Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Thị trường này đang hướng tới mốc 19,5 tỷ USD của năm nay.
Thứ nhất, diễn biến xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ có 3 thời điểm quan trọng. Vào cuối năm 1994, Hoa Kỳ bỏ cấm vận đối với Việt Nam. Quan hệ thương mại giữa 2 nước đã hình thành, dù đến năm 2004 quy mô vẫn còn nhỏ nhưng từ năm 1995 đã liên tục tăng nhanh. Năm 2000, Việt Nam và Hoa Kỳ ký Hiệp định Thương mại song phương, quy mô xuất khẩu đã cao gấp trên 7,7 lần năm 1994 và tăng tới 45,4% so với năm 1999.
Những năm sau, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ liên tục tăng với tốc độ khá cao. Năm 2007, ngay cả khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tức là thị trường xuất khẩu được mở rộng hơn theo vị thế mới của một thành viên WTO, thì kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ vẫn tăng khá cao (28,8%). Năm 2012, mới qua 10 tháng, xuất khẩu của Việt Nam đã đạt xấp xỉ đỉnh điểm của cả năm 2011.
Thứ hai, tốc độ tăng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ nhìn chung đã cao hơn nhiều so với tốc độ tăng chung của tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (năm 2011 so với năm 1994 tương ứng là 178,2 lần so với 23,9 lần, so với năm 1999 là 53,4 lần so với 8,4 lần). Riêng so với năm 2006, tốc độ tăng của xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thấp hơn một chút so với tốc độ chung (gần 2,2 lần so với trên 2,4 lần), nhưng chủ yếu do quy mô xuất khẩu sang Hoa Kỳ đã đạt tốc độ tăng rất nhanh trong thời kỳ trước, việc duy trì tốc độ tăng cao như trước là rất khó.
Thứ ba, tỷ trọng xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng nhanh và hiện ở mức khá cao, vượt xa so với các nước đứng thứ hai. Tỷ trọng này, nếu năm 1994 mới đạt trên 2,3%, thì năm 2000 đã đạt gần 5,1%, năm 2007 đạt 20,8%; năm 2011, tỷ trọng này có thấp hơn mấy năm trước, nhưng vẫn ở mức khá cao (gần 17,5%).
Thứ tư, trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong 10 tháng 2012, đã có 15 mặt hàng đạt trên 100 triệu USD, trong đó có 8 mặt hàng đạt trên 500 triệu USD.
Trong đó, dệt may đạt 6,247 tỷ USD, chiếm 38,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ, chiếm 50% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam (vượt xa nước đứng sau như Nhật Bản 1,621 tỷ USD, Hàn Quốc 906 triệu USD, Đức 441 triệu USD, Anh 372 triệu USD...). Việt Nam cũng là nước xuất khẩu dệt may lớn thứ 2 vào Mỹ (sau Trung Quốc).
Giày dép đạt 1,823 tỷ USD, đạt 11,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ, bằng 31,3% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam, là thị trường lớn nhất (chiếm 39,3%) trong các thị trường nhập khẩu giày dép của Việt Nam, vượt xa các thị trường lớn khác.
Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,463 tỷ USD, chiếm trên 9% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ. Mỹ cũng là thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam (chiếm 38,7%), vượt xa các thị trường lớn khác.
Các mặt hàng khác đạt trên 500 triệu USD và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu tương ứng của Việt Nam. Đó là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng (đạt 812 triệu USD, chiếm 17,6%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (710 triệu USD, chiếm 11,6%); phương tiện vận tải và phụ tùng (đạt 522 triệu USD, chiếm 13,9%); túi xách, ví, va li, mũ và ô dù (504 triệu USD, chiếm 41,2%)...
Thứ năm, trong quan hệ buôn bán giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, Việt Nam liên tục giữ vị thế xuất siêu và xuất siêu với quy mô lớn, ngày một tăng (nếu năm 2000 mới đạt 0,37 tỷ USD, thì năm 2005 đạt 5,1 tỷ USD, năm 2010 đạt gần 10,5 tỷ USD, năm 2011 đạt gần 12,4 tỷ USD, năm 2012 mới qua 10 tháng đã đạt trên 12,2 tỷ USD). Chính sự xuất siêu lớn với Hoa Kỳ đã góp phần làm giảm nhập siêu với các thị trường khác.
Thứ sáu, nếu xuất khẩu bình quân 1 tháng trong 2 tháng cuối năm giữ được như tiến độ trong 10 tháng qua, thì cả năm 2012 sẽ đạt 19,5 tỷ USD, đỉnh điểm mới kể từ trước đến nay.