Thị trường sẽ bước vào nhịp phục hồi rõ nét khi tỷ giá hạ nhiệt


Các nút thắt như lãi suất, sức mạnh của đồng USD, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ,... dần được gỡ bỏ khiến tâm lý hưng phấn quay lại thị trường.

Đà giảm điểm mạnh những tuần trước đó khiến tâm lý nhà đầu tư duy trì trạng thái tiêu cực, đồng thời cộng hưởng với áp lực bán giải chấp dâng cao khiến các chỉ số chứng khoán tiếp tục điều chính trong 3 phiên giao dịch đầu tuần vừa qua. Tâm lý nhà đầu tư trở nên chán nản và áp lực bán giải chấp tăng cao.

Đà phục hồi nhen nhóm trong phiên chiều 1/11 khi thị trường kỳ vọng Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục giữ nguyên lãi suất điều hành. Và thực tế là, trong cuộc họp của Ủy ban thị trường mở (FOMC) vào giữa tuần, Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất điều hành như thị trường kỳ vọng.

Đồng thời, Chủ tịch Fed cũng bày tỏ quan điểm thận trọng khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng vọt, qua đó thúc đẩy kỳ vọng Fed sẽ ngừng tăng lãi suất trong các cuộc họp tiếp theo.

Sau những quan điểm có phần “ôn hòa” hơn về chính sách tiền tệ của Fed, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đã điều chỉnh mạnh. Thông tin này ngay lập tức đã được nhà đầu tư phản ứng tích cực.

Lực cầu mua giá thấp đổ vào thị trường đã khiến các chỉ số chứng khoán Việt Nam phục hồi mạnh trong hai phiên cuối tuần. Tính từ mức đáy thiết lập vào giữa tuần, chỉ số VN-Index đã lấy lại được gần 60 điểm từ đáy.

Thị trường sẽ bước vào nhịp phục hồi rõ nét khi tỷ giá hạ nhiệt - Ảnh 1

Kết thúc tuần giao dịch, chỉ số VN-Index ghi nhận tăng 16,2 điểm, tương đương mức tăng 1,5% so với cuối tuần trước. Cùng lúc đó, chỉ số HNX-Index tăng 7,1% từ đáy lên 217,8 điểm; chỉ số UPCoM-Index tăng 4,6% từ đáy để kết tuần ở mức 84,2 điểm.

Tuần qua, MWG (-7,3%), GVR (-4,2%), SSB (-4,9%) là các cổ phiếu vốn hóa lớn kéo giảm thị trường. Ngược lại, đà hồi phục của chỉ số được dẫn dắt bởi VCB (+4,6%), HPG (+7,5%) và MSN (+10,6%).

Thanh khoản bình quân trong tuần duy trì ở vùng thấp (tuy nhiên ghi nhận sự cải thiện lại ở các phiên hồi phục), đạt 15.927 tỷ đồng (-4,0% so với tuần trước).

Khối ngoại quay trở lại mua ròng trên cả 3 sàn, với giá trị 300 tỷ đồng trên HOSE (tuần trước mua ròng 31 tỷ đồng), 298 tỷ đồng trên HNX (tuần trước bán ròng 1.400 tỷ đồng) và 12 tỷ đồng trên UPCoM (tuần trước mua ròng 65 tỷ đồng). Tổng cộng, khối ngoại mua ròng 632 tỷ đồng trên cả ba sàn.

Thị trường sẽ bước vào nhịp phục hồi rõ nét khi tỷ giá hạ nhiệt - Ảnh 2

Nhận định về thị trường tuần này, ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận vĩ mỗ và Chiến lược thị trường Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT đưa ra kỳ vọng, những thông tin hỗ trợ xuất hiện gần đây sẽ cải thiện tâm lý thị trường và thúc đẩy đà phục hồi của các chỉ số chứng khoán.

Cụ thể, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và chỉ số đồng USD (DXY) quay đầu giảm mạnh sau động thái “ôn hòa hơn” về chính sách tiền tệ của Fed sẽ giúp hạ nhiệt áp lực tỷ giá trong nước. Điều này có thể cải thiện dư địa chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong những tháng cuối năm cũng như tâm lý của các nhà đầu tư.

