Kinh tế thế giới trải qua năm 2012 với đầy rủi ro dưới tác động của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu. Các chính sách khắc khổ của các chính phủ và người dân, cộng với triển vọng kinh tế bi quan và hệ thống tài chính bất ổn khiến khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) rơi vào suy thoái lần thứ hai trong vòng 3 năm trở lại đây. Kinh tế Mỹ tiếp tục ở mức dưới tiềm năng khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao gần 8%, quá trình giảm nợ khu vực tư nhân vẫn tiếp diễn sau những năm chi tiêu quá tay cản trở sự hồi phục của tiêu dùng, trong khi nguy cơ “vách đá tài chính” năm 2013 khiến khu vực tư nhân không muốn mở rộng đầu tư. Nhật Bản cũng đứng trước nguy cơ suy thoái lần thứ tư trong vòng 12 năm qua trong điều kiện cầu nước ngoài giảm mạnh, mâu thuẫn Nhật - Trung tăng cao.
Với khu vực các nước mới nổi và đang phát triển, kinh tế bắt đầu bị ảnh hưởng rõ rệt do xuất khẩu giảm mạnh. GDP theo quý của một số nước tăng ở mức thấp nhất trong những năm gần đây và giảm dần qua các quý. Trong bối cảnh không chắc chắn của kinh tế thế giới, các tổ chức quốc tế liên tục điều chỉnh thay đổi các dự báo kinh tế vĩ mô trên các khu vực. Gần đây nhất, vào ngày 23/1/2013, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2012 ở mức 3,2% và dự báo 2013 là 3,5%.
Tăng trưởng kinh tế suy giảm đã góp phần khiến giá hàng hóa cơ bản trên thế giới giảm trong năm 2012. Giá dầu tính đến cuối năm 2012 đạt mức 90,81 USD/thùng, giảm 8,1% so với mức 98,82 USD/thùng cuối năm 2011. Giá lương thực trên thị trường thế giới giảm mạnh, trong đó chỉ số giá thực phẩm của Tổ chức Nông, Lương Liên hợp quốc (FAO) giảm 33,62% với cuối năm 2011. Xu hướng giảm của giá hàng hóa cơ bản thế giới cùng với kinh tế tăng thấp trên các khu vực khiến lạm phát liên tục giảm ở các nước. Lạm phát giảm khoảng 0,2 - 0,8% tại các nền kinh tế phát triển và giảm khoảng 1,0 - 2,4% tại các nước đang phát triển.
Tăng trưởng kinh tế suy giảm và sự lây lan tiêu cực từ khủng hoảng nợ công khu vực Eurozone đã khiến làn sóng bơm tiền kích thích kinh tế lan rộng trên toàn thế giới. Xu hướng nới lỏng tiền tệ được đẩy cao trong quý IV/2012, bắt đầu từ Mỹ với gói nới lỏng định lượng lần thứ 3 (QE3), quyết định mua không hạn chế trái phiếu chính phủ các nước mắc nợ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), quyết định mở rộng gói nới lỏng định lượng của Nhật Bản, gói kích thích kinh tế tại một số nước như Trung Quốc, Brazil và làn sóng hạ lãi suất của ngân hàng trung ương các nước đang phát triển. Tuy nhiên, không ít chuyên gia hoài nghi về hiệu quả của các chính sách này sau khi những nỗ lực tương tự đã được thực hiện trong vài ba năm trước chưa thực sự đem lại kết quả bền vững đối với nền kinh tế các nước. Hơn nữa, xu hướng đẩy mạnh bơm tiền trên toàn cầu còn đang gây ra những lo ngại về nguy cơ một cuộc chiến tranh tiền tệ có thể xảy ra.
Trong bối cảnh lãi suất USD được giữ ở mức thấp (khoảng 0%), nguồn cung USD tăng mạnh trên thị trường tài chính thế giới khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục đẩy mạnh bơm tiền và triển vọng chưa rõ ràng về sự hồi phục của kinh tế Mỹ, đồng USD đã giảm giá so với hầu hết các đồng tiền chính trên thế giới.
Với chính sách bơm tiền mạnh tay của Mỹ, Anh, cùng với những nỗ lực của ECB và IMF trong việc giải quyết khủng hoảng nợ của Hy Lạp và những đồng thuận đạt được của các nhà chính trị châu Âu trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng, thực hiện nhất thể hóa hệ thống tài chính khu vực, tâm lý lo ngại trên thị trường liên ngân hàng quốc tế trong năm 2012 đã dịu bớt so với thời điểm cuối năm 2011. Lãi suất LIBOR, SIBOR các kỳ hạn ngắn như qua đêm, 1 tuần... đã ổn định trở lại trong khi lãi suất các kỳ hạn dài như 3 tháng, 6 tháng... giảm mạnh. Mặc dù vậy, bất đồng về quan điểm giữa các nhà chính trị châu Âu tiếp tục tồn tại, khả năng Hy Lạp rời khối Eurozone còn bỏ ngỏ và chất lượng bảng cân đối tài sản của hệ thống ngân hàng châu Âu ngày càng xấu đi do giá trái phiếu chính phủ châu Âu sụt giảm tiềm ẩn rủi ro bất ổn thị trường tài chính châu Âu, kéo theo đó là thị trường tài chính toàn cầu. Làn sóng rút tiền khỏi hệ thống ngân hàng các nước mắc nợ như Tây Ban Nha, Italia, Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha chuyển sang hệ thống ngân hàng của Đức trong quý II/2012 là cảnh báo nhãn tiền cho những rủi ro này.
