“Thiên đường thuế” của các đại gia đang dốc vốn mạnh vào Việt Nam
Nhiều năm nay, dòng tiền từ các “thiên đường thuế’’ như British Virgin Islands (BVI), Cayman Islands, Singapore, Hồng Kông, Bermuda, Panama, Luxembourg, Bahamas, Panama... vẫn tiếp tục rộng cửa vào Việt Nam.
"Thiên đường" của đại gia
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) xác định ba yếu tố quan trọng trong việc xem xét liệu một khu vực có là một thiên đường thuế hay không.
Thứ nhất là không đánh thuế hoặc thuế gần như bằng không. Thứ hai là bảo mật thông tin tài chính cá nhân. Thứ ba là thiếu minh bạch. Một trong những đặc điểm nổi bật của thiên đường thuế đó là các quốc gia đó rất hạn chế trong việc cung cấp thông tin cho cơ quan thuế nước ngoài, nhất là những thông tin về tài chính.
Do vậy, thiên đường thuế thường được dùng để ám chỉ các quốc gia, vùng lãnh thổ mà tại đó duy trì một hệ thống bảo mật thông tin tài chính, cho phép các cá nhân nước ngoài che giấu tài sản hoặc thu nhập để tránh thuế, hoặc giảm nghĩa vụ thuế phải nộp tại quốc gia, vùng lãnh thổ mà họ cư trú.
Các nước thuộc khu vực Caribbean là nơi tập trung nhiều thiên đường thuế trên thế giới. Một số thiên đường thuế nổi tiếng nhất tại khu vực Caribbean là Bahamas, Pananma và Cayman Islands.
Ngoài ra, Bermuda, British Virgin Islands, Hong Kong, Thụy Sĩ, Hồng Kông, Isle of Man, Monaco, Panama,… cũng là những thiên đường thuế nổi tiếng thế giới.
Trước kia có nhiều hơn các quốc gia được coi là thiên đường thuế (bao gồm cả các nền kinh tế lớn như Mỹ, Đức, Canada, Nhật…). Tuy nhiên, sau này các nước G20 đã cam kết tuân theo tiêu chuẩn thuế thống nhất, nên một số quốc gia đã ra khỏi danh sách thiên đường thuế để không bị trừng phạt.
Cuộc điều tra toàn cầu "Hồ sơ Paradise" (hay còn được gọi là "Hồ sơ Thiên đường") vừa công bố những tài liệu rò rỉ từ công ty luật chuyên về dịch vụ pháp lý hải ngoại Appleby đã tiết lộ cách thức giấu tài sản ở nước ngoài của giới siêu giàu và chính trị gia toàn cầu thông qua các công ty offshore (công ty hải ngoại).
Đây là vụ rò rỉ tài liệu lớn sau vụ "Hồ sơ Panama" vào năm ngoái nhưng "Hồ sơ Paradise" được đánh giá là lột tả được tính tinh vi, phức tạp trong hệ thống thuế hải ngoại trên toàn cầu.
Giáo sư chính trị quốc tế Ronen Palan tại Đại học London (Anh) đánh giá trên trang The Conversation (Australia) rằng "Hồ sơ Paradise" tiết lộ cho chúng ta nhiều hơn về các hoạt động đầu tư ra nước ngoài của giới tinh hoa trong thương trường và chính trường của các quốc gia như Mỹ và Anh, với các cái tên nổi tiếng gồm Nike, Apple , Ubervà Nữ hoàng Anh Elizabeth II, 13 cố vấn, các thành viên của chính phủ Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump,...
'Hồ sơ Paradise' công bố 13 công ty, 25 cá nhân liên quan tới Việt Nam trong đó có nhiều cái tên được cho là trùng với tên của nhiều doanh nhân nổi tiếng tại Việt Nam như Don Lam, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital; Nguyen Louis T, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ đầu tư SAM hay ông Dominic Scriven , Tổng giám đốc Dragon Capital...
Giữ tài sản ở nước ngoài là được xem một trong những nghiệp vụ bí ẩn nhất của thế giới tài chính, nhằm giấu của cải khỏi tầm mắt của các quan chức thuế, làm mập mờ nguồn gốc và danh tính chủ nhân thực sự.
Có rất nhiều lý do hợp pháp để mở tài khoản ngân hàng ở nước ngoài. Người giàu làm vậy để quản lý tốt hơn danh mục đầu tư, hoặc để bảo vệ tài sản của mình. Nhưng nó cũng có thể được dùng để giúp họ trả ít thuế hơn, một cách hợp pháp.
Trên giấy tờ, các công ty offshore (hay còn được gọi là "công ty ma", "công ty vỏ bọc") rất giống công ty thật. Nhưng thực tế, các công ty này có thể không tạo ra sản phẩm, không có văn phòng hay nhân viên. Các công ty này có thể hoạt động với mục đích kinh doanh hợp pháp, nhưng chúng cũng có thể được dùng để che giấu chủ nhân của khối tài sản hoặc để né thuế.
