là hơn 435 tỉ đồng và lãi quá hạn trên 21,9 tỉ đồng.
Người mua cần tỉnh táo và thận trọng
Đặt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang tác động nặng nề tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN), việc nhiều người dân và DN không còn khả năng trả nợ NH cũng như việc ngân hàng phải bán nợ, rao bán tài sản đảm bảo là diễn biến được dự báo từ sớm, không gây quá nhiều bất ngờ.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế, Ngân hàng Nhà nước - cho hay, ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ NH đúng hạn với dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng lên tới khoảng 2 triệu tỉ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống. Trong đó, dư nợ tập trung vào các ngành như công nghiệp chế biến - chế tạo, vận tải, dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch, giáo dục - đào tạo và thực tế này tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động ngân hàng.
Việc các ngân hàng ồ ạt rao bán đất ở và bất động sản nhằm thu hồi khoản nợ được đánh giá là cơ hội với các DN và người dân đang có nhu cầu với các sản phẩm này, bởi mức giá mà các ngân hàng đưa ra thường được nhìn nhận là khá hấp dẫn so với mặt bằng giá thị trường. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc mua lại nhà ở, bất động sản là tài sản thế chấp khoản vay từ các ngân hàng không đơn giản do đòi hỏi nhiều thủ tục pháp lý liên quan đến việc giải chấp, định giá tài sản đến sự đồng thuận của chủ tài sản cũng như các cơ sở pháp lý về quyền mua và quyền bán của ngân hàng nên người mua cần thận trọng.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, Luật sư Nguyễn Đức Toàn - Giám đốc Công ty Luật Vimax Châu Á - nhận định, việc rao bán và mua lại nhà ở, bất động sản từ NH đòi hỏi các ngân hàng phải thực hiện đúng và tuân thủ theo rất quy trình mà pháp luật quy định. Các rủi ro sẽ xuất hiện ngay khi ngân hàng tiến hành các bước không như pháp định và người mua sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhận được tài sản mua lại.
“Trên thực tế, cơ chế luật liên quan đến việc bàn giao tài sản cho người mua trong trường hợp các bên không đồng ý sẽ được giải quyết bằng một vụ kiện khác. Dẫn đến là hậu quả là kéo dài thời gian bàn giao nhà và trong trường hợp này, người mua sẽ là người chịu rủi ro và thiệt thòi nhất” - luật sư Nguyễn Đức Toàn đánh giá.