Thị trường tiền tệ trong nước diễn biến tích cực
Bám sát các Nghị quyết của Chính phủ, trong năm 2012, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, sử dụng chủ động, linh hoạt các công cụ của chính sách tiền tệ bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng, tổng phương tiện thanh toán hợp lý nhằm thực hiện kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra và giảm được mặt bằng lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường và cung- cầu ngoại tệ; bảo đảm hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) an toàn.
Các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ được tập trung tại ba nhóm:
Thứ nhất, điều tiết thanh khoản cho nền kinh tế thông qua điều hành linh hoạt, kết hợp nhuần nhuyễn các kênh đưa tiền ra và thu tiền về để điều hành cung ứng tiền phù hợp với mục tiêu đề ra.
Thứ hai, điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô, lạm phát, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế qua đó giảm rủi ro mất vốn đối với hệ thống ngân hàng.
Thứ ba, điều hành chính sách tín dụng để đảm bảo tăng trưởng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả. Theo đó, từ đầu năm 2012, NHNN đã phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng theo 4 nhóm TCTD, kết hợp với theo dõi sát sao diễn biến tín dụng của TCTD để có những điều chỉnh linh hoạt, thích hợp như chỉ đạo các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vốn vay, xem xét cho vay mới đối với các nhu cầu vốn vay có hiệu quả và đảm bảo khả năng trả nợ nhằm chia sẻ khó khăn đối với cộng đồng DN và nền kinh tế.
Như vậy, công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN năm 2012 đã đảm bảo sự phối hợp hài hòa giữa các giải pháp, đồng thời có sự uyển chuyển linh hoạt thích hợp nhằm hướng tới đạt được mục tiêu chung là kiềm chế lạm phát trong điều kiện duy trì được sự ổn định của hệ thống tài chính tiền tệ quốc gia. Bên cạnh đó, để triển khai có hiệu quả 3 nhóm giải pháp trên, phương pháp điều hành cũng đã có nhiều đổi mới so với trước đây. Đáng kể nhất là NHNN đã thể hiện được vai trò chủ động định hướng, dẫn dắt thị trường, qua đó giúp công chúng lường trước được xu hướng điều hành chính sách và điều chỉnh kịp thời các hành vi kinh tế, tránh được những cú sốc không mong muốn. Tiếp theo, công tác truyền thông minh bạch cũng đã được đẩy mạnh nhằm một mặt định hướng và tạo sự đồng thuận của công chúng đối với hoạt động của ngành Ngân hàng, mặt khác lắng nghe ý kiến phản hồi từ xã hội để có bước xem xét điều chỉnh triển khai theo mục tiêu đã định một cách có hiệu quả. Cuối cùng, điều hành chính sách tiền tệ đã gắn liền với việc đảm bảo kỷ luật trên thị trường tiền tệ, giảm thiểu những hành vi “lách” quy định của các TCTD, hình thành môi trường cạnh tranh lành mạnh để chuyển tải tốt chính sách tiền tệ nhằm đạt mục tiêu đề ra.
Với những đổi mới trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, bức tranh trên thị trường tài chính tiền tệ năm 2012 đã có những chuyển biến tích cực. Nếu như vào cuối năm 2011, thị trường tiền tệ, ngoại hối là điểm nóng, phản ánh qua: mặt bằng lãi suất huy động và cho vay ở mức rất cao, lãi suất cho vay phổ biến ở mức 17-19%/năm, có nhiều khoản vay có lãi suất còn trên 20%/năm; lãi suất thị trường liên ngân hàng có thời điểm còn cao tới trên 30%/năm; nhiều ngân hàng sử dụng lãi suất làm công cụ cạnh tranh quyết liệt khiến hệ thống luôn căng thẳng, lo ngại về việc dịch chuyển nguồn tiền huy động từ ngân hàng này sang ngân hàng khác; tỷ giá cũng thường xuyên biến động, luôn có sự dịch chuyển từ VND sang ngoại tệ, thị trường ngoại tệ tự do tồn tại công khai, chênh lệch lớn giữ tỷ giá chính thức và thị trường tự do khiến tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế ở mức lớn… thì nay, bức tranh của thị tường tiền tệ, ngoại hối đã có nhiều điểm sáng:
(i) Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã giảm mạnh. Lãi suất huy động VND đã giảm từ 3-6%/năm. Hiện tượng vượt trần lãi suất giảm mạnh, việc sử dụng lãi suất làm công cụ cạnh tranh cũng giảm hẳn mặc dù lãi suất huy động VND kỳ hạn trên 12 tháng được tự do thỏa thuận nhưng lãi suất huy động của kỳ hạn này
