Thị trường vàng và những điểm nóng năm 2012

Theo Kinh tế và Dự báo

Những ngày cuối cùng của năm 2012, thị trường vàng trong nước và thế giới trôi đi trong bình yên. Dù không tạo “sóng gió” như những năm trước, nhưng giá vàng vẫn có năm thứ 12 tăng liên tiếp.

Thị trường vàng và những điểm nóng năm 2012
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Trong nước: “Nóng” chính sách quản lý

Điểm đáng chú ý nhất liên quan tới thị trường vàng năm vừa qua có lẽ không phải là câu chuyện về giá mà là câu chuyện về chính sách. Năm 2012 đã chứng kiến những thay đổi lớn, có thể nói là chưa từng có tiền lệ, về hoạt động quản lý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với thị trường vàng.

Trước hết, phải kể tới việc SJC trở thành thương hiệu vàng miếng quốc gia duy nhất, trong khi tất cả các thương hiệu vàng “phi SJC” khác bị “khai tử”. Việc kinh doanh vàng miếng tiến tới sẽ chỉ được thực hiện tại các cơ sở đủ tiêu chuẩn, có giấy phép của cơ quan chức năng. Với quy định như vậy, những tiệm vàng nhỏ lẻ vì thế đương nhiên sẽ bị loại khỏi cuộc chơi vàng miếng.

Tiếp đó, hoạt động huy động và cho vay vàng tại các ngân hàng thương mại cũng đã chính thức chấm dứt từ cuối tháng 11/2012, cho dù thời hạn để các ngân hàng đóng hoàn toàn trạng thái vàng đã được NHNN cho lùi sang ngày 30/6/2013. Từ chỗ phải trả lãi cho người dân gửi vàng, đến nay các ngân hàng thương mại đã chuyển sang dịch vụ giữ hộ vàng có thu phí, cho dù trên thực tế, tình trạng “lách luật” đã xảy ra.

Đặc biệt, trong đợt sốt giá diễn ra hồi tháng 9, NHNN đã không dùng biện pháp cho nhập khẩu vàng để hạ nhiệt thị trường như những năm trước.

Những biện pháp trên cho thấy rõ quyết tâm “chống vàng hóa” của cơ quan quản lý trực tiếp cao nhất đối với thị trường đặc thù này. Phát biểu trước Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã khẳng định sẽ không có chuyện liên thông giữa thị trường vàng trong nước và thế giới, và vàng không thuộc diện hàng bình ổn giá.
Một trong những hiệu quả tích cực của chủ trương này là sự ổn định của tỷ giá USD/VND trong suốt năm 2012. Tính đến ngày 24/12 là đã tròn 1 năm tỷ giá USD/VND bình quân liên ngân hàng giữ nguyên ở mức 20.828 đồng. Trên thị trường tự do, giá USD những ngày cuối năm ở dưới mức 20.900 đồng, từ mức khoảng 21.200 đồng cách đây 1 năm.

Thị trường vàng miếng cũng trở nên ổn định hơn sau những nỗ lực can thiệp của cơ quan chức năng. Cảnh người dân xếp hàng để mua bán vàng của những năm trước đã không còn tái diễn. Hoạt động nhập lậu vàng được nhận định là đã bị ngăn chặn, cho dù giá vàng trong nước luôn đứng cao hơn giá thế giới vài triệu đồng mỗi lượng, kỷ lục chênh tới 5 triệu đồng/lượng trong tháng cuối năm, với giá vàng trong nước đứng cao hơn.

Tuy nhiên, chính sách “chống vàng hóa” của NHNN cũng cho thấy những tác dụng phụ. Đầu tiên phải kể tới tình trạng vàng “hai giá”, thậm chí “nhiều giá”. Các loại vàng miếng, bao gồm cả vàng SJC và không phải vàng SJC, vẫn được hiểu đều là vàng có chất lượng 4 số 9 như nhau. Nhưng kể từ khi vàng SJC được chọn làm thương hiệu vàng quốc gia thì giá một số loại vàng “phi SJC” bỗng dưng “đại hạ giá”.

Chẳng hạn, vào cuối giờ chiều ngày 25/12/2012, giá vàng SJC theo niêm yết của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) tại thị trường Tp. Hồ Chí Minh là 46,35 triệu đồng/lượng mua vào và 46,6 triệu đồng/lượng bán ra. Trong khi đó, vàng Rồng Thăng Long của Công ty Bảo Tín Minh Châu được công ty này yết giá ở mức 42,85 triệu đồng/lượng và 43,1 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và giá bán. Giá vàng Rồng Thăng Long đang thấp hơn giá vàng SJC 3,5 triệu đồng/lượng, đồng nghĩa với thiệt thòi lớn đối với người dân đã mua vàng Rồng Thăng Long ngang giá với vàng SJC trước kia.

Dù NHNN khẳng định chủ trương bảo vệ quyền lợi của người dân nắm giữ các thương hiệu vàng không phải SJC, tình trạng chênh lệch giá giữa các thương hiệu vàng miếng đã và đang khiến không ít người dân thiệt thòi.

Tình trạng này cũng được xem là đã tạo cơ hội thu lợi lớn cho một số doanh nghiệp khi chuyển đổi từ vàng “phi SJC” sang vàng SJC, vì phí chuyển đổi chỉ mất có vài chục nghìn đồng mỗi lượng. Đã có những ý kiến gọi độ chênh hàng triệu đồng mỗi lượng giữa giá vàng SJC và thương hiệu khác là “cái giá phải trả” khi người tiêu dùng chọn vàng SJC.