Năm ngoái, vụ rò rỉ tài liệu "Hồ sơ Panama" của Công ty luật Mossack Fonseca đã hé lộ hàng loạt các công ty vỏ bọc được thành lập tại nước ngoài được cho là nhằm mục đích né thuế. Theo Oxfam, các dữ liệu cho thấy, cứ 10 phút, công ty luật Mossack Fonseca lại tạo ra 1 công ty ở nước ngoài.
Vốn từ "thiên đường thuế" chảy mạnh vào Việt Nam
Nhiều năm nay, dòng tiền từ các “thiên đường thuế’’ như British Virgin Islands (BVI), Cayman Islands, Singapore, Hồng Kông, Bermuda, Panama, Luxembourg, Bahamas, Panama... vẫn tiếp tục rộng cửa vào Việt Nam.
Năm 2016, thiên đường thuế British Virgin Islands đứng thứ 5 danh sách quốc gia, vùng lãnh thổ đổ vốn FDI nhiều nhất vào Việt Nam. Quần đảo Cayman Island đứng vị trí thứ 13. Nguồn: FIA
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 7 tháng đầu năm 2017, chỉ riêng thiên đường thuế British Virgin Islands (BVI) đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam tới trên 1 tỷ USD, và giữ vững vị trí thứ 5 trong danh sách các quốc gia vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều nhất vào Việt Nam. Trong đó riêng góp vốn, mua cổ phần đã gần 850 triệu USD.
Với 850 triệu USD, các nhà đầu tư đến từ quần đảo British Virgin Islands (BVI), vốn được biết đến là “thiên đường thuế” được ưa chuộng hàng đầu thế giới, đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất đầu tư vào Việt Nam thông qua hình thức này.
Tính lũy kế đến hết tháng 10/2017, BVI đứng thứ 5 quốc gia vùng lãnh thổ có vốn FDI nhiều nhất vào Việt Nam, với tổng số vốn đầu tư đăng ký 22,4 tỷ USD.
BVI là quần đảo với diện tích chỉ vỏn vẹn 153 km2, là một lãnh thổ hải ngoại của Anh ở khu vực biển Caribe. Nhờ những lợi thế về ưu đãi thuế, tính bảo mật cao, thủ tục thành lập dễ dàng... BVI không ngừng thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài khổng lồ và khẳng định thương hiệu thiên đường thuế số một trên thế giới.
Với dân số của BVI chỉ khoảng 28.000 người, nhưng hiện tại đây đã có khoảng 850.000 doanh nghiệp toàn cầu “đóng đô” trụ sở đăng ký tại đây để rót vốn đầu tư đến sang các quốc gia khác. Các công ty thuộc đảo Virgin không có văn phòng mà chỉ gói gọn trong những hòm thư.
Hay ở một tòa nhà tại thiên đường thuế Delaware (Mỹ), có tới hơn 200.000 công ty đăng ký tại đây. Với chi phí chỉ từ 79-100 USD là có thể lập công ty mà chẳng cần đi đâu, thậm chí "chỉ cần ngồi ở Hà Nội cũng có thể lập được".
Công ty quản lý quỹ đầu tư Dragon Capital được thành lập vào năm 1994 tại BVI đã rót hàng tỷ USD vốn đầu tư vào các dự án tại Việt Nam và vào hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam như Vinamilk, Vietjet, MBBank, Hòa Phát, Novaland, ACB, FPT, Thế giới Di động, ACV, Sabeco,... và nhiều dự án bất động sản trên toàn quốc.
Dragon Capital cũng là cổ đông lớn của Công ty Chứng khoán Bản Việt (mã: VCI), cổ đông của Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ).
Hàng loạt công ty quản lý quỹ đầu tư nước ngoài lớn khác như Indochina Capital Adviser, Vietnam Asset Management Ltd, VinaCapital Investment Management Ltd, PXP Vietnam Asset Management Ltd, Vietnam Holding Asset Management Ltd, Clear Water Capital Partner Singapore PTE Ltd cũng đăng ký đầu tư đến Việt Nam với địa chỉ đặt ở quần đảo này.
Cũng nhắc lại rằng, trong danh sách 189 cá nhân bao gồm 101 người Việt, gốc Việt và 88 cá nhân nước ngoài liên quan đến Việt Nam trong Hồ sơ Panama, nhiều người có liên quan đến các công ty nước ngoài đăng ký đặt ở cùng một địa điểm: thiên đường thuế BVI.
Nhiều tập đoàn đa quốc gia khổng lồ như Procter & Gamble (P&G), ConocoPhillip, Intel thông qua các chi nhánh của họ tại BVI để rót vốn đầu tư vào Việt Nam.
Một số tổ chức tài chính tên tuổi trên thế giới hiện diện tại BVI như Barclays Bank, HSBC, Barrington Bank, First Bank Virgin Islands, First Caribbean International Bank, VP Bank (BVI) Limited. Trong đó, HSBC đang đầu tư tại Việt Nam.
