Chấn động “hồ sơ Paradise” về rửa tiền, trốn thuế
Tương tự như vụ Hồ sơ Panama bị phanh phui trong năm 2016, Hồ sơ Paradise, với 13,4 triệu tài liệu dung lượng 1,4 TB tiếp tục là thành quả điều tra của báo Nam Đức cùng Liên đoàn nhà báo điều tra quốc tế ICIJ, hợp tác với các tờ báo lớn như Guardian, BBC và New York Times.
Tiếp sau vụ rò rỉ Hồ sơ Panama cho báo chí lớn nhất trong lịch sử, năm nay, thế giới lại được một phen chấn động khi các nhà báo điều tra quốc tế lại vừa công bố một loạt hồ sơ tiết lộ các cách thức trốn thuế của những người giàu nhất thế giới, các công ty đa quốc gia.
Với tên gọi Hồ sơ Paradise, các tài liệu tiếp tục phanh phui các câu chuyện về những tài khoản giữ tiền của những người giàu có nhất thế giới tại nước ngoài - nơi mà hầu hết Chính phủ các nước không thể "can thiệp". Hơn 120 chính khách đến từ khoảng 50 quốc gia, những mạng xã hội hàng đầu như Twitter, Facebook, hay các tập đoàn đa quốc gia như Nike, Apple, Uber đều có tên trong hồ sơ Paradise.
Theo ICIJ, các tài liệu lần lượt được công bố trong tuần này sẽ hé lộ những thông tin về tài khoản tại nước ngoài của những người giàu có nhất thế giới; những thiên đường thuế và cả cách thức mà các tập đoàn đa quốc gia sử dụng để lách luật, bảo vệ tài sản của mình.
Điểm "sơ qua" Hồ sơ Paradise người ta thấy có những tên tuổi lớn như Nữ hoàng Anh Elizabeth II, bộ trưởng thương mại Mỹ Wilbur Ross cùng các quan chức cấp cao trong nội các của ông Trump, nhiều công ty đa quốc gia,….
Cụ thể theo hồ sơ này, 10 triệu bảng Anh (13 triệu USD) tiền riêng của Nữ hoàng Anh đã được đầu tư vào một quỹ ở Cayman Islands chưa từng được công bố. Một phần tiền của bà cũng đã đầu tư cho một doanh nghiệp bán lẻ bị cáo buộc đã bóc lột các gia đình nghèo và những đối tượng dễ bị tổn thương.
Hồ sơ Paradise cũng cho thấy cách thức hai mạng xã hội Twitter và Facebook đã nhận về hàng trăm triệu USD ở dạng thức các khoản đầu tư có thể truy nguyên thuộc về các tổ chức tài chính nhà nước của Nga.
Đặc biệt, 1/2 số tài liệu bị rò rỉ này có liên quan đến hoạt động trong 70 năm qua của Appleby - một trong những hãng luật hàng đầu thế giới, có trụ sở tại Bermuda, chuyên đại diện cho thân chủ ở hải ngoại, tư vấn cách thức giảm thuế một cách hợp pháp.
Cụ thể là gồm nhiều thông tin chi tiết từ 19 cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh tại Antigua và Barbuda, Aruba, Bahamas, Bardados, Bermuada, quần đảo Cayman, đảo Cook, Dominica, Grenada, Labuan, Lebanon, Malta, quần đảo Marshall, St Kitts and Nevis, St Lucia, St Vincent, Samoa, Trinidad và Tobago, Vanuatu. Đây là những khu vực thẩm quyền tài phán bí mật, tức là có rất ít hoặc không có trách nhiệm về thuế.
Giới nghiên cứu dự báo, thông tin bị rò rỉ từ Hồ sơ Paradise chắc chắn sẽ gây áp lực không nhỏ với các nhà lãnh đạo thế giới, đặc biệt là Anh và Mỹ, những quốc gia đã cam kết tiến hành những chính sách mạnh tay, nhằm chặn đứng tình trạng trốn thuế, rửa tiền của giới siêu giàu.
Một nghiên cứu mới đây cho thấy, giới nhà giàu, các công ty đa quốc gia lại đẩy mạnh việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài với con số lên tới 600 tỷ Euro chỉ trong năm 2016.