Thỏa thuận khí đốt Nga – Trung: Đôi bên cùng có lợi
(Tài chính) Ngày 9/11, lãnh đạo 2 nước Nga – Trung Quốc đã ký kết bản ghi nhớ về thỏa thuận cung cấp khí đốt thứ hai qua "đường ống dẫn phía Tây” cho Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc đã trở thành khách hàng mua khí đốt lớn nhất của Nga.
Nhu cầu hợp tác của cả 2 bên
Thỏa thuận về "đường ống dẫn phía Tây” hay còn gọi là "Altay” là một trong số 17 thỏa thuận được Tổng thống Putin và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình ký kết vào ngày 9/11, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Bắc Kinh. Theo đó, Nga sẽ cung cấp 30 tỷ m3 khí đốt/năm cho Trung Quốc.
“Sau khi chúng tôi đưa tuyến đường ống dẫn phía Tây vào khai thác, khối lượng khí đốt vận chuyển tới Trung Quốc có thể vượt khối lượng nhiên liệu xuất khẩu sang châu Âu hiện nay”, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Gazprom, Aleksey Miller cho hay.
Ngoài thỏa thuận về đường ống dẫn phía Tây, hai nhà lãnh đạo 2 nước còn chứng kiến lễ ký hàng loạt văn kiện hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, trong đó có thoả thuận khung hợp tác giữa Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) với Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga.
Trước đó, hồi tháng 5, hai nhà lãnh đạo cũng đã đạt được nhất trí về việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt phía Đông, cho phép Trung Quốc mua của Nga mỗi năm 38 tỷ m3 khí tự nhiên và kéo dài trong vòng 30 năm.
Như vậy, việc Nga và Trung Quốc chỉ trong chưa đầy nửa năm đã ký tới 2 thỏa thuận xây dựng hai đường ống dẫn khí đốt có công suất lớn cho thấy hai bên có nhu cầu hợp tác năng lượng rất lớn.
Toan tính hướng Đông của Nga
Từng có hiềm khích với nhau thời Chiến tranh Lạnh nhưng nay Moscow và Bắc Kinh đã không ngừng đẩy mạnh hợp tác song phương với tham vọng cùng làm đối trọng trước ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ.
Với Nga, mâu thuẫn giữa Nga và phương Tây về vấn đề Ukraine đã khiến Kremlin có động lực mới để kết thân với Bắc Kinh hơn trước.
Các tranh chấp khí đốt giữa Ukraine và Nga sẽ khiến Nga hạn chế tiếp cận các bạn hàng lâu năm ở châu Âu. Khi Nga lạm dụng con bài khí đốt trong mối quan hệ tổng thể với châu Âu, các quốc gia phương Tây đang phải tự mình phải vận động, tìm kiếm nguồn cung thay thế mới an toàn hơn. Điều này có nghĩa là Nga có nguy cơ không tiêu thụ được khí đốt dù chưa đánh mất thị trường.
Trung Quốc là một lựa chọn chiến lược trong bối cảnh nước này đang phải chịu nhiều lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu. Moscow và Bắc Kinh từng dùng dằng nhiều năm trời mà không ký được hợp đồng khí đốt bởi không thỏa thuận được với nhau về lợi ích của mỗi bên. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, khi Nga đang bị các nước phương Tây bao vây, cấm vận thì nước này sẵn sàng chấp nhận một số nhượng bộ để ký được hợp đồng với Trung Quốc.
Bên cạnh đó, các thỏa thuận này cũng đánh dấu bước dịch chuyển lớn đầu tiên của Nga về phía châu Á trong lĩnh vực xuất khẩu khí đốt. Nga nhiều khả năng sẽ bán được nhiều năng lượng hơn cho thị trường châu Á sau nhiều thập niên chủ yếu cung cấp dầu thô và khí đốt cho châu Âu. Nga muốn đa dạng hóa thị trường xuất khẩu năng lượng về phía Đông và hy vọng những thỏa thuận lớn khác trong tương lai với Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ.
Lợi ích của Trung Quốc
Theo nhiều nhà phân tích, các thỏa thuận trên có lợi cho Trung Quốc nhiều hơn Nga. Với thỏa thuận khí đốt được ký kết hồi tháng 5, Trung Quốc đã đưa khí đốt vào thị trường châu Á bằng giá với thị trường châu Âu, điều ít ai tưởng tượng nổi, khi trước đây thường phải chấp nhận mua với giá đắt hơn châu Âu tới 30%.
Các thỏa thuận trên sẽ giúp Trung Quốc đáp ứng một phần không nhỏ nhu cầu năng lượng đang ngày càng lớn. Việc tăng nhập khẩu khí gas từ Nga sẽ giúp Bắc Kinh giảm sự phụ thuộc vào than đá – một phần trong cuộc chiến chống ô nhiễm đang được quốc gia đông dân nhất thế giới này triển khai.
Nhu cầu khí đốt của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng vọt trong những năm sắp tới. Các ước tính về nhu cầu khí đốt của Trung Quốc rất khác nhau, nhưng giới phân tích nhất trí rằng, tiêu thụ khí đốt của nước này sẽ tăng 2-3 lần trong thập kỷ tới.