vẫn khá ổn định. Lãi suất cho vay giảm từ 5-9%/năm, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và nền kinh tế. Hiện nay lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ ở mức 9-12%/năm; cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác và tiêu dùng ở mức 12-15%/năm, trong đó lãi suất cho vay đối với các khách hàng tốt chỉ từ 9-11%/năm;
(ii) Tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định, tạo lòng tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tỷ giá bình quân trên thị trường liên ngân hàng không đổi. Tỷ giá mua trung bình của các ngân hàng thương mại giảm 0,96% so với năm 2011. Tỷ giá trên thị trường tự do luôn thấp hơn so với tỷ giá giao dịch của các ngân hàng thương mại và chênh lệch được thu hẹp. Niềm tin vào VND từng bước được cải thiện. Tình trạng găm giữ ngoại tệ, đô la hóa dần hạn chế, các tổ chức, cá nhân đẩy mạnh bán ngoại tệ cho hệ thống ngân hàng, qua đó NHNN đã mua một lượng ngoại tệ đáng kể bổ sung cho dự trữ ngoại hối nhà nước, nâng cao niềm tin vào thị trường đối với các giải pháp, chính sách của NHNN;
(iii) Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm 10-11%/năm so với đầu năm và ổn định ở mức thấp, không còn tình trạng căng thẳng về thanh khoản, đẩy lãi suất lên cao như trong năm 2011;
(iv) Thanh khoản trên hệ thống tổ chức được đảm bảo, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD. Nếu như năm 2011, hoạt động của hệ thống ngân hàng căng thẳng vì nhiều tổ chức gặp khó khăn thanh khoản, tiềm ẩn rủi ro thanh khoản của hệ thống thì trong năm 2012, thanh khoản của hệ thống đã được cải thiện. Căng thẳng thanh khoản không còn là nhân tố đẩy lãi suất liên ngân hàng tăng cao như trước đây, thay vào đó năm 2012 lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh và ổn định ở mức thấp. Các TCTD đã rút kinh nghiệm về quản trị rủi ro trong hoạt động, tiến hành cơ cấu tài sản nợ, tài sản có để giảm rủi ro kỳ hạn. Quá trình triển khai Đề án tái cấu trúc hệ thống các TCTD rất quyết liệt nhưng vẫn đảm bảo thị trường vận hành ổn định; tình hình chi trả tiền gửi dân cư tại các ngân hàng yếu kém diễn ra bình thường, không xảy ra hiện tượng rút tiền hàng loạt với quy mô lớn; hoạt động của các TCTD về cơ bản an toàn, lành mạnh, trật tự, kỷ cương, thị trường đã được khôi phục và tiếp tục được duy trì ổn định. Thị trường tài chính Việt Nam trong những tháng cuối năm cũng xảy ra những biến cố lớn nhưng thanh khoản toàn hệ thống vẫn được đảm bảo, kể cả những ngân hàng yếu kém, một lần nữa khẳng định thành công bước đầu của NHNN trong quá trình tái cấu trúc các ngân hàng, cho thấy sức đề kháng của các TCTD và của toàn hệ thống đã tăng lên đáng kể.
Những diễn biến tích cực trên thị trường tiền tệ của Việt Nam đạt được trong năm 2012 là rất đáng ghi nhận, đặc biệt khi so sánh với những năm trước đây và với diễn biến trên thị trường tài chính tiền tệ thế giới. Tuy nhiên, không phải vì thế mà NHNN có thể chủ quan trong thời gian tới. Rủi ro đối với hệ thống tài chính tiền tệ quốc tế vẫn ở mức cao, nguy cơ về một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vẫn hiện hữu. Là một nền kinh tế đang phát triển, nhu cầu phát triển kinh tế Việt Nam vẫn phải phụ thuộc khá lớn vào nguồn vốn đầu tư tín dụng ngân hàng nhưng hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn đang trong tiến trình đẩy mạnh quá trình lành mạnh hóa hệ thống, tăng cường tiềm lực tài chính, khả năng cạnh tranh để đáp ứng với yêu cầu phát triển và hội nhập, ổn định kinh tế vĩ mô đã được thiết lập trong năm 2012 nhưng chưa thực sự bền vững. Thách thức trước mắt vẫn còn rất lớn, đòi hỏi Chính phủ vẫn phải giữ vững tay chèo, NHNN và các bộ ngành cần phối hợp chặt chẽ nhịp nhàng để đưa con thuyền kinh tế Việt Nam luôn giữ được thăng bằng, vượt qua sóng gió, tiến về phía trước.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 2 - 2013
Thị trường tiền tệ: Những diễn biến tích cực
(Tài chính) Trong khi thị trường tài chính tiền tệ thế giới có nhiều bất ổn và đầy rủi ro thì thị trường tiền tệ Việt Nam trong năm 2012 lại diễn ra một cách khá ổn định. Sự ổn định này một phần là nhờ những đóng góp rất đáng kể từ điều hành chính sách vĩ mô của Chính phủ, trong đó có chính sách tiền tệ, nhằm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng bền vững.
Xem thêm