Thị trường sẽ bước vào nhịp phục hồi rõ nét khi tỷ giá hạ nhiệt - Ảnh 3

“Có thể thấy nhịp giảm điểm mạnh vừa qua của thị trường có xúc tác không nhỏ đến từ áp lực tỷ giá, do đó khi tỷ giá hạ nhiệt, thị trường có thể bước vào một nhịp phục hồi rõ nét”, ông Đinh Quang Hinh cho biết.

Đồng thời, sau nhịp điều chỉnh kéo dài, định giá của thị trường chứng khoán đã về mức hấp dẫn. Mức chiết khấu định giá theo giá ghi sổ (P/B) của VN-Index đã về gần tương đương mức đáy trung hạn thời điểm tháng 11/022 và đáy COVID-19. Do đó, đây có thể là thời điểm tốt để các nhà đầu tư trung và dài hạn bắt đầu tích lũy cổ phiếu cho năm 2024.

MBS Research cũng có góc nhìn tích cực về trạng thái của thị trường hiện nay. Theo đó, chuyên gia của MBS Research cho rằng, các nút thắt như lãi suất, sức mạnh của đồng USD, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ... đang dần được tháo gỡ, qua đó giúp nhà đầu tư củng cố niềm hy vọng rằng chiến dịch thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương đã kết thúc.

Trong kịch bản cơ sở, với sự hỗ trợ từ chứng khoán thế giới, chỉ số VN-Index được kỳ vọng sẽ lấp vùng 1.083 - 1.100 điểm vào tuần tới, kịch bản lạc quan khi có dòng tiền lớn trở lại, thanh khoản từ 20.000 tỷ đồng/phiên trở lên, thị trường có thể đồng pha phục hồi mạnh với chứng khoán thế giới và là cơ hội để vượt ngưỡng cản quan trọng MA200 ở vùng 1.114 điểm.

“Chiến lược đầu tư vẫn là tập trung ở nhóm cổ phiếu đã tạo nền ở tháng 10 vừa qua, nhịp hồi đầu tiên dòng tiền sẽ ưu tiên với các cổ phiếu có mức chiết khấu mạnh, tập trung ở các nhóm cổ phiếu như: bất động sản, chứng khoán, đầu tư công, bán lẻ,…”, MBS Research khuyến nghị.

Thị trường sẽ bước vào nhịp phục hồi rõ nét khi tỷ giá hạ nhiệt - Ảnh 4

Sau 3 tháng liên tiếp chìm trong sắc đỏ, thị trường chứng khoán toàn cầu vừa có tuần tăng mạnh nhất trong vòng một năm sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Fed giữ nguyên lãi suất trong tuần.

Loạt dữ liệu vĩ mô tháng 10 của Mỹ cũng là dấu hiệu cho thấy 11 lần nâng lãi suất của Fed nhằm mục đích hạ nhiệt nền kinh tế và khống chế lạm phát đang phát huy tác dụng. Thị trường lãi suất tương lai đang đặt cược khả năng 95% Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 12.

Chỉ số Dow Jones tăng 5,07% trong tuần vừa qua, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 10/2022. S&P 500 tăng 5,85% và Nasdaq Composite tăng 6,61%. Đây là tuần tăng tốt nhất của hai chỉ số kể từ tháng 11/2022, trong đó S&P 500 đánh dấu chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp đầu tiên kể từ tháng 6.

Trong khi đó, các thị trường chứng khoán châu Á phục hồi chậm hơn so với châu Âu và Mỹ.

Thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc có mức tăng mạnh nhất trong khu vực, lần lần lượt leo dốc 3,09% và 2,85%. Đáng chú ý, Chính phủ Nhật Bản trong tuần qua cho biết sẽ chi 113 tỷ USD giảm bớt tác động kinh tế do lạm phát tăng.

Trong khi đó, thị trường Trung Quốc và thị trường Hồng Kông tiếp tục giữ đà tăng sang tuần thứ 2 liên tiếp, tuy vậy cả 2 thị trường này vẫn đang thấp hơn so với đầu năm.

Theo thitruongtaichinhtiente.vn