Thiếu công nghệ, nông nghiệp sẽ mãi “làm thuê”
(Tài chính) “Người nông dân đang muốn gì ở doanh nghiệp (DN), ở Nhà nước; các DN gặp khó khăn như thế nào hay địa phương cần hỗ trợ chính sách gì từ Trung ương… Chính phủ sẽ sẵn sàng lắng nghe, thậm chí là nghe nhiều hơn nữa để từ đó tháo gỡ khó khăn, đưa nền nông nghiệp Việt Nam đi lên, vượt trội và cạnh tranh với các nước trên thế giới”.
Đây là những chia sẻ của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Hội thảo Khoa học và công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, vừa được hai Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức ngày 6/12.
Xuất giá rẻ, nhập giá cao
Tại hội thảo, các DN đã không ngần ngại lên tiếng về những vướng mắc vốn đã cố hữu trong nền nông nghiệp từ lâu. Đó là việc đại diện Sở NN&PTNT Cần Thơ lên tiếng kêu cứu khi nông sản địa phương này nói riêng và cả nước nói chung đang phải cạnh tranh quyết liệt đối với hàng nông sản của nước ngoài trên thị trường trong và ngoài nước (đặc biệt là nông sản nhập khẩu chất lượng cao).
Vị này cho rằng “nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra, không nâng cao chất lượng nông sản và giá trị gia tăng của nông sản sản phẩm thông qua công nghiệp chế biến, nông sản địa phương chỉ xuất khẩu ở dạng thô với giá trị thấp và nhập nông sản có hàm lượng chế biến cao”.
Hay ông Nguyễn Hữu Vũ, Tổng Giám đốc Công ty CP Dược và vật tư thú y (Hanvet), đã đưa ra cảnh báo khi vacxin thú y sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 5 - 10% nhu cầu nên để vắc xin nhập khẩu thao túng thị trường giá.
Vì vậy, ông Vũ cho rằng Nhà nước cần có chính sách đối với DN trong nước nghiên cứu và phát triển các sản phẩm vắc xin, hỗ trợ về con giống vi sinh vật, đặc biệt là chính sách “ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phải có hàng rào kỹ thuật để bảo vệ hàng Việt.
Cùng với đó, ông Lê Anh Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh, cho biết đến nay, vùng quy hoạch tôm còn manh mún, đầu tư cơ sở hạ tầng còn yếu, dân nuôi thiếu điện, thiếu nước, quy trình lạc hậu không áp dụng được, nông dân nuôi trồng thủy sản không tiếp cận được với các nguồn vốn ưu đãi từ Chính phủ, ngân hàng nói không với người nuôi.
Theo nhiều DN, mặc dù ngân hàng đã có chính sách cho vay vốn ưu đãi nhưng xem xét kỹ với tài sản bảo đảm, thủ tục điều kiện để vay vốn ngân hàng còn nhiều phiền hà, gây khó cho DN.
Hơn nữa, nếu DN vay trung và dài hạn vẫn phải chịu lãi suất ở mức khá cao, từ 14 - 15%. Đó là một trong những nguyên nhân đẩy các DN rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng hoặc đình đốn vì thiếu vốn xoay vòng, tái đầu tư kinh doanh.
Công nghệ lẹt đẹt
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có 33.000 DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 90% có số vốn dưới 10 tỷ đồng. Đầu tư của DN dành cho đổi mới và nghiên cứu KHCN chiếm tỷ lệ nhỏ trên tổng doanh thu.
Bên cạnh đó, trong số 350 DN có tiềm năng phát triển thành DN KHCN, chỉ có 28 DN (8%) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Các tiến bộ khoa học mới đóng góp khoảng 30% vào tăng trưởng nông nghiệp.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhận định, nhìn chung trình độ KHCN nông nghiệp trong nhiều lĩnh vực của nước ta còn thấp và chậm phát triển, có khoảng cách xa so với thế giới và khu vực, chưa đáp ứng được yêu cầu là nền tảng và động lực phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt, chưa làm chủ được công nghệ tạo giống, vaccine, chế phẩm sinh học trong phòng chống dịch bệnh…
Thứ trưởng Doanh cũng nhấn mạnh rằng công tác nghiên cứu còn phân tán, thiếu tính đột phá và ứng dụng không cao. Các công trình nghiên cơ bản có chất lượng thấp, số lượng công bố quốc tế của Việt Nam không bằng 1/3 Thái Lan, 1/4 của Malaysia và 1/6 Singapoe. Nhiều công trình nghiên cứu không đi đến kết quả ứng dụng trong thực tiễn sản xuất.
