Thị trường trái phiếu khu vực Đông Á đang tăng trưởng mạnh

Theo danviet.vn

(Tài chính) Trái phiếu khu vực Đông Á đạt ngưỡng 7.400 tỉ USD trong năm 2013. Việt Nam có quy mô trái phiếu tăng mạnh nhất trong quý IV/2013.

Theo Báo cáo theo dõi trái phiếu châu Á của ADB, quy mô trái phiếu khu vực Đông Á đã tăng 2,4% so với quý III và tăng 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường tăng trưởng mạnh nhất trong quý IV/ 2013 bao gồm Việt Nam (14,8%), Indonesia (6,8%) và Phillipines (4,0%). Các thị trường còn lại tăng trung bình 2,9%. Trái phiếu chính phủ tiếp tục là động lực tăng trưởng của trái phiếu Đông Á, với mức tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 61,7% tổng quy mô trái phiếu toàn thị trường.

Trái phiếu chính phủ tập trung ở kỳ hạn trung bình

ADB ước tính châu Á cần ít nhất 8.000 tỷ USD cho các dự án giao thông, năng lượng, viễn thông và các dự án cơ sở hạ tầng khác trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. ADB cũng cảnh báo hầu hết các Chính phủ trong khu vực đã bỏ lỡ cơ hội huy động những nguồn vốn giá rẻ. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo.

Trái phiếu chính phủ khu vực Đông Á tập trung chủ yếu ở các kỳ hạn trung đến dài hạn, ngoại trừ Hồng Kông, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam. 40% trái phiếu chính phủ ở các nước nói trên có kỳ hạn từ 1 đến 3 năm. Ngược lại, ở Indonesia và Philippines, các kỳ hạn trái phiếu Chính phủ dao động từ 3 đến 10 năm.

                              Cấu trúc kỳ hạn trái phiếu Chính phủ ở khu vực Đông Á 
                        Cấu trúc kỳ hạn trái phiếu Chính phủ ở khu vực Đông Á

Khối ngoại tiếp tục duy trì nắm giữ trái phiếu chính phủ

Tỉ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài được ghi nhận giảm không đáng kể tại Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan. Trong khi đó, tỉ lệ sở hữu trái phiếu của các nhà đầu tư nước ngoài tại Indonesia và Malaysia tăng lần lượt 32,5% và 29,4%. Điều này khiến trái phiếu khu vực Đông Á tiềm ẩn nhiều rủi ro đến từ những biến động của các thị trường tài chính phát triển, như việc Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ hay kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Điều này hàm ý rằng các nhà quản lý trong khu vực cần phải giám sát và phối hợp các chính sách thị trường ở tầm quốc gia cũng như ở tầm khu vực và toàn cầu.

                                     Tỉ lệ sở hữu trái phiếu của các nhà đầu tư nước ngoài

Tỉ lệ sở hữu trái phiếu của các nhà đầu tư nước ngoài

Dòng vốn ngoại đổ vào thị trường trái phiếu biến động mạnh

Dòng vốn từ nước ngoài đổ vào các thị trường mới nổi ở Đông Á chịu ảnh hưởng sâu sắc từ việc cắt giảm chương trình mua trái phiếu liên bang của Chính phủ Mỹ. Dòng vốn ngoại tăng liên tục từ tháng 1 đến tháng 4, cho đến khi đảo chiều vào tháng 5, thời điểm Mỹ xem xét cắt giảm lượng trái phiếu mua vào. Dòng vốn tăng trở lại trong tháng 9 và tháng 10, khi chương trình này bị trì hoãn và giảm mạnh trong tháng 12 khi Mỹ thông qua quyết định cắt giảm trái phiếu mua vào còn 75 tỉ USD/tháng. Theo ADB, để có một thị trường ổn định và tăng trưởng bền vững, khu vực Đông Á cần những nguồn huy động vốn ổn định hơn bên cạnh nguồn vốn trái phiếu, ví dụ như đầu tư trực tiếp nước ngoài.

                                      Dòng vốn ngoại vào thị trường trái phiếu Đông Á

Dòng vốn ngoại vào thị trường trái phiếu Đông Á

Quy mô trái phiếu Việt Nam lên mức 29 tỷ USD

Quy mô thị trường trái phiếu tại Việt Nam tăng kỷ lục trong quý IV/2013 nhờ một lượng lớn trái phiếu Chính phủ được phát hành. Đây là mức tăng cao nhất trong các thị trường mới nổi tại khu vực Đông Á. Trái phiếu Chính phủ tăng 14,8% lên mức 590,9 nghìn tỷ VND trong khi quy mô trái phiếu doanh nghiệp giảm 6,8% xuống còn 14,3 nghìn tỷ VND, mức thấp nhất kể từ quý III/2009.

Việc trái phiếu Chính phủ vẫn chiếm tỷ trọng lớn là do Chính phủ đang theo đuổi chính sách kích thích tài khóa nhằm khắc phục những tác động của khủng hoảng kinh tế đến xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, nhu cầu về trái phiếu Chính phủ tăng mạnh còn do các nhà đầu tư tiếp tục kỳ vọng lãi suất huy động tiền gửi của ngân hàng sẽ giảm.

Trái với sự sôi động của trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp vẫn trầm lắng do tổng cầu yếu và mức tồn kho cao. Hai nguyên nhân này đã hạn chế các doanh nghiệp tìm kiếm nguồn vốn bổ sung từ bên ngoài trong quá trình mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, ngân hàng và các định chế tài chính cũng tỏ ra thận trọng với trái phiếu doanh nghiệp, vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thanh khoản thấp.