Thị trường năng lượng thế giới thay đổi ra sao sau quyết định mới nhất của OPEC?

Theo Trung Mến/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Thỏa thuận nâng sản lượng mới nhất được thông báo vào cuối ngày Chủ Nhật của tuần qua sau khi tình trạng đối đầu giữa Saudi Arabia và UAE kéo dài suốt 1 tuần được giải quyết.

Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters

Giá dầu giảm sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước liên minh đồng ý tăng sản lượng trong năm 2022, như vậy tình trạng đối đầu kéo dài gây tổn hại đến liên minh này đã được giải quyết, theo tin từ Bloomberg.

Vào đầu phiên giao dịch ngày hôm nay trên thị trường châu Á, giá dầu Brent hạ 0,4% sau khi giảm 2,6% trong tuần trước; giá dầu thô ngọt nhẹ WTI trong khi đó cũng đi xuống. 

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh đã đồng ý tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày từ tháng 8/2021 cho đến khi tất cả các mức giảm sản lượng được khôi phục trở lại ngưỡng trước đại dịch Covid-19. Thỏa thuận này đã cho phép Saudi Arabia, UAE, Iraq, Kuwait và Nga có cơ hội điều chỉnh nâng giá bán dầu.

Thỏa thuận nâng sản lượng mới nhất được thông báo vào cuối ngày Chủ Nhật của tuần qua sau khi tình trạng đối đầu giữa Saudi Arabia và UAE kéo dài suốt 1 tuần được giải quyết. 

Nhóm các nước này như vậy sẽ khôi phục lại dần dần mức giảm 5,8 triệu thùng dầu/ngày mà họ từng cắt giảm trong những giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19. Thỏa thuận đồng thời giải quyết được sự đối đầu “thử thách” tính liên kết của liên minh.

Sau khi tăng đến 45% trong nửa đầu năm 2021, giá dầu Brent sụt giảm mạnh trong tháng này. Diễn biến tại OPEC cho thấy nhiều nhà đầu tư không khỏi băn khoăn về kế hoạch sản lượng của nhóm khi mà biến chủng delta lây lan mạnh khiến nhiều người lo lắng về khả năng các biện pháp phong tỏa đã ảnh hưởng đến nhu cầu như thế nào. 

Tuy nhiên khi mà dự trữ dầu đang giảm dần, các thành viên thị trường trong đó có Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nói rằng sẽ phải càn thêm nguồn cung dầu để bù đắp cho tình trạng thiếu hụt về sản lượng.

Biến chủng delta có khả năng lây nhiễm cao hiện vẫn đang tiếp tục lây lan mạnh, đặc biệt trong nhóm các nước có tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 thấp, chính phủ nhiều nước phải tái áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ. Tại châu Á, Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc và Singapore đều đã và đang đương đầu với các đợt bùng dịch. Vào ngày thứ Bảy, Anh công bố số lượng ca lây nhiễm cao nhất tính từ tháng 1/2021.

Nhà đầu tư trên thị trường dầu sẽ cần phải quan tâm đến những tác động từ khả năng dầu thô từ Iran sẽ được bán ra thị trường quốc tế. 

6 tháng đầu năm 2021, giá dầu đã tăng hơn 45%, hướng đến mốc 80USD/thùng lần đầu tiên trong vòng 2 năm rưỡi.

Các chuyên gia phân tích trên phố Wall tin rằng hoàn toàn có khả năng giá dầu thô trên các thị trường sẽ vẫn tiếp tục tăng cao hơn nữa trong những tháng tới, dù không phải tất cả các chuyên gia đều đồng thuận với khả năng này. 

Tính từ đầu năm 2021 cho đến cuối tháng 6/2021, giá dầu Brent đã tăng hơn 45%. Ngày 1/1/2021, giá dầu Brent ở mức 51,8USD/thùng. Giá dầu WTI tăng khoảng 51,4% trong 6 tháng đầu năm nay.

Riêng trong tháng 6/2021, giá dầu Brent giao tương lai tăng hơn 8% còn giá dầu WTI tăng hơn 10% và lên ngưỡng cao nhất tính từ tháng 10/2018.

Theo các chuyên gia phân tích, việc giá dầu tăng cao có nguyên nhân từ nhiều yếu tố trong đó có việc triển khai tiêm vắc xin Covid-19, các biện pháp phong tỏa được nới lỏng dần dần và nhiều nước thành viên OPEC cũng như liên minh OPEC giảm mạnh sản lượng.

Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent sẽ ở ngưỡng trung bình 80USD/thùng trong quý 3/2021, khả năng có thể giá dầu sẽ vượt ngưỡng đó khi mà nhu cầu tăng trở lại. JP Morgan trong khi đó dự báo giá dầu sẽ vượt ngưỡng 80USD/thùng trong 3 tháng cuối cùng của năm.

Các chuyên gia phân tích tại Bank of America thậm chí còn lạc quan hơn. Họ cho rằng giá dầu Brent hoàn toàn có thể lên mức 100USD/thùng trong mùa hè năm tới. Như vậy cũng đồng nghĩa giá dầu chính thức trở lại ngưỡng 3 con số lần đầu tiên tính từ năm 2014.

Các dự báo trên được đưa ra trong bối cảnh cả ba tổ chức dự báo lớn của thế giới bao gồm OPEC, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đều dự báo quá trình phục hồi kinh tế với sự hỗ trợ đặc biệt từ việc nhu cầu tăng cao dự kiến sẽ tăng mạnh trong nửa sau năm 2021.

Chuyên gia phân tích về thị trường dầu tại tổ chức PVM Oil Associates, ông Tamas Varga, phân tích rằng dự trữ dầu toàn cầu và khu vực đều đã giảm đáng kể trong năm nay, nhờ vậy giá dầu được hỗ trợ, xu thế dự kiến sẽ vẫn tiếp tục trong năm nay.