Thị trường lao động: "Thầy" thừa, "thợ" đông, "chất" vẫn kém

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Cộng đồng kinh tế Asean (AEC) chính thức hình thành vào tháng 12/2015 sẽ tạo điều kiện cho người lao động trong khối có cơ hội tìm kiếm việc làm dễ hơn. Tuy nhiên, với Việt Nam đây sẽ là thách thức không nhỏ, bởi chất lượng lao động còn nhiều hạn chế.

 Thị trường lao động: "Thầy" thừa, "thợ" đông, "chất" vẫn kém
Cần ưu tiên phát triển nguồn lao động chất lượng cao. Nguồn: internet

Đây là đánh giá của nhiều đại biểu tại Hội thảo Phát triển các loại thị trường trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa do trường Đại học kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức sáng 8/7.

Còn nhiều thách thức

Đánh giá về thị trường lao động, TS. Đỗ Xuân Trường nhận định, thị trường lao động (LĐ) ở Việt Nam có quá nhiều yếu điểm như trình độ LĐ còn thấp, cơ cấu LĐ thay đổi chậm, tình trạng thiếu việc làm, mất cân đối cung cầu LĐ khá lớn. Đáng chú ý thị trường LĐ đang có mâu thuẫn lớn về số lượng và chất lượng việc làm, mâu thuẫn giữa tăng lương tối thiểu và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Thực tế số liệu thống kê của Bộ LĐTB&XH cũng cho thấy, trong 53 triệu người trong độ tuổi LĐ, chỉ có 25,4% triệu người có chuyên môn kỹ thuật (chiếm 47%). Trong 25,4 triệu người này, có tới 15,6% triệu người là công nhân, nhưng không có chứng chỉ hoặc bằng cấp. Số công nhân có chứng chỉ và bằng cấp chỉ chiếm 18,4%.

Đáng chú ý, cơ cấu đào tạo không hợp lý với sự phát triển thị trường. Thực trạng “thừa thầy thiếu thợ” ngày càng lớn, điều này không chỉ khiến mất cân bằng về cơ cấu mà dẫn tới tỉ lệ thất nghiệp nhóm này gia tăng. Điển hình như tính đến hết quý I/2014  cả nước có 162,4 nghìn người có trình độ từ đại học trở lên thất nghiệp, ngoài ra cũng đã có 79,1 ngàn lao động có trình độ cao đẳng và 174 ngàn lao động có trình độ cao đẳng nghề, trung học chuyên nghiệp, trung cấp nghề, sơ cấp nghề thất nghiệp.

“Thị trường LĐ Việt Nam hiện đang tồn tại “hạn chế kép” khi luôn ở thế thụ động và  phát triển một trạng thái rất lạc hậu - TS. Lê Thị Hồng Điệp, Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế đưa ra cảnh báo.

Dẫn chứng cho nhận định của mình TS. Hồng Điệp cho rằng: Mặc dù cung LĐ tăng nhanh trong điều kiện “dân số vàng” nhưng chất lượng lại quá thấp nên ngay cả khi cầu LĐ có chất lượng thấp nhưng vẫn không đáp ứng được. Ngay khi AEC hình thành LĐ Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh ở phân đoạn thị trường việc làm bậc trung chứ chưa nói tới việc làm cao cấp ngay tại sân nhà.

Đổi mới giáo dục phát triển nguồn nhân lực

Trong những năm qua công tác nâng cao chất lượng nguồn LĐ luôn được Nhà nước chú trọng. Tuy nhiên do phát triển không đồng bộ, công tác quản lý còn nhiều bất cập nên chất lượng LĐ vẫn là vấn đề đáng quan tâm.

“Khi Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP)  hay khi AEC chính thức được hình thành chắc chắn sẽ có một dòng chảy lao động nước ngoài vào thị trường trong nước từ các gói dịch vụ do nước ngoài cung cấp. Để không bị thua ngay trên “ sân nhà” giải pháp tốt nhất là nâng cao chất lượng LĐ tại chỗ để có thể đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư. Bên cạnh đó phải rút ngắn khoảng cách cung – cầu về LĐ” – TS. Nguyễn Thị Thu Hoài, Trường Đại học Kinh tế đề xuất.

Ở góc độ khác ThS. Phạm Thị Lý - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh  cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực vươn lên trở thành một nền kinh tế phát triển và hội nhập ngày càng sâu rộng  thì phát triển thị trường LĐ được coi là một yêu cầu bức thiết. Bằng chứng rõ nét nhất là  dù Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao trong những năm qua những năng lực cạnh tranh của nền kinh tế vẫn chưa được cải thiện.

Có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân quan trọng  là do chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay còn thấp, các chỉ số liên quan tới chất lượng nhân lực như giáo dục, sức khỏe đều thấp.

Hiện nay một trong thế mạnh của Việt Nam trong phân công LĐ quốc tế là giá nhân công rẻ. Song nếu chỉ sẽ không thế biến thế mạnh đó thành cơ hội vì nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Philippines, Indonesia…cũng đang cạnh tranh bằng yếu tố này.

Vì vậy, vấn đề đặt ra lúc này là phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó nâng cao chất lượng giáo dục là giải pháp then chốt trong bài toán nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

“Chất lượng giáo dục và đào tạo được coi là chìa khóa để phát triển nguồn nhân lực. Thế nhưng đến nay hệ thống giáo dục và đào tạo của Việt Nam còn quá nhiều hạn chế. Yêu cầu bức bách của Việt Nam hiện nay là cải cách, tăng đầu tư phát triển giáo dục đại học và đào tạo nghề, đồng thời gắn kết giữa đào tạo của nhà trường với nhu cầu của thị trường…” –Ths. Phạm Thị Lý đề xuất.