Ông Trần Mạnh Báo, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình, cho biết trên thực tế, đã có rất nhiều đề tài khoa học nhưng không được phổ biến, chuyển giao vào cuộc sống vì thiếu một mắt xích là DN.
“Để rồi hơn 30 năm đổi mới đất nước, chúng ta vẫn tư duy nghiên cứu khoa học không sát với thực tiễn, không xuất phát từ nhu cầu thị trường, dẫn đến nhiều DN có vốn lớn, cơ sở vật chất nhiều nhưng không chủ động nghiên cứu và ứng dụng KHCN vào sản xuất nên chất lượng sản phẩm không cạnh tranh được”, ông Báo nói.
Hơn nữa do sự chưa thống nhất của các ngành, đặc biệt là ngành thuế, nên việc hưởng ưu đãi về thuế thu nhập DN cho DN KHCN gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, Công ty CP Giống cây trồng miền Nam được cấp Giấy chứng nhận DN KHCN từ ngày 30/7/2012, nhưng đến nay chưa được hưởng ưu đãi, do Cục Thuế thành phố phải xin ý kiến Tổng cục Thuế.
Mặt khác, các chính sách thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chính sách hỗ trợ các mô hình liên kết chuỗi giá trị, chính sách thúc đẩy liên kết 4 nhà… chưa đủ mạnh, chưa thực sự khuyến khích được các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động KHCN.
Bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH, chia sẻ: do các dự án công nghệ cao trong nông nghiệp cần phải có quỹ đất lớn. Nhưng để huy động được nguồn lực về đất đai cho ứng dụng công nghệ cao lại là chuyện không dễ.
“Người nông dân hiện nay chỉ suy nghĩ trên mảnh đất của mình, trồng thấy tốt thì vui mừng, có khi không quan tâm khi thu hoạch sẽ bán ở đâu, giá bao nhiêu, ăn thì thừa bán thì thiếu… Thế nên cần phải có lộ trình đưa người nông dân vào các dự án, cùng DN thành lập công ty nguyên liệu và nông dân là một trong những mắt xích vô cùng quan trọng của chuỗi giá trị công nghệ cao”, bà Hương kiến nghị.
Cũng theo bà Hương, cần phải có chính sách thích hợp để lôi kéo bằng được các DN có đủ năng lực vào sản xuất nông nghiệp nông thôn, thực hiện các dự án công nghệ cao trên phạm vi quy mô lớn nhằm tạo ra sản xuất hàng hóa năng suất trên một đơn vị diện tích canh tác, tạo ra nhiều công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động thì mới tạo ra được bước đột phá cho cuộc cách mạng nông nghiệp nông thôn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam
Để phát triển ngành nông nghiệp trong những năm tới cần nâng cao vai trò của KHCN, mà trước hết cần chú trọng vai trò của các viện, trường nghiên cứu KHCN; trong đó, các cơ sở nghiên cứu cần tự chủ, hạch toán như DN và tiến tới hoạt động như một DN thực thụ. Đồng thời, các đơn vị liên quan cần có tinh thần cầu thị, không ngại khó, mạnh dạn làm thử khi thực hiện các đề tài, dự án về KHCN trong sản xuất nông nghiệp. Không chỉ những công nghệ hiện đại, đầu tư lớn mà rất nhiều sáng kiến nhỏ trong ứng dụng KHCN cũng cần được quan tâm, nêu lên.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát
Động lực mới cho sự phát triển KHCN nông nghiệp không thể chỉ chờ vào Nhà nước đầu tư mà phải được tìm kiếm trong đổi mới chính sách về KHCN, khuyến khích các tổ chức của Nhà nước hoạt động có hiệu quả hơn. Đặc biệt phải thu hút và khuyến khích DN chủ động tham gia mạnh mẽ hơn vào nghiên cứu ứng dụng chuyển giao KHCN, liên kết chặt chẽ hơn giữa các viện, trường, trung tâm khuyến nông với các DN. Đồng thời, Nhà nước cũng phải làm tốt hơn vai trò của “nhà kiến tạo”.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân
Trong điều kiện diện tích đất nông nghiệp, số lượng lao động đang giảm xuống, cạnh tranh về nguồn nước, các tài nguyên thiên nhiên và nguồn vốn ngày càng gay gắt thì KHCN phải đặc biệt được coi trọng là khâu đột phá nâng cao khả năng cạnh tranh các mặt hàng nông sản chủ lực và duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Để thực hiện được mục tiêu này, vai trò của các DN trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KHCN là rất quan trọng. Đây là lực lượng đầu tư lớn nhất cho KHCN. DN là nơi sử dụng, là trung tâm, biến các ý tưởng nghiên cứu thành sản phẩm xã hội.