Ngoài thiên đường thuế BVI, số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho thấy, các thiên đường thuế khác trên thế giới như Singapore, Hồng Kông, Cayman Islands, Bermuda, Panama, Luxembourg, Bahamas, Panama… cũng đang dốc vốn mạnh vào Việt Nam.
Tính lũy kế các dự án còn hiệu lực đến hết tháng 11/2017 thì số vốn rót vào Việt Nam của nhà đầu tư Singapore là hơn 41,7 tỷ USD, Hồng Kông hơn 17,6 tỷ USD, Samoa 7,1 tỷ USD, Cayman Islands gần 6,5 tỷ USD, Luxembourg 2,3 tỷ USD, Bermuda 309 triệu USD, Bahamas 108 triệu USD, Panama 63 triệu USD,...
Một số dự án lớn của những công ty đến từ thiên đường thuế có thể kể đến như Công ty TNHH Worldon Việt Nam của nhà đầu tư Gain Lucky Limited đăng ký đầu tư 300 triệu USD sản xuất hàng may mặc cao cấp tại TP. HCM; Công ty TNHH Trung tâm thương mại VinaCapital với vốn 325 triệu USD buôn bán khu thương mại, khách sạn, văn phòng, dịch vụ khách sạn, bất động sản; Công ty TNHH GVD Việt Nam I đầu tư 300 triệu USD phát triển, quản lý khu căn hộ chung cư và những dịch vụ chuyên chở khách du lịch, dịch vụ cho thuê xe...
Đặc biệt, Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam - phát triển và điều hành cụm rạp chiếu phim tại Việt Nam - là một doanh nghiệp có 80% vốn đầu tư thuộc về tập đoàn CJ (Hàn Quốc) nhưng được đầu tư vào Việt Nam thông qua Envoy Media Partners Limited, một công ty đăng ký kinh doanh tại thiên đường thuế British Virgin Islands.
Mặc dù các thiên đường thuế được xem là hợp pháp, tuy nhiên một số lỗ hổng được cho là đã được sử dụng một cách bất hợp pháp để các cá nhân và tổ chức trốn thuế và che giấu những mối quan hệ mờ ám.
Năm 2016, báo cáo “Cuộc đua thuế” của Oxfam đã công bố danh sách "15 thiên đường thuế tồi tệ nhất thế giới" xếp theo mức độ nghiêm trọng như sau: (1) Bermuda (2) Cayman Islands (3) Hà Lan (4) Thụy Sỹ (5) Singapore (6) Ireland (7) Luxembourg (8) Curaçao (9) Hồng Kông (10) Cộng hòa Síp (11) Bahamas (12) Jersey (13) Barbados, (14) Mauritius và (15) British Virgin Islands.
Theo chuyên gia của Oxfam, các quốc gia đang phát triển bao gồm cả Việt Nam thiệt hại khoảng 170 tỷ USD mỗi năm do hành vi lợi dụng các thiên đường thuế để trốn thuế của các tập đoàn đa quốc gia.
Chuyên gia này cho biết, 50% vốn FDI đầu tư vào Việt Nam là đến từ thiên đường thuế nên lợi nhuận đều chuyển về đó. Do đó, lợi nhuận của các khoản đầu tư này chỉ phải đóng khoản thuế rất nhỏ tại các thiên đường thuế trong khi Việt Nam lại không thu được một đồng nào.
Trao đổi với Nhadautu.vn, Luật sư Bùi Quang Tín, thành viên Đoàn Luật sư TP. HCM cho biết, đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài thông thường có hai cách. Cách thứ nhất là đầu tư theo các dự án đã xin phép, theo dự án được Bộ Kế hoạch & Đầu tư cấp phép. Phương án thứ hai là đầu tư lậu, chuyển tiền lậu, mọi rủi không được pháp luật Việt Nam bảo vệ.
Trong trường hợp đầu tư đúng theo pháp luật Việt Nam có hai hướng đầu tư: đầu tư vào quốc gia không phải thiên đường thuế và đầu tư vào quốc gia thiên đường thuế. Trong đó, đầu tư vào các quốc gia thiên đường thuế lại có hai hướng bao gồm: đầu tư trực tiếp theo dự án xin Bộ Kế hoạch & Đầu tư và đầu tư tiền ra nước ngoài vào các thiên đường thuế một cách hợp pháp theo dự án đã xin nhưng không hợp pháp ở chỗ là không đầu tư theo đúng dự án đã xin.
Ngoài ra, một cách thức khác đầu tư vào các thiên đường thuế là mở văn phòng đại diện để chuyển tiền ra nước ngoài, nhưng thực chất là đầu tư ở Việt Nam, lời chuyển ra nước ngoài, nhưng ở Việt Nam lại báo lỗ. Doanh nghiệp sẽ chuyển giao dịch tại Việt Nam ra nước ngoài để tránh bị đánh thuế tại Việt Nam. Cách thức này, theo Luật sư Tín, là một thực trạng khá phổ biến vì các doanh nghiệp muốn né thuế như cách các doanh nghiệp FDI chuyển giá.