Thiếu tính chuyên nghiệp: “Lỗi lớn” của nhà thầu nội

Việt Nguyễn - thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Theo nhiều chuyên gia, Luật Đấu thầu năm 2013 có khá nhiều điểm mới, ưu tiên phát triển nguồn lực trong nước, tạo cơ hội cho nhà thầu trong nước trúng thầu để tạo việc làm cho lao động trong nước. Theo đó, tư cách của các nhà thầu ngoại khi tham gia đấu thầu quốc tế tại Việt Nam được quy định chặt chẽ hơn, gói thầu tư vấn, xây lắp, hỗn hợp phải liên danh hoặc ký hợp đồng với nhà thầu phụ Việt Nam.

Thiếu tính chuyên nghiệp: “Lỗi lớn” của nhà thầu nội
Nhà thầu ngoại bỏ thầu với giá rẻ rồi thi công cầm chừng khiến công trình đội giá là hiện trạng các công trình lớn hiện nay. Nguồn: internet

Giá trị khối lượng công việc dành cho nhà thầu Việt Nam không thấp hơn 30% giá dự thầu trong trường hợp nhà thầu Việt Nam đủ khả năng thực hiện. Nhà thầu nước ngoài chỉ được phép sử dụng lao động nước ngoài khi lao động trong nước không đủ khả năng thực hiện và đáp ứng yêu cầu của gói thầu.

Hứa hẹn minh bạch, cạnh tranh hơn

Luật cũng quy định rõ: các nhà thầu được hưởng ưu đãi trong đấu thầu quốc tế khi thuộc một trong các trường hợp sau: nhà thầu trong nước khi tham dự đấu thầu quốc tế gói thầu xây lắp, hỗn hợp; nhà thầu liên danh khi có thành viên trong liên danh là nhà thầu trong nước đảm nhận công việc có giá trị trên 50% đối với gói thầu dịch vụ tư vấn, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp; nhà thầu cung cấp hàng hóa có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ từ 30% trở lên.

Cụ thể, về việc lựa chọn nhà đầu tư (NĐT), Luật Đấu thầu năm 2005 chỉ đề cập đến vấn đề lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu xây lắp, mua sắm hàng hóa và tư vấn, trong khi đó Luật Đấu thầu năm 2013 lại lựa chọn NĐT để NĐT đem tiền vào đầu tư dự án. Về đấu thầu qua mạng, trước đây luật chỉ có một Điều về đấu thầu qua mạng thì nay Luật Đấu thầu có cả một chương về vấn đề này.

Đặc biệt là đấu thầu qua mạng, mặc dù đã làm thí điểm từ năm 2009 và đã có hơn 1.000 gói thầu thực hiện thành công, tuy nhiên vì nhiều lý do cho đến nay các nhà thầu vẫn chưa thật sự “mặn mà”, thậm chí còn tỏ ra xa lạ. Ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Đấu thầu, Bộ KH&ĐT, cho biết trong thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ đặt ra lộ trình về tỷ lệ bắt buộc phải đấu thầu qua mạng theo từng năm.

Bởi theo ông Tăng, ưu điểm của đấu thầu qua mạng là các nhà thầu, NĐT có thể đăng ký đấu thầu ở mọi lúc mọi nơi, thời gian chỉ cần diễn ra 5 phút; các nhà thầu không biết mặt nhau nên loại trừ được yếu tố quen biết, vừa phòng chống được tham nhũng vừa tiết kiệm được rất nhiều chi phí.

Luật Đấu thầu 2013 cũng bao quát luôn cả đấu thầu về dịch vụ sự nghiệp công và đấu thầu đối với các dự án ODA hay đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài… Sở dĩ những nội dung này được đưa vào luật, vì hiện nay Việt Nam có rất nhiều các dự án ODA và FDI ra nước ngoài, nhưng lại chưa có một cách làm thống nhất, vì thế rất cần có sự điều chỉnh phù hợp, để các dự án đầu tư được hiệu quả hơn.

Nhờ có những điểm mới này, nên Luật Đấu thầu năm 2013 có nhiều ưu điểm, hứa hẹn sẽ tạo ra sự minh bạch, cạnh tranh hơn, đặc biệt sẽ giảm được tham nhũng trong quá trình thực hiện và cũng phân chia trách nhiệm rõ ràng hơn.

Nghiêm khắc với chính mình

Một nội dung quan trọng trong Nghị định 63/2014/NĐ-CP (có hiệu lực kể từ ngày 15/8/2014) được nhiều nhà thầu Việt Nam quan tâm, là chính sách ưu đãi trong đấu thầu. Cụ thể, NĐ63 đã quy định chi tiết về cách tính ưu đãi cho nhà thầu trong nước khi tham dự đấu thầu quốc tế, ưu đãi cho nhà thầu khi tham dự đấu thầu trong nước, ưu đãi cho hàng hóa trong nước; giúp hạn chế được tối đa tình trạng “nhà thầu Việt Nam thua trên sân nhà”; đồng thời thúc đẩy việc thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về “Khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Bên cạnh đó, khi NĐ63 có hiệu lực, các gói thầu dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp và hỗn hợp khi tổ chức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế được áp dụng theo phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ.