Một vấn đề nữa là chênh lệch quá lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới đang tồn tại. Tính đến thời điểm ngày 25/12, giá vàng trong nước đang cao hơn thế giới quy đổi khoảng 4,75 triệu đồng/lượng. Trước đó ít ngày, khoảng cách này thậm chí lên mức 5 triệu đồng/lượng, cao chưa từng có trong lịch sử.

Chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước - thế giới, cụ thể hơn là giữa giá vàng miếng SJC và vàng thế giới, được cho là xuất phát từ việc các ngân hàng thương mại phải gom vàng để tất toán trạng thái theo chỉ đạo của NHNN, gây sức ép lên nguồn cung, cho dù công ty SJC đã được NHNN chỉ đạo thực hiện những đợt gia công lớn để chuyển đổi vàng “phi SJC” và SJC móp méo thành vàng SJC chuẩn để cung ứng cho thị trường.

Giá vàng trong nước vượt xa thế giới là một lý do khiến người dân trở nên “dè chừng” với vàng, khiến lực mua vàng trong dân ảm đạm. Mặc dù vậy, tình trạng xuất hiện vàng giả, nhái SJC đã rộ lên trong mấy tháng gần đây do giới làm vàng giả muốn trục lợi từ tình trạng chênh lệch giá vàng này.

Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng SJC đã tăng được khoảng 3 triệu đồng/lượng, tương đương tỷ lệ tăng xấp xỉ 7%, thua mức lãi tiền gửi ngân hàng VND. Sau nhiều lần điều chỉnh giảm trong năm nay, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 hiện ở mức 8%/năm.

So với các năm trước, khả năng sinh lợi của vàng trong năm nay cũng đã kém đi nhiều. Giá vàng SJC  đã tăng trên 30% trong năm 2010 và khoảng 20% trong năm 2011.

Thế giới: Giá vàng đang “chùn bước”

Trên thị trường thế giới, giá vàng cũng không tăng được nhiều trong năm nay, dù đây đã là năm tăng thứ 12 liên tiếp của giá kim loại này. Từ đầu năm đến ngày 25/12, giá vàng giao ngay tại thị trường New York tăng được chưa đầy 6%, mức tăng thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây. Năm ngoái, giá vàng thế giới tăng 10%.

Chốt phiên ngày 24/12, giá vàng giao ngay tại New York gần mức 1.660 USD/oz. Năm nay, giá vàng đã không phá nổi ngưỡng cản 1.800 USD/oz. Kỷ lục mọi thời đại của giá vàng hiện là mức hơn 1.920 USD/oz thiết lập vào tháng 9/2011.

Năm 2012, giá vàng vẫn được hỗ trợ bởi môi trường lãi suất thấp và nhu cầu mua vàng phòng ngừa rủi ro của giới đầu tư trong bối cảnh khủng hoảng nợ leo thang ở châu Âu cũng như hàng loạt bất ổn khác của kinh tế toàn cầu. Hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Nga, Brazil hay Hàn Quốc… cũng được đánh giá là một nguồn lực nâng đỡ quan trọng đối với giá vàng.

Tuy vậy, địa vị “vịnh tránh bão” của vàng dường như không còn mạnh như những năm trước. Thay vào đó, đồng USD đang được giới đầu tư ưa chuộng hơn cho mục đích tìm kiếm sự an toàn.

Trong tháng 12/2012, vàng đã bị nhiều nhà đầu tư bán tháo trước những bất ổn khó đoán định xung quanh cuộc đàm phán ngân sách của Mỹ. Triển vọng còn ảm đạm của kinh tế thế giới đồng nghĩa với lạm phát khó tăng cao trong năm 2013 cũng là một áp lực không nhỏ đối với vàng - tài sản phòng ngừa lạm phát hàng đầu. Ngoài ra, kinh tế đi xuống khiến tiêu thụ vàng tại hai thị trường vàng lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ năm nay cũng không tăng trưởng mạnh như các năm trước.

Mới đây, tỷ phú Jim Rogers, một nhà đầu tư vàng “sừng sỏ” của Mỹ, đã tỏ thái độ thận trọng về triển vọng giá vàng. “Hãy cẩn trọng. Có rất nhiều người tin vàng sẽ tăng giá, trong đó có cả tôi, nhưng tôi rất dè dặt”, ông Rogers nói trên kênh CNBC.

Nhiều tổ chức dự báo lớn cũng đã cắt giảm dự báo giá vàng cho năm 2013. Công ty Barclays Capital thuộc ngân hàng Barclays của Anh mới đây đã điều chỉnh giảm dự báo giá vàng 2013 xuống mức trung bình 1815 USD/oz.

Ngân hàng Mỹ Goldman Sachs từng dự báo giá vàng trong năm 2013 sẽ lên 1.940 USD/oz, nhưng trong dự báo đưa ra hôm 6/12, ngân hàng này đã điều chỉnh dự báo giá vàng 2013 về 1.810 USD/oz. Trong khi đó giá vàng trong năm 2014 được Goldman Sachs dự báo lùi về mức trung bình 1.750 USD/oz.

Theo dự báo mà Ngân hàng BNP Paribas của Pháp công bố hôm 6/12, giá vàng thế giới 2013 sẽ ở mức trung bình 1.865 USD/oz, giảm 1,8% so với dự báo trước đó.

Mặc dù vậy, vẫn có những tổ chức dự báo giá vàng sẽ tiếp tục chuỗi năm tăng giá sang năm sau. Ngân hàng hàng đầu Thụy Sỹ UBS cho rằng việc kinh tế Mỹ vẫn còn bất ổn cộng với khả năng các ngân hàng trung ương tiếp tục bơm tiền ra thị trường sẽ giúp giá vàng tăng trong năm tới, lên mức trung bình 1900 USD/oz.