Thị trường UPCoM ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư

PV.

Ra đời cách đây 12 năm, đến nay thị trường giao dịch cổ phiếu công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM) đã và đang có bước phát triển nhanh. UPCoM ra đời đã trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp và ngày càng trở nên hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tại Tọa đàm "Thị trường chứng khoán: Khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp, kênh đầu tư sinh lời và tích sản" do Báo Đầu tư phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức sáng 18/11, ông Nguyễn Duy Thịnh - Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán (HNX) khẳng định, bắt đầu vận hành từ năm 2009, đến nay sau 12 năm, thị trường UPCoM đã thực sự trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp và ngày càng hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài.

Nhìn lại những ngày đầu, trong bối cảnh thị trường giao dịch cổ phiếu tự do tiềm ẩn nhiều rủi ro, không đảm bảo an toàn về giao dịch và thanh khoản cho các nhà đầu tư, HNX đã đưa thị trường UPCoM vào vận hành với mục tiêu thu hẹp thị trường tự do, mở rộng thị trường giao dịch có tổ chức, có quản lý của Nhà nước. Đến nay, UPCoM tạo ra môi trường giao dịch chứng khoán công khai, minh bạch, an toàn đối với chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết.

Số liệu thống kê của HNX cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2012, quy mô thị trường UPCoM còn nhỏ, chỉ giao dịch theo phương thức thỏa thuận nên thanh khoản còn khiêm tốn. Thời điểm đó, các công ty chứng khoán không mấy mặn mà trong việc tham gia thị trường với tư cách thành viên cam kết hỗ trợ, dẫn tới việc công ty đại chúng gặp khó khăn khi thực hiện đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM. Trước thực tế này, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 95/2010/TT-BTC bỏ quy định doanh nghiệp phải có một thành viên cam kết hỗ trợ khi đăng ký giao dịch trên UPCoM để đơn giản hóa thủ tục cho các doanh nghiệp tham gia thị trường UPCoM. Nhờ đó, trong các năm sau đó, quy mô thị trường UPCoM bắt đầu có sự tăng trưởng.

Song song với đó, HNX cũng không ngừng nghiên cứu các giải pháp để tăng tính hấp dẫn cho UPCoM. Năm 2010, HNX áp dụng bổ sung phương thức khớp lệnh liên tục đối với giao dịch cổ phiếu trên UPCoM, bên cạnh phương thức giao dịch thỏa thuận thông thường và thỏa thuận điện tử. Năm 2011, HNX quy định giá tham chiếu đối với cổ phiếu mới và biên độ dao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu trên UPCoM là ± 40% nhằm hạn chế tình trạng nhà đầu tư đặt những mức giá bất hợp lý, làm ảnh hưởng đến việc xác định giá tham chiếu của cổ phiếu trong những ngày giao dịch tiếp theo. Năm 2014, HNX cũng bắt đầu áp dụng hệ thống CIMS đối với các doanh nghiệp UPCoM giúp các doanh nghiệp chủ động công bố thông tin, rút ngắn thời gian và giảm thiểu sai sót. Để tăng tính hấp dẫn cho cổ phiếu UPCoM, thu hút thêm nhà đầu tư tham gia thị trường, năm 2015, HNX đã nới biên độ dao động giá cổ phiếu trên sàn UPCoM từ ±10% lên ±15%.

Bên cạnh đó, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và Bộ Tài chính, một loạt các chính sách đã được ban hành, quy định công ty đại chúng tham gia UPCoM như một bước tập dượt trước khi tham gia thị trường niêm yết và giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư. Nổi bật trong số đó là: Nghị định số 108/2013/NĐ-CP về việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK;

Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg ngày 15/09/2014 của Thủ tướng Chính phủ về một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp nhà nước; Nghị định số 60/2015/NĐ-CP ngày 26/06/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Thông tư số 180/2015/TT-BTC ngày 13/11/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết; Thông tư số 115/2016/TT-BTC sửa đổi Thông tư số 196/2011/TT-BTC ngày 30/6/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần...

Trên cơ sở đó, UPCoM bắt đầu sôi động hơn, và thực sự bùng nổ từ năm 2015. Chỉ trong vòng 5 năm từ 2014-2018, có 680 doanh nghiệp mới lên UPCoM, gấp 12 lần so với 5 năm trước đó, giá trị giao dịch tăng gấp 18,7 lần, nhà đầu tư nước ngoài giao dịch tăng gấp 90 lần so với giao dịch trong 5 năm trước đó. Riêng trong 10 tháng đầu năm 2021, quy mô thị trường đạt 500 tỷ đồng, tương đương 15% khối lượng giao dịch cổ phiếu trên HNX.

Với quy mô thị trường tăng trưởng mạnh, chất lượng công ty đăng ký giao dịch cũng bị phân hoá, không đồng đều, vì vậy năm 2017, HNX đã tiến hành phân bảng UPCoM theo quy mô vốn và bảng Cảnh báo nhà đầu tư. Phân bảng UPCoM theo quy mô vốn giúp HNX phân loại lượng hàng hóa lớn trên sàn UPCoM và nhà đầu tư dễ dàng hơn trong việc theo dõi các nhóm doanh nghiệp theo vốn chủ sở hữu. Bên cạnh đó, bảng Cảnh báo nhà đầu tư bao gồm các mã chứng khoán bị hạn chế đăng ký giao dịch và tạm ngừng giao dịch nhằm lưu ý nhà đầu tư trước khi quyết định đầu tư.

Mặc dù nghĩa vụ công bố thông tin của các doanh nghiệp trên UPCoM ít hơn so với thị trường cổ phiếu niêm yết, tuy nhiên HNX vẫn nỗ lực để tăng tính minh bạch cho thị trường này. Vì vậy, sau thành công của chương trình Chấm điểm công bố thông tin và Minh bạch các doanh nghiệp niêm yết, năm 2018, HNX đã triển khai chương trình Chấm điểm công bố thông tin và Minh bạch dành cho các công ty đại chúng quy mô lớn trên UPCoM nhằm nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp về minh bạch thông tin và quản trị công ty theo thông lệ tốt.

Theo nhiều chuyên gia chứng khoán, với sự phát triển ngày càng ổn định của thị trường chứng khoán Việt Nam, thì thị trường UPCoM tiếp tục có sức hấp dẫn trong những năm tới đối với các nhà đầu tư tổ chức và là nơi tìm kiếm nguồn vốn cho doanh nghiệp để phát triển sản xuất kinh doanh. Nhận định về tiềm năng thị trường, Chủ tịch HNX Nguyễn Duy Thịnh chia sẻ: “UPCoM có nhiều đặc thù và đa dạng nên có nhiều hấp dẫn, đa dạng về quy mô vốn, quy mô ngành nghề kinh doanh... Nhiều doanh nghiệp lớn khi chưa niêm yết ngay đã gia nhập UPCoM và có tiềm năng tăng giá, nhiều mã như viên ngọc thô chưa được khai phá”.