Thị trường tài chính - tiền tệ sẽ bị ảnh hưởng từ diễn biến căng thẳng Mỹ - Trung?
Trước những diễn biến mới của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung với những đòn đáp trả mạnh tay của hai bên, thị trường tài chính - tiền tệ thế giới đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro nhiều, với mức độ ngày càng tăng từ nay đến cuối năm.
Trung Quốc vừa thông báo trả đũa lên 75 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ, với mức thuế dao động từ 5% đến 10%. Dầu thô Mỹ cũng nằm trong danh sách chịu ảnh hưởng. Trung Quốc cũng sẽ khôi phục thuế 25% với xe hơi Mỹ.
Đáp trả, Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó cũng tuyên bố nâng thuế với khoảng 250 tỷ USD hàng Trung Quốc, từ 25% hiện tại lên 30%, bắt đầu từ ngày 1/10. Thuế dự kiến 10% với khoảng 300 tỷ USD hàng hóa nữa cũng được nâng lên 15%, bắt đầu từ ngày 1/9. Thậm chí mới đây, Tổng thống Mỹ Trump còn cho biết hối tiếc vì không đánh thuế Trung Quốc cao hơn.
Ngay sau đó, S&P 500 và Nasdaq Composite giảm lần lượt 2,6% và 3%. Đây là phiên tệ nhất của Wall Street kể từ ngày 14/8 và là tuần thứ 4 liên tiếp cả ba chỉ số đi xuống. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm lại cao hơn kỳ hạn 10 năm. Đường cong lợi suất đảo ngược thường là chỉ báo cho một cuộc suy thoái.
Theo các chuyên gia, những lời đe dọa của Trump là chỉ báo chiến tranh thương mại sắp bước vào giai đoạn trầm trọng hơn nhiều. Việc này sẽ gây thiệt hại cho không chỉ hai nền kinh tế mà cả quy mô rộng lớn hơn và những căng thẳng sẽ không còn trong quy mô của hai nền kinh tế lớn Mỹ - Trung.
Minh chứng rõ nhất là tại Hội nghị thượng đỉnh G7, Tổng thống Mỹ cũng dọa áp thuế nhập khẩu Pháp ở mức "chưa từng có", trừ phi nước này bỏ thuế kỹ thuật số với các hãng công nghệ Mỹ. Đáp lại, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cảnh báo Liên minh châu Âu sẽ đáp trả "tương xứng" nếu Trump thực hiện điều này.
Hơn nữa, một cuộc chiến tranh tiền tệ có thể xảy ra nếu các quốc gia tiếp tục đồng bản tệ của mình bằng phương pháp phổ biến là giảm lãi suất đưa tất cả vào cuộc chiến tranh tiền tệ. Điều này sẽ kéo các nền kinh tế vào sự trì trệ sẽ khiến có thể xảy ra khủng hoảng toàn cầu.
Một số dự báo cho thấy, đến năm 2020, rủi ro trên thị trường tài chính thế giới có giảm không tuỳ thuộc rất nhiều vào Mỹ và Trung Quốc có tìm được giải pháp cho chiến tranh thương mại hay không. Chiến tranh thương mại không được giải quyết thì thị trường tài chính - tiền tệ sẽ tiếp tục có biến động tiêu cực.
Hiện nay, đồng Nhân dân tệ (NDT) phá giá lên đến 7,04 NDT đổi 1 USD, xu hướng tiếp tục tăng, việc này sẽ hỗ trợ cho xuất khẩu của Trung Quốc để giảm những ảnh hưởng từ việc Mỹ siết thuế nhập khẩu.
Đối với Việt Nam, việc tiền đồng mất giá sẽ không có lợi cho thị trường chứng khoán khi các nhà đầu tư ngoại sẽ quan ngại đầu tư vào Việt Nam. Từ đầu năm tới nay, thị trường tài chính hấp thu rất nhiều dòng vốn ngoại khi tiền đồng mất giá sâu sẽ ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư.
TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính - ngân hàng lý giải thêm, nếu giá vàng, tỷ giá tăng và thị trường chứng khoán xuống thấp không phải điểm tích cực cho kinh tế Việt Nam. Do đó, thời gian sắp tới Việt Nam có một chính sách về tiền tệ rất khó khăn khi phải cân bằng rất nhiều lĩnh vực từ lĩnh vực xuất khẩu, tỷ giá, tăng trưởng kinh tế…
Về tỷ giá, nếu đồng NDT tiếp tục bị phá giá sẽ tạo áp lực cho tiền đồng, khi đó hàng xuất khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam sẽ rẻ hơn, làm phình ra nhập siêu từ Trung Quốc đồng thời hàng xuất khẩu Việt Nam vào Trung Quốc đắt đỏ hơn. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam.
Giá vàng trên thế giới hiện đang tiếp tục thiết lập các đỉnh mới và chưa ai có thể biết được điểm dừng. Thị trường vàng Việt Nam sẽ chịu tác động của thị trường vàng thế giới, giá vàng trong nước sẽ phản ứng và mức tăng giá song song với thị trường thế giới.
Hiện nay, chiến tranh tiền tệ tuy được dự báo là chưa xảy ra song Mỹ đã liệt Trung Quốc vào danh sách quốc gia thao túng tiền tệ. Việt Nam cũng là quốc gia có nguy cơ khá cao bị chuyển sang nhóm các nước thao túng tiền tệ nếu chúng ta không có biện pháp phù hợp, quyết liệt. Khi đó, những hậu quả không mong đợi có thể sẽ xảy đến đối với thị trường tài chính - tiền tệ của Việt Nam.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới, chính sách tỉ giá của Việt Nam cần tiếp tục theo hướng chủ động, linh hoạt, khéo léo, hạn chế can thiệp trực tiếp, một chiều và liên tục vào thị trường ngoại hối để không bị vi phạm ngưỡng thứ ba như nêu trên.
Theo đó, Việt Nam cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý; cần thực hiện linh hoạt (có mua, có bán) và cần giải trình với Mỹ việc điều hành tỉ giá trong thời gian qua là phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế cũng như đặc thù của nền kinh tế Việt Nam, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không lành mạnh.
Đặc biệt, Việt Nam cần hết sức bình tĩnh, không để bị cuốn vào dòng xoáy chiến tranh tiền tệ (nếu có) và không nên phá giá đồng tiền vì điều chỉnh tỉ giá liên quan đến nhiều mặt của nền kinh tế (không chỉ liên quan đến xuất khẩu, mà còn nhập khẩu, nợ nước ngoài, áp lực lạm phát…).