Thị trường Trung Quốc và ASEAN: Cơ hội “vàng” cho xuất khẩu Việt Nam
Theo nhận định của Bộ Công thương: Trung Quốc và ASEAN được đánh giá là những khu vực xuất khẩu đầy tiềm năng của Việt Nam. Năm 2009, kim ngạch xuất nhập khẩu của ta sang các thị trường này là 21 tỷ USD và 22,5 tỷ USD. Năm 2010 và những năm tiếp theo, đang vẫn sẽ là những thị trường mà hàng Việt Nam có thể xuất khẩu với khối lượng lớn.
Những thị trường xuất khẩu tiềm năng
Ông Đào Trần Nhân, Vụ trưởng Vụ Châu Á – Thái Bình Dương, Bộ Công thương nhận định, Trung Quốc là một thị trường láng giềng lớn đầy tiềm năng trong quan hệ thương mại với Việt Nam. 21 tỷ USD – đó là tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của ta đối với thị trường này. Năm 2009, mặc dù chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc vẫn tăng trưởng dương, đạt 4,8 tỷ USD, tăng 8,23% đưa Trung Quốc trở thành bạn hàng xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam, sau Mỹ (6,16 tỷ USD) và Nhật Bản (6,19 tỷ USD). Tuy nhiên, trong khi xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm khoảng 8,59% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thì hàng Việt Nam chỉ chiếm chưa đầy 0,48% tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc. “Chính vì vậy, có thể khẳng định rằng, dung lượng thị trường Trung Quốc là còn rất lớn, cơ hội xuất khẩu cho hàng Việt Nam còn rất nhiều” – ông Nhân khẳng định.
Ông Nhân cũng cho biết thêm, trong những năm gần đây, do giá các yếu tố đầu vào của sản xuất cũng như giá nhân công ở Trung Quốc ngày càng tăng, các nhà đầu từ nước ngoài như Singapore, các nước Tây Âu và cả các nhà đầu tư của Trung Quốc có xu hướng chuyển nhà máy sản xuất sang Việt Nam để rồi tái xuất lại thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh đó, thị trường ASEAN cũng được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng. Năm 2009, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với các nước ASEAN đạt 22,5 tỷ USD, trong đó Việt Nam nhập khẩu đạt 13,8 tỷ USD và xuất khẩu đạt 8,7 tỷ USD (chiếm 32,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước ASEAN). Những mặt hàng được coi là có “tiềm năng” lớn chúng ta có thể xuất khẩu sang hai thị trường này, theo ông Nhân, trước hết là: Nguyên nhiên liệu và khoáng sản (chủ yếu là dầu thô, than đá, cao su), nhóm này chiếm tỷ trọng xuất khẩu 50 -60%. Đây là nhóm hàng có tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất của chúng ta.
Tuy nhiên, những mặt hàng này sẽ từng bước được cắt giảm do nguồn nhiên liệu tự nhiên đang cạn kiệt dần. Tiếp đến là các mặt hàng thuỷ sản, nông sản (chiếm tỷ trọng xuất khẩu 15 – 20%)... và các nhóm hàng công nghiệp như hàng dệt may, giầy dép, dây điện, cáp điện, sản phẩm nhựa... Đặc biệt, đối với các nước ASEAN, chúng ta xuất khẩu hai mặt hàng chủ lực: dầu thô và gạo chiếm 42% trong tổng kim ngạch xuất khẩu...
Tăng cường xuất khẩu để hạn chế nhập siêu
Theo ông Nguyễn Hồng Thanh, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương, năm 2010 là năm Khu vực thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) chính thức thực hiện cam kết giảm thuế mạnh mẽ từ cả Trung Quốc và các nước ASEAN. Theo đó, hàng loạt các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào Trung Quốc và các nước ASEAN 6 (khu vực 6 nước phát triển trong ASEAN) sẽ được hưởng mức thuế nhập khẩu từ 0-5%. Việt Nam được thực hiện muộn hơn 5 năm. Đây là một lợi thế, đồng thời là cơ hội lớn cho hàng hoá Việt Nam tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc trong thời gian 5 năm tới. Ông Thanh nhấn mạnh, trong thời gian quý báu này, các doanh nghiệp tận dụng thời cơ tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc để giải quyết vấn đề nhập siêu. Bởi chỉ tăng cường xuất khẩu chúng ta mới có thể giảm được nhập siêu. Tiến tới tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn tốc độ nhập khẩu.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là, chúng ta xuất khẩu chủ yếu là nguyên liệu thô và nguyên liệu sơ chế nên hàm lượng giá trị gia tăng của chúng ta chưa cao. Do đó, kim ngạch thu được qua xuất khẩu chưa đạt như mong muốn. Bộ Công thương đã có nhiều đề án trình Chính phủ nhằm giảm nhập siêu đối với thị trường Trung Quốc, trong đó đề ra nhiều biện pháp kiềm chế nhập siêu sang thị trường này.
Theo ông Đào Trần Nhân, vừa qua, Bộ Công thương cũng đã chính thức trao cho Trung Quốc 16 mặt hàng Việt Nam có khả năng xuất khẩu sang Trung Quốc và đề nghị nước này có chính sách giúp đỡ tăng cường nhập khẩu và tạo cơ chế thông thoáng cho chúng ta xuất khẩu những mặt hàng này. Đó là các mặt hàng nông lâm, thủy sản, trái cây, nguyên nhiên liệu... Trong đó, theo ông Nhân, chúng ta kỳ vọng vào nhóm mặt hàng công nghiệp và sẽ tập trung khai thác nhóm mặt hàng này thời gian tới