“Nhà thầu chuẩn bị hồ sơ đề xuất về kỹ thuật và hồ sơ đề xuất về tài chính riêng biệt, việc mở thầu sẽ được tiến hành 2 lần, lần thứ nhất mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật để đánh giá mà không bị ảnh hưởng bởi đề xuất tài chính của nhà thầu. Chỉ có những hồ sơ đề xuất kỹ thuật vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật mới được mở hồ sơ đề xuất về tài chính để đánh giá”, ông Tăng giải thích.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nếu các nhà thầu Việt không tự mình đổi mới nội lực thì cũng bị “lép vế” trên đấu trường quốc tế, thậm chí tiếp tục bị lấn trên sân nhà. Thiếu tính chuyên nghiệp là “lỗi lớn” của nhà thầu trong nước. Không tính toán kỹ, chi tiết các yếu tố trong suốt quá trình dự án khi lập hồ sơ chào thầu, đó là lỗi mà các nhà thầu Việt Nam thường mắc phải. Và, đó chính là yếu tố dễ phát sinh làm tăng giá thành và thời gian trong quá trình thực hiện dự án.

Trong khi vấn đề bảo hành sau khi dự án hoàn thành, được các nhà thầu nước ngoài thường thực hiện rất tốt, thì ngược lại các nhà thầu Việt thường làm không tốt, không có bộ phận bảo hành chuyên nghiệp cho dự án. Do đó đối với các công trình khi chủ đầu tư có nhu cầu thường các nhà thầu Việt triển khai rất chậm và hiệu quả kém làm mất niềm tin.
Để tự cứu mình và giành lại lợi thế trên sân nhà, các chuyên gia cho rằng bên cạnh sự trợ giúp đắc lực bằng các cơ chế chính sách thích hợp và kịp thời từ các cấp quản lý, các nhà thầu Việt phải cố gắng, nỗ lực và nghiêm khắc với chính mình hơn, phải tự xây dựng chiến lược và mục tiêu cho mình.

Ngay từ những công trình nhỏ phải có phương án tổ chức, quản lý dự án tốt, tạo được tư duy làm việc khoa học để dần hình thành cái chất cần có của nhà thầu. Chúng ta đang thiếu phương pháp và tác phong làm việc khoa học có trách nhiệm của nhà thầu. Làm sao để chủ đầu tư thực sự yên tâm khi nhận sản phẩm của nhà thầu Việt làm ra.

PGS., TS. Vũ Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, cho rằng: “Bản thân các nhà thầu phải tự phấn đấu đào tạo nguồn nhân lực chuyên gia giỏi, ngoại ngữ tốt, kỹ thuật máy móc hiện đại và khẳng định bằng chất lượng và tiến độ công trình. Có những yếu tố này, nhà thầu Việt không cần tham gia đấu thầu cũng được các nhà thầu quốc tế tin tưởng chỉ định làm thầu phụ… Từ đó, nhà thầu Việt mới có được một sân chơi bình đẳng”.

Tăng cường xử lý vi phạm về đấu thầu

Ông Lê Văn Tăng - Cục trưởng Cục Đấu thầu (Bộ KH&ĐT):

Đối với vấn đề xử phạt trong đấu thầu, Luật Đấu thầu 2013 cũng đã tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu. Cụ thể, đã bổ sung một số hành vi bị cấm trong đấu thầu, đồng thời quy định thêm biện pháp xử phạt đối với cá nhân được giao trách nhiệm xử phạt nhưng không tuân thủ quy định. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu còn bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu và đưa vào danh sách các nhà thầu vi phạm trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Như vậy có thể khẳng định rằng, những nhà thầu ngoại có vi phạm ở Việt Nam thì sẽ không có cơ hội thứ hai tại Việt Nam.

Kẹt bởi tài chính, kinh nghiệm
Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam:

Thực tế khi tham gia đấu thầu quốc tế, đặc biệt là các dự án ODA, các nhà thầu Việt thường bị kẹt bởi các điều kiện như tài chính, kinh nghiệm, thiết bị đặc chủng… Trong khi đó, các nhà thầu nước ngoài thường đến từ các tập đoàn lớn, họ có thể khai có bao nhiêu kinh nghiệm, thiết bị đủ các loại hay tiềm lực tài chính hùng hậu… Mặc dù, kinh nghiệm thật đến đâu, hay thiết bị có thể đi thuê. Nhưng kết cục cuối cùng là các nhà thầu ngoại vẫn có thể “ngồi mát - ăn bát vàng”. Còn công việc triển khai dự án thì trả lại cho chính nhà thầu Việt trong vai trò nhà thầu phụ với mức giá “bèo bọt”.

Vẫn còn ưu tiên nhà thầu bỏ giá thấp
Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI)

Luật Đấu thầu đang ưu tiên các nhà thầu có giá bỏ thầu thấp mà chưa quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ về chất lượng thiết bị. Trong khi đó, năng lực của các chủ đầu tư còn hạn chế, chỉ thích chọn phương pháp đấu thầu EPC mà ngại trong việc tách các phần công việc, để có các gói thầu phù hợp với điều kiện nhà thầu trong nước làm được. Còn sau khi đã ký tổng thầu, công tác kiểm tra giám sát đánh giá năng lực nhà thầu của chủ đầu tư còn yếu, chưa quyết liệt thực hiện các biện pháp chế tài xử lý vi phạm nhà thầu… Nhiều dự án thực hiện chỉ định thầu EPC là do nhà thầu Trung Quốc thu xếp tài chính từ nguồn vay từ Trung Quốc với lãi suất thấp, thủ tục vay đơn giản.