Nan giải sàn bất động sản "ngoài luồng"

Theo Lê Sáng/batdongsan.enternews.vn

Theo các chuyên gia, việc tràn lan sàn môi giới bất động sản “ngoài luồng”, tức không được Sở Xây dựng các địa phương quản lý đang tạo ra nhiều hệ lụy cần sớm được chấn chỉnh.

Việc đặt tên "ăn theo" các DN lớn cũng được các trung tâm, sàn môi giới BĐS thực hiện triệt để. Ảnh: Lê Sáng
Việc đặt tên "ăn theo" các DN lớn cũng được các trung tâm, sàn môi giới BĐS thực hiện triệt để. Ảnh: Lê Sáng

Từ đầu năm 2021 đến nay, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng thị trường bất động sản vẫn chứng kiến không ít đợt sốt nóng giá đất nền tại các địa phương. Cùng với đó, cứ mỗi khi một khu vực có thông tin giá đất rục rịch tăng “chỉ sau một đêm” hàng chục sàn, trung tâm môi giới bất động sản mọc lên.

Sốt đất, sàn môi giới mọc như nấm sau mưa

Điều đặc biệt, các sàn hay trung tâm môi giới bất động sản này đều hoạt động “ngoài luồng” tức không đảm bảo các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh, môi giới bất động sản.

Chạy dọc Quốc lộ 21A từ thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ - Hà Nội) đến Khu công nghệ cao Hòa Lạc, người đi đường sẽ bắt gặp hàng trăm bảng biển giới thiệu, quảng cáo của các trung tâm, sàn môi giới bất động sản mọc lên san sát trong đợt sốt nóng giá đất từ đầu năm đến nay. Thậm chí, một số sàn, trung tâm còn đặt tên “ăn theo” các doanh nghiệp lớn, dễ gây hiểu lầm cho khách hàng.

Anh Đỗ Văn Minh, một nhà đầu tư đất nền ven khu Công nghệ cao Hòa Lạc cho biết, khu vực này có hàng trăm đơn vị môi giới, đơn vị nào cũng cho biết mình là “chuẩn chỉ” nhưng khi tìm hiểu mới thấy “năm người, mười giá”, nếu khách không tỉnh táo sẽ bị lừa ngay.

Thực tế cho thấy, việc các sàn, trung tâm môi giới hoạt động không đảm bảo các điều kiện theo quy định đang là thực trạng diễn ra tại nhiều địa phương. Mới đây, theo báo cáo của Công an tỉnh Quảng Ninh, trên địa bàn TP. Hạ Long có tới 30 sàn giao dịch và 80 doanh nghiệp, cá nhân hoạt động môi giới bất động sản không trong danh sách Sở Xây dựng quản lý.

Tại Hà Nội, danh sách các sàn giao dịch bất động sản có thông báo đến Sở Xây dựng Hà Nội tính đến hết tháng 11/2020 chỉ vỏn vẹn 47 sàn, chưa bằng phân nửa số sàn có thông tin trên các trang rao bán bất động sản.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia nguyên nhân của tình trạng trên bên cạnh việc chưa có những chế tài đủ mạnh để xử lý các tổ chức, cá nhân lập Sàn và hoạt động trái Luật cũng đến từ việc bản thân các cá nhân môi giới BĐS đang thiếu chuyên nghiệp.

Về việc này, theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam số lượng các nhà môi giới bất động sản hoạt động đúng quy định pháp luật hiện nay rất thấp (khoảng 300.000 môi giới hoạt động, trong đó chỉ khoảng 20% có chứng chỉ hành nghề - PV).

Cần giải pháp đồng bộ

Theo TS. Nguyễn Văn Đính việc tràn lan các sàn bất động sản ngoài luồng là do các quy định pháp luật đang lỏng lẻo đối với nghề môi giới bất động sản. Nhiều địa phương hiện không mặn mà trong việc tổ chức các cuộc thi sát hạch. 

Bên cạnh đó, thực trạng này đã dẫn đến việc nhiều môi giới đưa tin sai sự thật, lừa đảo khách hàng, làm méo mó thị trường. "Việc các Sàn hoạt động theo kiểu “ngoài luồng” tức không thông báo đến Sở Xây dựng cũng dẫn đến tình trạng Sở Xây dựng sẽ không nắm được chính xác tình hình giao dịch BĐS tại địa phương để từ đó đưa ra những chính sách quản lý, định hướng kịp thời" - ông Đính cho biết.

Để chấn chỉnh thực trạng trên, theo các chuyên gia, cần có giải pháp đồng bộ từ việc tăng cường giám sát, thực thi các quy định của pháp luật đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện như môi giới bất động sản đến việc tuyên truyền nâng cao ý thức của chính bản thân các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này.

Luật sư Vũ Văn Biên, Giám đốc Công ty TNHH Luật An Phước cho rằng, Luật kinh doanh BĐS 2014 đã có quy định rất rõ. Như tại khoản 4, điều 67 có nêu nghĩa vụ của doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS cần “thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của pháp luật và chịu sự kiểm tra, thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Bên cạnh đó, tại điều 62 và 69 Luật kinh doanh BĐS 2014 cũng đã nêu rõ điều kiện “phải có ít nhất 02 người có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS” và “các tổ chức cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS phải thành lập doanh nghiệp”.

Theo Luật sư Biên, hiện các quy định về điều kiện hoạt động lĩnh vực kinh doanh môi giới BĐS đã khá đầy đủ, tuy nhiên việc giám sát thực hiện các quy định này trong thực tế vẫn còn nhiều hạn chế. “Để có thể giải quyết dứt điểm nạn các sàn và trung tâm môi giới BĐS hoạt động ngoài luồng tràn lan việc cần làm là phải tăng cường giám sát, xử lý các trường hợp vi phạm cũng như gắn trách nhiệm người đứng đầu tại các địa phương”, Luật sư Biên nhận định.

Dưới góc độ Hội môi giới BĐS Việt Nam, TS. Nguyễn Văn Đính cho rằng khi cấp chứng nhận hành nghề cho môi giới bất động sản, các cơ quan quản lý nhà nước nên cấp mã số hành nghề quốc gia cho từng môi giới và cập nhật họ đang làm cho Sàn nào.

"Dữ liệu giao dịch của môi giới bất động sản cũng cần được cập nhật vào hệ thống công nghệ. Một khi chuyên nghiệp hóa được như vậy thị trường sẽ rất minh bạch và phát triển" - TS. Đính phân tích.